Quốc tế   Vòng quanh Thế giới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những lâu đài mang tên tình yêu

Cập nhật ngày: 25/07/2012 - 05:47

1. Boldt Castle

Trên hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ trên dòng sông Saint Lawrence, gần vịnh Alexandria, New York, Mỹ, toà lâu đài Boldt nổi bật không chỉ bởi kiến trúc đồ sộ mà còn bởi dấu ấn tình yêu in đậm trong từng bức tường toà lâu đài. Người chủ của nó, George Boldt đã “cất công” xây dựng để thể hiện tình yêu sâu đậm của mình với người vợ Louise trong dịp Lễ Thánh Valentine năm 1905.

Đội ngũ xây dựng toà lâu đài gồm 300 công nhân làm việc trong thời gian 5 năm, từ năm 1900 đến 1905. Toà lâu đài Boldt được xây dựng theo kiểu kiến trúc Trung cổ và kiến trúc Victoria với 6 tầng, 120 phòng cùng hệ thống đường hầm, nhà máy điện, khu vườn kiểu Ý, 1 cây cầu, nhà chơi của trẻ và một “ngôi nhà” cho các chú chim bồ câu. Tuy nhiên việc xây dựng Boldt bị dang dở khi người vợ Louis của George Boldt đã mất trước một năm toà lâu đài hoàn thành. Từ đó, George Boldt ngừng luôn việc hoàn thành nó và không bao giờ trở lại hòn đảo gợi nhớ niềm đau mất mát đó nữa.

Năm 1977, chính quyền đã mua lại toà lâu đài sau 73 năm bị bỏ hoang và tàn phá bởi sự khắc nghiệt của thời tiết chỉ với giá 1 đô la và tiến hành tu sửa lại. Giờ đây, Boldt Castle là điểm đến lãng mạn của các đôi trẻ và các cặp vợ chồng trong các dịp Valentine và tuần trăng mật.

2. Swallow Nest

 “Lâu đài tình ái” Swallow Nest, biểu tượng của Cộng hoà Tự trị Crimea (Krym), miền Nam Ukraina, là một trong những toà lâu đài lãng mạn nổi tiếng nhất gần Yalta trên vùng biển Hắc Hải được xây dựng từ năm 1912 theo kiểu kiến trúc Gothic hiện đại.

Đáng buồn thay, khi người ta chưa kịp cảm nhận tình yêu đẹp như chuyện cổ tích thì toà lâu đài đã phải chịu một mất mát to lớn. Năm 1927, một trận động đất 6-7 độ richter khiến mỏm đá nữ thần Rạng Đông Aurora nơi lâu đài toạ lạc bị gãy nứt nặng nề và buộc phải đóng cửa 40 năm sau đó.

Sau này khi được phục hồi lại, Swallow Nest đã trở thành điểm tiệc cho thực khách thưởng thức “sơn hào hải vị” cùng cảm nhận khung cảnh tình yêu lãng mạn khi hoà mình vào không gian rộng lớn của Mũi đất Ai-Todor và biền bờ Hắc Hải về đêm.

3. Casa Loma

Đến thành phố Toronto của đất nước Canada xinh đẹp, du khách không thể bỏ qua toà lâu đài Casa Loma (tiếng Tây Ban Nha là Mái nhà trên ngọn đồi) theo kiểu kiến trúc Gothic do Thiếu tướng Sir Henry Mill Pellatt hứa xây dựng cho người vợ Mary xinh đẹp của mình từ năm 1911 đến 1914.

Vì tình yêu to lớn với vợ, Henry không tiếc tay chi khoản tiền 5 triệu đô la khổng lồ thời đó (khoảng 65 triệu đô la ngày nay) cùng với 300 công nhân để hoàn thành “ngôi nhà” tư nhân rộng lớn nhất Canada, cao 3 tầng, gồm 98 căn phòng với nội thất hiện đại. Nhưng, tiếc thay, sau vỏn vẹn 10 năm sống trong mơ trong lâu đài tình yêu, Henry đã phải rao bán lâu đài với giá 1,5 triệu đô la cùng đồ nội thất với giá 250 nghìn đô vì mất khả năng chi trả thuế bởi sự sụt giá do Chiến tranh thế giới thứ nhất gây nên.

Casa Loma giờ đây là một bảo tàng rộng lớn bao quanh bởi một khu vườn thiên nhiên đẹp mắt - một địa điểm hấp dẫn cho khách du lịch viếng thăm.

4. Captian's Castle

Toạ lạc trên thị trấn Cameron, tiểu bang Oklahoma, Mỹ, có thể toà lâu đài Captain’s Castle không khổng lồ về quy mô và không rộng lớn về diện tích nhưng nó lại được xem là minh chứng vĩ đại nhất ẩn chứa bên trong một thiên tình sử đẹp.

Trên thực tế, J.E Reynolds là người đi theo chủ nghĩa Sô-vanh cực đoan, mù quáng, bởi thế, sự tôn trọng phụ nữ cùng những đóng góp của họ đối với ông là rất “hiếm hoi”. Mọi quan điểm đã thay đổi kể từ khi Reynolds bị thương nặng khi tham gia cuộc Nội chiến Mỹ (1861 – 1865) và thoát khỏi cái chết trong gang tấc nhờ sự chăm sóc nhiệt tình bởi hai cô con gái của người sĩ quan liên minh của Reynolds để rồi từ đó ông trở thành một Captain Reynolds với tinh thần thượng võ cao hơn bao giờ hết và có một kết thúc lãng mạn với người vợ Felicity – hậu duệ gia tộc Choctaw lỗi lạc. Năm 1890, ông cho xây dựng toà lâu đài Reynolds’ Castle hay còn gọi là lâu đài Captain’s Castle làm vật chứng tình yêu của mình với người vợ thân yêu.

TT (st)