Thời Sự - Chính trị   Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoà bình cho Tổ quốc toàn vẹn và phát triển

Bài 4: “Việt Nam thành công trong quan hệ với cường quốc” 

Cập nhật ngày: 02/05/2024 - 07:32

BTN - Ngoại giao Việt Nam phản ánh bản sắc của dân tộc Việt Nam trong mối quan hệ bang giao với thế giới và thông qua tương tác với bên ngoài để làm giàu thêm bản sắc của mình, rất độc đáo, sáng tạo, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Lịch sử loài người và các tư tưởng lớn về chính trị quốc tế, đặc biệt là phương pháp luận Mác - Lênin chứng minh thế giới là một hệ thống hoàn chỉnh, thống nhất của các mặt đối lập, với những mối quan hệ lớn mà sự vận động và phát triển của nó tuân theo quy luật biện chứng.

Trong đó, các quốc gia, dân tộc đều giải quyết mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung, giữa bản sắc, lợi ích của quốc gia - dân tộc và mong muốn cùng tồn tại hoà bình, hợp tác và phát triển bởi các quốc gia, dân tộc là bộ phận không thể tách rời khỏi thế giới, không thể tồn tại biệt lập, phải hội nhập, hợp tác, giao lưu” - Tổng Bí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Hình tượng Thánh Gióng cùng cây tre hoá thân thành một trong “Tứ bất tử” sống mãi trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam.

"Cây tre vững vàng trước gió"

Tổng Bí thư chỉ rõ, trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ giang sơn, gấm vóc, bảo vệ văn hoá, con người Việt Nam đã hun đúc, bồi đắp, kết tinh nên bản sắc riêng, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Ngoại giao Việt Nam phản ánh bản sắc của dân tộc Việt Nam trong mối quan hệ bang giao với thế giới và thông qua tương tác với bên ngoài để làm giàu thêm bản sắc của mình, rất độc đáo, sáng tạo, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngoại giao Việt Nam đã kế thừa và phát huy bản sắc, cội nguồn văn hoá và truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, phát triển trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành nên trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

Đó là kiên định về nguyên tắc, uyển chuyển về sách lược, mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, can trường trước mọi khó khăn, thử thách, vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.

Tư tưởng, đường lối ngoại giao đó đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. “Cây tre giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử, văn hoá và đời sống hằng ngày của người dân Việt Nam, tượng trưng cho sức mạnh, sự linh hoạt và kiên cường.

Việc Việt Nam quyết tâm theo đuổi chính sách đối ngoại dựa trên những đặc điểm này, với tên gọi là “ngoại giao cây tre”, được coi là một phản ứng thực tế đối với những thách thức mà quốc gia này phải đối mặt trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Thuật ngữ “ngoại giao cây tre” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra trong Hội nghị ngoại giao năm 2016 và được nhắc lại tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc năm 2021. Tổng Bí thư ví chính sách đối ngoại của Việt Nam với cây tre - rễ bền, thân chắc, cành mềm dẻo, linh hoạt.

Chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam đã thành công trong việc duy trì mối quan hệ thực tế với các cường quốc trong khi vẫn bảo đảm các lợi ích quốc gia của mình. Trong “ngoại giao cây tre”, gốc rễ vững chắc là những nguyên tắc chỉ đạo cốt lõi như lợi ích quốc gia, độc lập, tự chủ, đa dạng hoá và đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Những nguyên tắc có nguồn gốc sâu xa trong tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là nền tảng cho đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Veeramalla Anjaiah, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS), cựu biên tập viên cao cấp báo The Jakarta Post, Indonesia bình luận, ngoại giao cây tre không chỉ là cách xử lý và ứng phó trước sự thay đổi mà còn là cách thức thúc đẩy văn hoá, bản sắc và quan hệ kinh tế của Việt Nam với các đối tác chiến lược và toàn diện.

Đường lối này được đặc trưng bởi sự độc lập, tích cực và cam kết không can thiệp, nhấn mạnh rằng Việt Nam có thể được tin tưởng để duy trì các giá trị và nguyên tắc của mình ngay cả trong bối cảnh địa chính trị phức tạp và luôn thay đổi.

ThS. A.a. Shifman (Khoa Khoa học chính trị, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan) viết, có thể nói rằng, nền ngoại giao Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thật giống với cây tre vững vàng trước gió.

Đường lối đối ngoại này được định hướng bởi chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó, tư tưởng là gốc rễ bám chặt giúp cây tre chuyển động tự do nhưng không bao giờ bị bật rễ khỏi mảnh đất nuôi dưỡng và duy trì sự sống của mình.

Chính sách đối ngoại Việt Nam và việc thực hiện chính sách này có thể linh hoạt dựa theo các lý luận khác nhau và điều kiện quốc tế. Tuy nhiên, nội dung tư tưởng và đường lối cách mạng kiên định của Đảng thì không bao giờ được đánh mất. Nghệ thuật của “ngoại giao cây tre” chính là sự linh hoạt khi đối mặt với những thách thức mới nhưng không bao giờ xa rời các nguyên tắc ngoại giao và tư tưởng quan trọng của Đảng.

Ngoại giao “cây tre Việt Nam” vừa phù hợp với điều kiện hiện nay, vừa được củng cố bởi những hành động, đường lối đổi mới của Đảng và sự chỉ đạo của Tổng Bí thư. “Vì vậy, trong quan hệ quốc tế, chủ thể làm công tác ngoại giao mà không tuân theo các nguyên tắc thì không thể tồn tại và không được coi trọng.

Đây cũng là đặc trưng của ngoại giao Việt Nam. Ngoài ra, tre còn là loại cây tượng trưng cho đức tính cao thượng, dũng cảm và sức sống bền bỉ. Theo tôi, đây là hình ảnh phù hợp nhất để mô tả chính sách đối ngoại của Việt Nam”.

“Không gây tổn hại nguyên tắc ngoại giao”

“Việt Nam đã nỗ lực xây dựng đất nước trên cơ sở chính sách đổi mới và đạt được sự phát triển nổi bật. Có thể nói, sự đồng lòng nỗ lực xây dựng đất nước của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã góp phần đạt được sự phát triển như ngày nay.

Chúng ta nên ghi nhớ rằng, sự phát triển của Việt Nam không chỉ có đóng góp của quan hệ hợp tác hữu nghị chặt chẽ giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam mà còn có sự tham gia mạnh mẽ của Việt Nam vì hoà bình của châu Á và thế giới.

Trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp và xu thế toàn cầu hoá, đường lối “ngoại giao cây tre” vừa linh hoạt, vừa kiên trì do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng đã lãnh đạo Việt Nam với những đặc tính vốn có của cây tre là “mềm mỏng” nhưng lại “mạnh mẽ”, “kiên quyết không lùi bước”. Tư tưởng đó vừa vì hoà bình của Việt Nam, cũng vừa là đóng góp cho chung sống hoà bình với các nước châu Á và với các nước trên thế giới” - Murayama Tomoichi, cựu Thủ tướng Nhật Bản đánh giá.

Ông Amiad Horowitz- Uỷ viên Ban Quốc tế, Uỷ viên Ban Hoà bình và Đoàn kết Đảng Cộng sản Mỹ bình luận, Việt Nam đã ngày càng có ảnh hưởng và uy tín trong lĩnh vực ngoại giao quốc tế. “Ngoại giao cây tre” là cách tiếp cận ngoại giao độc đáo của Việt Nam, nhận được rất nhiều lời khen ngợi.

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới nổi lên trên cục diện địa chính trị thường gặp phải xung đột, Việt Nam đã có được hoà bình và thịnh vượng chưa từng có. Bất kỳ ai quan tâm đến sự chung sống hoà bình đều cần phải nghiên cứu “ngoại giao cây tre” để học được những bài học quan trọng.

“Ngoại giao cây tre” được phát triển từ những kinh nghiệm độc đáo của truyền thống lịch sử Việt Nam lâu đời, kết hợp với những bài học từ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, được vận dụng một cách sáng tạo dựa trên điều kiện đặc thù của bối cảnh địa chính trị ngày nay.

Cây tre được coi là biểu tượng của sự linh hoạt, bền vững và sức mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng thường xuyên sử dụng hình tượng cây tre để tượng trưng cho những đức tính này ở con người Việt Nam. Tiếp nối những nguyên tắc này, cách tiếp cận ngoại giao của Việt Nam thể hiện sự độc lập và sức mạnh một cách quyết liệt, nhưng đồng thời linh hoạt, tìm cách duy trì quan hệ hoà bình với tất cả các quốc gia và dân tộc.

Có rất nhiều ví dụ thực tế minh chứng cho điều này trong thập kỷ qua hoặc lâu hơn. "Thật không may, trên khắp nơi thế giới đang chứng kiến sự gia tăng bạo lực và chiến tranh. “Ngoại giao cây tre” của Việt Nam cung cấp mô hình tốt hơn cho các quốc gia trên thế giới, một mô hình vừa không gây ra tổn hại đến sức mạnh và nguyên tắc của ngoại giao, vừa có tính linh hoạt và tiếp tục theo đuổi hoà bình.

Các nhà ngoại giao và những cường quốc trên thế giới phải học hỏi cách tiếp cận độc đáo của Việt Nam để có được nhiều bài học có thể áp dụng cho các tình huống cụ thể để có thể có một tương lai hoà bình hơn".

Việt Đông

(còn tiếp)

Tin liên quan
  • Bài 3: "Để mở nền thái bình muôn thuở" 

    Bài 3: "Để mở nền thái bình muôn thuở"

    Đối ngoại phải luôn luôn phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp đối nội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là những tư tưởng, triết lý vượt thời đại của cha ông ta, mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị.

  • Bài 2: Vai trò tiên phong của đối ngoại 

    Bài 2: Vai trò tiên phong của đối ngoại

    Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII đã nêu rõ về vị trí, vai trò của từng trụ cột đối ngoại.

  • Bài 1: “Quyết sách đúng đắn, bước đi chủ động” 

    Bài 1: “Quyết sách đúng đắn, bước đi chủ động”

    Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn hơn. Trong bối cảnh đó, các nước vừa và nhỏ đã đối diện với cả cơ hội và thách thức đan xen.