Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hướng đi nào cho hợp tác xã kiểu mới ?

Bài cuối: Xoá “rào cản” để phát triển 

Cập nhật ngày: 26/11/2018 - 13:23

BTN - Thời gian qua, các hợp tác xã (HTX) kiểu mới hoạt động theo Luật HTX 2012, dù còn một số bất cập, nhưng cũng đã có những bước phát triển đáng ghi nhận cả về chất lượng và số lượng. Tuy nhiên, phần lớn các HTX luôn trong tình trạng “khát vốn”, “khát nhân lực” nên gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển sản xuất bền vững, đòi vì vậy cần có sự hỗ trợ kịp thời và mạnh mẽ từ các nguồn lực xã hội.

Ông Hà Chí Mãng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân chăm sóc mãng cầu của gia đình.

Cần hỗ trợ nhiều hơn cho HTX, nông dân

Với sự phát triển của kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là các HTX, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có sự “thay da đổi thịt” tích cực. Việc vay vốn đối với các HTX hết sức nan giải. Các HTX khó khăn về vốn, chưa tiếp cận được nhiều tổ chức tín dụng, thiếu thông tin tư vấn về chính sách tín dụng, không có tài sản thế chấp.

Theo ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Bàu Ðồn (huyện Gò Dầu), các HTX đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của địa phương. Hiện nay, HTX dịch vụ nông nghiệp Bàu Ðồn đang ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một số đơn vị nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Như vừa ký hợp đồng với Trung tâm Khuyến nông tỉnh sản xuất 15,6 ha lúa giống, cung cấp 122 tấn lúa giống; ký hợp đồng với Tập đoàn Lộc Trời sản xuất 54 ha lúa giống cung cấp 380 tấn lúa giống. Giá sàn được Công ty Lộc Trời ký hợp đồng thu mua là 6.200/kg, lợi nhuận trung bình từ 30 - 40 triệu đồng/ha/vụ...

Ðược đánh giá là hoạt động hiệu quả, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, nhưng HTX dịch vụ nông nghiệp Bàu Ðồn cũng đang trong tình trạng chung của các HTX là thiếu vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Hà Chí Mãng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân, để HTX kiểu mới phát triển, cần có các chương trình hỗ trợ nông dân về kiến thức sản xuất nông nghiệp, tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến hiện nay. Bởi lẽ, người nông dân chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm hoặc theo sự chỉ dẫn “truyền miệng” với nhau về kỹ thuật canh tác. Ðể phát triển nông nghiệp nói chung và kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, cần hỗ trợ nông dân về giống cây trồng, kỹ thuật canh tác, thị trường tiêu thụ...

Anh Lưu Văn Xu - thành viên HTX xoài Thạnh Bắc, xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên trong vườn xoài sạch.

Ðể tăng giá trị của sản phẩm, HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân có định hướng tìm nguồn vốn đầu tư khu nhà xưởng hiện đại, chế biến sản phẩm sau trái mãng cầu. HTX rất cần tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, vốn hỗ trợ từ Nhà nước để mở rộng sản xuất, đầu tư trang thiết bị, máy móc... HTX này cũng đang có hướng tìm kiếm nhà đầu tư cùng hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Theo Liên minh HTX, trong thời gian tới, Liên minh sẽ tập trung đổi mới chương trình, phương pháp và cách thức đào tạo trên cơ sở phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của HTX; tập trung đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành và đội ngũ kế thừa HTX; đổi mới công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng website, hỗ trợ tham gia sàn giao dịch điện tử… gắn với nhu cầu của HTX.

Ðặc biệt, Liên minh sẽ tăng cường hỗ trợ các HTX xây dựng nguồn lực và năng lực hoạt động từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; tạo điều kiện cho tổ hợp tác, HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và phát triển HTX theo hướng bền vững.

Hoàn thiện chính sách

Mục tiêu hoạt động của các HTX kiểu mới chính là tổ chức lại sản xuất, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2018, KTTT, HTX còn nhiều khó khăn. Một số chính sách được thực hiện nhưng chưa mang lại hiệu quả như ưu đãi tín dụng, hỗ trợ chế biến sản phẩm… Tỉnh cũng chưa xây dựng được nhiều mô hình HTX kiểu mới, quy mô lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản thông qua hợp đồng kinh tế.

Nếu như HTX dịch vụ nông nghiệp Bàu Ðồn mang lại lợi ích cho cá nhân các thành viên tham gia, thì HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến -  Suối Ngô (huyện Tân Châu) được đánh giá cao bởi mang lại nhiều lợi ích cho hộ gia đình thành viên và nông dân trực tiếp sản xuất. Trước đây, các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu “mạnh ai nấy làm” nên năng suất, sản lượng thấp, đầu ra bấp bênh.

Với sự linh hoạt trong quản lý, điều hành, ban lãnh đạo HTX Tân Tiến - Suối Ngô đã đứng ra lo bao tiêu sản phẩm cho nông dân, tất cả các hộ thành viên, thành viên đều được đấu thầu thu mua mủ cao su. Qua đó, HTX đã tập hợp được đông đảo thành viên tham gia, mang lại lợi ích lớn cho các hộ có đất và nông dân trực tiếp tham gia sản xuất.

Ðể xây dựng HTX kiểu mới hiệu quả, thời gian tới, tỉnh cần tập trung vào các vấn đề như: đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho KTTT; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với du lịch.

Ông Võ Ðức Trong - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tỉnh đang tập trung tổ chức lại sản xuất, đặc biệt là một số sản phẩm chính theo hướng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ như lúa, cây ăn trái. Ðồng thời, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân để tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm trên một số loại cây trồng chủ lực của tỉnh như lúa, mía, cây ăn trái... cũng như các sản phẩm về chăn nuôi.

Mới đây, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển KTTT năm 2019. Theo đó, mục tiêu phát triển KTTT nòng cốt là HTX gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2020, HTX có vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh.

Tháng 6.2018, tại buổi làm việc lần đầu tiên sau 25 năm giữa Thủ tướng Chính phủ với Liên minh HTX Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Ðề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Ðây là đề án quan trọng và hết sức cần thiết, góp phần thực hiện thành công chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 23/2017/QÐ-TTg, trong đó có mục tiêu phấn đấu đến năm 2018, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX sẽ đạt 500 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt 1.000 tỷ đồng.

Luật HTX năm 2012 là chủ trương đúng đắn và cần được thúc đẩy để đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển. Ngoài sự chung tay, hỗ trợ của Nhà nước, các tổ hợp tác, HTX cần chủ động, nỗ lực vươn lên bằng nội lực. Có như vậy, HTX kiểu mới mới thực sự trở thành “đòn bẩy” trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp với cơ chế thị trường.

Vũ Nguyệt

Tin liên quan
  • Bài 2: Còn nhiều bất cập 

    Bài 2: Còn nhiều bất cập

    Thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, các HTX trên địa bàn tỉnh đã từng bước được củng cố, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh, nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn bộc lộ không ít bất cập trong việc chuyển đổi từ mô hình cũ sang mô hình HTX kiểu mới. Nhiều HTX lúng túng, luẩn quẩn với tình trạng “bình mới, rượu cũ”.