Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nền nông nghiệp “mới”: Kỳ vọng của nông dân

Bài 3: Hình thành vùng trái cây lớn của cả nước Kỳ vọng của nông dân 

Cập nhật ngày: 20/08/2018 - 10:05

BTN - Trong quá trình chuyển đổi cây trồng, một bộ phận nông dân có xu hướng chạy theo phong trào, tự phát trồng cây ngoài định hướng, ngoài quy hoạch, không bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, thiếu tính liên kết... nên hiệu quả thấp. Ðây là một trong những vấn đề cần được hạn chế trong thời gian tới để bảo đảm Tây Ninh trở thành “thủ đô” trái cây của cả nước như dự định.

Trong quá trình chuyển đổi cây trồng, một bộ phận nông dân có xu hướng chạy theo phong trào, tự phát trồng cây ngoài định hướng, ngoài quy hoạch, không bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, thiếu tính liên kết... nên hiệu quả thấp. Ðây là một trong những vấn đề cần được hạn chế trong thời gian tới để bảo đảm Tây Ninh trở thành “thủ đô” trái cây của cả nước như dự định.

Cần sự đầu tư đồng bộ

Theo Sở NN&PTNT, thời gian qua, tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình trình diễn sản xuất phục vụ quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Mục tiêu của tỉnh trong những năm tới là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của ngành.

Dự kiến, nếu tỉnh sớm hoàn thành khâu đầu tư hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, trong vài năm tới, Tây Ninh sẽ có vùng cây ăn trái tập trung, quy mô lớn và có thể trở thành “thủ đô” cây ăn trái nhiệt đới của cả nước phục vụ chế biến và xuất khẩu. Ðây là một trong những điểm nhấn của ngành nông nghiệp tỉnh nhà trong quá trình đổi mới sản xuất nông nghiệp.

Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp đã tích cực xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn trái và bước đầu hình thành một số vùng trồng tập trung như: mãng cầu (thành phố Tây Ninh, huyện Dương Minh Châu), sầu riêng (Gò Dầu), nhãn (Hoà Thành, Gò Dầu), khóm (Trảng Bàng, Bến Cầu), bưởi da xanh (Tân Biên)...

Tuy nhiên, quá trình xây dựng các vùng chuyên canh trái cây này gặp một số khó khăn, vì diện tích các vùng trồng còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh; phần lớn diện tích vẫn là vườn tạp, phát triển theo quy mô hộ gia đình.

Bên cạnh đó, để phát triển các vùng nguyên liệu cây ăn trái, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất phải được hoàn thiện và người trồng cần được hỗ trợ thích đáng. Ðáng chú ý là thời gian gần đây, tại một số nơi, việc chuyển đổi cây trồng có xu hướng tự phát, không theo định hướng quy hoạch của địa phương, không chú trọng kỹ thuật, thiếu đầu ra, dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, chất lượng sản phẩm không bảo đảm.

Tiếp tục đẩy mạnh liên kết

Cũng theo Sở NN&PTNT, để tháo gỡ các khó khăn trên, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tổ chức, triển khai các chương trình, dự án nhằm thúc đẩy hình thành các vùng nguyên liệu cây ăn trái.

Các huyện, thành phố đang tập trung rà soát để có quy hoạch sản xuất loại cây ăn trái phù hợp đặc điểm, điều kiện tự nhiên, hạ tầng kỹ thuật của từng vùng. Trong đó, hạn chế tối đa tình trạng gia tăng diện tích, phát triển nhanh loại cây trồng không theo quy hoạch- nhất là tại các vùng trồng không phù hợp.

Ngành Nông nghiệp tiếp tục định hướng cho nông dân và doanh nghiệp các giống cây ăn trái có tiềm năng, có năng suất, chất lượng phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp tiêu thụ; ưu tiên canh tác các loại cây trồng, giống phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp tại địa phương (nhà máy Tanifood) và các doanh nghiệp khác để phục vụ chế biến, tiêu thụ tươi.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đang đẩy mạnh việc thực hiện đồng bộ các chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương và tỉnh để thu hút đầu tư, tăng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và đầu tư cho sản xuất. Hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống giao thông, thuỷ lợi... nội đồng cho các vùng nguyên liệu cây ăn trái cũng đang được quan tâm đầu tư.

Một vấn đề rất được chú trọng thực hiện trong thời gian qua là việc đẩy mạnh hình thành các liên kết vùng trong sản xuất, sản xuất theo cánh đồng lớn, nhất là thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Ðây là tiền đề tạo cơ sở pháp lý và có sản phẩm ổn định để ký kết với các doanh nghiệp bảo quản, chế biến và tiêu thụ.

Ông Võ Ðức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tỉnh và ngành Nông nghiệp đang tập trung liên kết các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ với nông dân vào chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị.

Hiện nay, tỉnh đang xúc tiến tạo để Công ty Lavifood, Tập đoàn Nafood liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị rau quả và cây ăn trái. Ðây là 2 doanh nghiệp có tiềm năng và năng lực chế biến xuất khẩu rau, quả của cả nước.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng đang làm việc với 2 doanh nghiệp này về quy hoạch vùng trồng, xác định loại sản phẩm mà công ty và thị trường yêu cầu thích ứng với khí hậu, thổ nhưỡng Tây Ninh để liên kết với nông dân triển khai vùng nguyên liệu trong năm 2018 và thời gian tới.

Ông Ðinh Hùng Dũng- Phó tổng Giám đốc Công ty Lavifood cho biết, tỉnh Tây Ninh đã có quy hoạch về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và các chính sách hỗ trợ sản xuất, khuyến khích phát triển nông nghiệp.

Ðây là cơ sở để công ty tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng như Sở NN&PTNT, Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường thúc đẩy thực hiện các thủ tục tiếp theo nhanh hơn nữa. Các vùng khác trong tỉnh cũng cần gấp rút triển khai để bảo đảm kế hoạch của tỉnh.

Về giá cả thu mua trái cây, Công ty Lavifood lập ra 2 phương án cụ thể. Phương án 1, giá thu mua sản phẩm của nông dân bằng với giá thị trường (áp dụng đối với các loại trái cây xuất khẩu nhạy cảm về giá, biến động hằng giờ, hằng ngày như thanh long). Phương án 2, giá bao tiêu cố định theo từng loại trái cây nhưng được điều chỉnh trong phụ lục hợp đồng hằng năm.

Ông Dũng cho biết thêm, chính sách của Lavifood là giá thu mua luôn bảo đảm lợi ích tối ưu cho nông dân. Công ty sẽ thành lập trung tâm hỗ trợ nông dân, trong đó nông dân được tư vấn từ khâu phân tích đất, chọn giống cho đến kỹ thuật trồng, cung cấp phân bón vật tư nông nghiệp ưu đãi và bao tiêu đầu ra.

Vườn khóm của anh Cường chuẩn bị thu hoạch trái tại ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên.

THUÝ HẰNG - THANH NHI

(Còn tiếp)

Tin liên quan
  • Bài 1: Nhiều thay đổi tích cực 

    Bài 1:  Nhiều thay đổi tích cực

    Sau 5 năm thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền nông nghiệp, Tây Ninh đã có nhiều nét mới. Trong cái “mới” đó có giá trị tích cực và có cả những hạn chế cần đánh giá lại cũng như thận trọng xem xét triển khai, thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

  • Bài 2: Thận trọng khi trồng cây “lạ” 

    Bài 2:  Thận trọng khi trồng cây “lạ”

    Năm 2017, hàng loạt diện tích chanh dây của người dân tại huyện Tân Châu bị nhiễm bệnh mà không có thuốc đặc trị. Không thể tiếp tục mạo hiểm đầu tư, ông Hưng đành phá bỏ toàn bộ diện tích chanh dây, chuyển sang trồng sầu riêng và măng cụt.