BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc với các sở, ngành và doanh nghiệp:

Kiến nghị các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh 

Cập nhật ngày: 15/10/2021 - 17:52

BTNO - Chiều 14.10, ông Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh chủ trì buổi làm việc của Đoàn ĐBQH tỉnh với các sở, ngành, doanh nghiệp trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV. Cùng dự có các ĐBQH: Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh, Huỳnh Thanh Phương- Bí thư Huyện uỷ Gò Dầu, Trần Hữu Hậu - Hội viên Hội Luật gia tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh tiếp thu các ý kiến tại buổi làm việc.

Thông tin tới lãnh đạo các sở, ngành và DN dự họp, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Hoàng Thị Thanh Thuý cho biết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV dự kiến diễn ra từ ngày 20.10 đến 13.11 với hình thức họp trực tuyến và trực tiếp. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 2 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 5 dự án luật và thảo luận, quyết nghị một số vấn đề quan trọng khác.

Hội nghị đã ghi nhận rất nhiều ý kiến, kiến nghị của các DN, lãnh đạo sở, ngành của tỉnh về những bất cập, khó khăn trong chính sách, pháp luật ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Trong giai đoạn DN khôi phục SXKD sau đại dịch, DN rất khó khăn về nguồn vốn, lao động, nhiều DN nhỏ, siêu nhỏ hoạt động cầm chừng, phá sản.

DN kiến nghị cần có chính sách giảm lãi suất vay vốn, gia hạn kỳ hạn trả nợ ngân hàng; tạo điều kiện mở rộng đối tượng DN được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa cũng như các gói hỗ trợ của Chính phủ.

Ông Nguyễn Thế Tân – Tổng giám đốc Công ty CP Natani, đại diện Hội doanh nhân trẻ Tây Ninh phát biểu ý kiến.

Về vấn đề môi trường, DN đề nghị Chính phủ gia hạn thời gian lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ đến 31.12.2022.

DN đề nghị nên tạm hoãn các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch để tạo điều kiện cho DN tập trung khôi phục SXKD sau đại dịch, trừ những DN có dấu hiệu vi phạm pháp luật; đề nghị ngành Nông nghiệp, Công Thương có giải pháp tốt hơn kết nối cung - cầu, hạn chế tình trạng “giải cứu nông sản” tràn lan…DN cũng kiến nghị các vấn đề an toàn nguồn nước hồ Dầu Tiếng, những bất cập trong các quy định gây khó khăn, lãng phí nguồn lực của DN trong hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ.

Về vấn đề quản lý nhà nước lĩnh vực an toàn thực phẩm, lãnh đạo Sở Công Thương kiến nghị tới Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh đề nghị Chính phủ chỉ giao cho ngành làm một đầu mối quản lý hoặc thực hiện theo mô hình của Thành phố Hồ Chí Minh là thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm trực thuộc UBND thành phố.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị trung ương loại Tây Ninh ra khỏi vùng an ninh lương thực để Tây Ninh có thể chuyển trên 240.000 ha đất lúa sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà nêu kiến nghị vấn đề an toàn nguồn nước hồ Dầu Tiếng.

Tại hội nghị, một số vấn đề khó khăn, vướng mắc DN nêu đã được lãnh đạo các sở, ngành liên quan trả lời. Kết luận buổi làm việc, ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thông tin nhanh tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, ông chia sẻ những khó khăn của DN và cho biết tới đây UBND tỉnh sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ, đối thoại DN để lắng nghe, kịp thời tháo gỡ khó khăn của DN, đồng hành giúp DN khôi phục SXKD trong trạng thái “bình thường mới”. Các kiến nghị của DN liên quan quy định pháp luật, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh tiếp thu, tổng hợp để kiến nghị với các cơ quan thẩm quyền Trung ương.

Phuơng Thuý