BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giải báo chí quốc gia lần thứ 16: “Chỉ chấm tác phẩm”

Cập nhật ngày: 21/06/2022 - 22:45

BTN - Loạt bài “Tôn giáo trong lòng dân tộc, vì dân tộc” của nhóm tác giả Đồng Viết Thắng và Nguyễn Thị Phương Thuý của Báo Tây Ninh đoạt giải C.

Giải báo chí quốc gia lần thứ 16 năm 2021 có 1.911 tác phẩm dự thi, 152 tác phẩm thuộc 11 loại giải được Hội đồng sơ khảo lựa chọn và trình lên Hội đồng chung khảo. Trong số 152 tác phẩm báo chí xuất sắc lọt vào vòng chung khảo, 115 tác phẩm đoạt giải, gồm 10 giải A, 22 giải B, 48 giải C, 35 giải Khuyến khích. Loạt bài “Tôn giáo trong lòng dân tộc, vì dân tộc” của nhóm tác giả Đồng Viết Thắng và Nguyễn Thị Phương Thuý của Báo Tây Ninh đoạt giải C.

Tối 21.6, tại Cung văn hoá hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), Hội Nhà báo Việt Nam cùng các cơ quan liên quan tổ chức trao Giải báo chí quốc gia lần thứ 16 năm 2021. Giải báo chí quốc gia lần thứ 16 năm 2021 là năm thứ 5 liên tiếp giải có sự góp mặt đầy đủ của 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trong cả nước. Các tác phẩm dự giải bám sát các chủ đề lớn từ chính trị, kinh tế, văn hoá, quốc phòng, an ninh và các mặt của đời sống xã hội.

Ban tổ chức Giải báo chí quốc gia lần thứ 16 năm 2021 đánh giá, báo chí đã phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện lớn, các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực; công tác phòng, chống đại dịch Covid-19; khơi thông mọi nguồn đầu tư, hướng tới mục tiêu duy trì tăng trưởng và phục hồi kinh tế; tinh thần đại đoàn kết dân tộc... 152 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo giải là những tác phẩm tiêu biểu nhất của các loại hình báo chí của các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương.

Nhà báo Lê Quốc Minh- Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí quốc gia, Chủ tịch Hội đồng chung khảo nhận định: Năm 2021 là một năm đầy biến động, thử thách đối với giới báo chí cả nước. Trong mùa giải lần thứ 16 đặc biệt này, bên cạnh các đề tài truyền thống khác, tác phẩm về đề tài đại dịch Covid-19 chiếm số lượng lớn, chất lượng cũng rất cao.

“Nguồn chất liệu cho báo chí khan hiếm, điều kiện tác nghiệp của nhà báo gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Tuy nhiên, lực lượng báo chí cách mạng Việt Nam vẫn vững vàng vượt qua thách thức, thể hiện rõ vai trò xung kích, dấn thân trên tuyến đầu. Rất nhiều nhà báo đã có mặt tại các điểm nóng, các vùng tâm dịch, sẵn sàng xả thân để có những tác phẩm báo chí có sức lay động, truyền cảm hứng mạnh mẽ, lan toả những tấm gương sáng, phổ biến những cách làm hay, góp phần vào thành công chung của đất nước trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19”- ông Lê Quốc Minh nhìn nhận.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo cho biết, bước sang năm thứ 16, uy tín của Giải báo chí quốc gia ngày càng được khẳng định vững chắc, giá trị của giải được lan toả rộng khắp các cấp Hội và các hội viên. Chất lượng tác phẩm lần này đồng đều hơn, khoảng cách giữa báo chí Trung ương và báo chí địa phương được thu hẹp. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi khẳng định, công tác chấm giải năm nay khách quan, minh bạch, hội đồng chấm sơ khảo, chung khảo dành nhiều thời gian để thảo luận, chấm các tác phẩm có sự thống nhất cao: “Chúng tôi làm việc theo đúng điều lệ, quy định, chỉ chấm tác phẩm chứ không chấm tác giả, cơ quan báo chí”.

Nhà báo Phạm Mạnh Hùng- Phó Tổng Giám đốc VOV, thành viên Hội đồng chung khảo cũng cho rằng, các tác phẩm báo chí đã truyền tải những thông điệp ý nghĩa, đồng thời thể hiện sự dấn thân của tác giả ngay từ câu chữ, hình ảnh, âm thanh trong bài viết: “Xu hướng báo chí hiện đại thể hiện rất rõ. Với báo điện tử, chúng tôi thấy có những tác phẩm báo chí tích hợp được đa phương tiện, được trình bày dưới dạng như Mega Story, Longform và với kỹ thuật rất cao. Phát thanh, truyền hình cũng đã có sự đổi mới rất rõ trong cách trình bày tác phẩm. Có những tác phẩm đã thể hiện sự dấn thân tác giả, dù không có lời bình của biên tập viên mà tất cả thể hiện qua từng tiếng động, từng hình ảnh. Qua đó, chúng tôi thấy được tinh thần dấn thân phụng sự của các tác giả trong tác phẩm dự thi”.

Việt Đông