BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thủ tướng Chính phủ:

Yêu cầu tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp, nội bộ cơ quan hành chính nhà nước 

Cập nhật ngày: 19/03/2021 - 18:35

BTNO - Chiều 18.3, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng giai đoạn 2021 - 2030. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Tây Ninh.

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có ông Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy,ông Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.

Trong giai đoạn 2011-2020, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đạt kết quả tích cực; việc tổ chức triển khai theo dõi, đánh giá, xếp loại công tác CCHC, công bố kết quả Chỉ số CCHC; khảo sát, đo lường, xác định Chỉ số hài lòng hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước… là những nét nổi bật.

 Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể, nhiều bộ, ngành và địa phương đã có những mô hình, sáng kiến mới được nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, các bộ, ngành đã có khoảng 461 mô hình, sáng kiến CCHC. Các tỉnh có khoảng 6.124 mô hình, sáng kiến CCHC; trung bình mỗi năm, mỗi tỉnh có hơn 16 mô hình, sáng kiến.

Nhìn chung, các mô hình, sáng kiến CCHC đã được triển khai, nhân rộng trong phạm vi của từng tỉnh, ngoài ra, cũng có nhiều mô hình, sáng kiến đã được các tỉnh tham khảo, áp dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương mình.

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được xác định là một khâu trọng tâm, đột phá và đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính theo hướng đơn giản hoá, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của nhân dân.

Việc triển khai thực thi phương án đơn giản hóa TTHC; việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa dòng hàng đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11 năm 2020, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 TTHC, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Đề án Tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 bước đầu đạt được một số kết quả. Qua đó, đã triển khai hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch tại các địa phương và thực hiện cấp số định danh cá nhân cho hơn 1.391.018 trường hợp đăng ký khai sinh năm 2019 tại 680 phòng tư pháp cấp huyện và 10.696 UBND cấp xã tại 60 tỉnh, thành phố.

Bộ Công an tiếp tục cấp thẻ Căn cước công dân từ đủ 14 tuổi trở lên tại 16 tỉnh, thành phố, từ năm 2012 đến nay đã cấp được 15 triệu trường hợp. Đến ngày 30/9/2020, Bộ Công an đã thu thập được 83.387.773/87.306.594 (đạt 95,51%) phiếu thu thập thông tin dân cư DC01 và cập nhật được 7.436.291 phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư DC02.

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã tiếp tục được triển khai thực hiện với nhiều nhiệm vụ quan trọng, đạt được một số kết quả được ghi nhận. Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đổi mới; đã từng bước đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 

Cải cách chính sách tiền lương đã được quan tâm và đạt được những kết quả tích cực. Từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã từng bước điều chỉnh mức lương cơ sở đối với khu vực hưởng lương ngân sách phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước từ 730.000đ/tháng (năm 2011) lên 1.490.000đ/tháng (năm 2019).

Chính phủ đã từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, những thể chế, chính sách này bao trùm nhiều lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, từ các chương trình, định hướng của quốc gia, cho tới cung cấp thông tin, dịch vụ công; chuyển đổi số và đô thị thông minh… 

Cơ chế quản lý tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập được đổi mới, giúp cho các cơ quan, đơn vị chủ động trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, sử dụng ngân sách và đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như cải cách TTHC vẫn chưa thực sự là động lực mạnh mẽ cho cải thiện môi trường kinh doanh. Cắt giảm TTHC ở những lĩnh vực mà người dân, doanh nghiệp ít cần được giải quyết. Tính liên thông trong cải cách TTHC chưa cao. Cải cách tài chính công còn nhiều hạn chế.

Việc xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số còn chưa đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương. Việc hình thành các hệ thống dữ liệu dùng chung chưa đầy đủ; việc kết nối, liên thông giữa các phần mềm quản lý chuyên ngành, dữ liệu dùng chung của các cơ quan, đơn vị còn khó khăn, gây cản trở cho công tác quản lý và giải quyết công việc cho người dân, tổ chức…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đất nước muốn phát triển tốt hơn phải có một quyết tâm chính trị về CCHC trên các mặt, về thể chế, bộ máy, pháp luật và thủ tục, đội ngũ; thực hiện chiến lược số hóa với cơ sở dữ liệu dân cư tốt hơn; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm, tăng cường tính công khai, minh bạch đối với hệ thống để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh công tác CCHC của nước ta cần phải sát sao, có trọng tâm, bám sát nhiệm vụ, đột phá chiến lược đề ra. Công tác CCHC cần quyết liệt, đồng bộ, xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình CCHC nhà nước 2021 - 2030 toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, trong đó chủ yếu là thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, thể chế về tổ chức hoạt động của nền hành chính nhà nước. Không để nợ đọng VBQPPL, đặc biệt là hoàn thiện thể chế về kinh doanh, cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, tăng cường công khai minh bạch, phòng, chống tham nhũng.

Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp, nội bộ cơ quan hành chính nhà nước. Tiếp tục xây dựng pháp luật về bộ máy nhà nước, trong đó đẩy mạnh nghiên cứu, thí điểm một số mô hình mới về thu gọn bộ máy gắn với tinh giản biên chế.

Đặc biệt, đổi mới hệ thống tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn các đầu mối, tránh chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Đẩy mạnh cải cách công vụ, xây dựng tốt đội ngũ công chức, viên chức ở mỗi cơ quan, đơn vị. Tiếp tục đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan, đơn vị gắn với nhiệm vụ được giao.

Dịp này, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3 cho 2 tập thể là UBND tỉnh Quảng Ninh, Vụ Cải cách hành chính Bộ Nội vụ; Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho nhiều tập thể, cá nhân vì có thành tích xuất sắc trong công tác CCHC nhà nước giai đoạn năm 2011 - 2020.  

Thiên Di