BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát triển Cụm công nghiệp:

Cần có chính sách hỗ trợ đặc thù 

Cập nhật ngày: 05/11/2018 - 06:16

BTN - UBND tỉnh đã đề xuất Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các doanh nghiệp đầu tư vào các CCN ở các xã, huyện biên giới; kiến nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sớm trình Chính phủ bổ sung danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư, danh mục ngành, nghề đặc biệt hưởng ưu đãi đầu tư và có hướng dẫn để thực hiện Nghị định 68/2017/NÐ-CP.

Bên trong CCN Thanh Xuân 1 hiện tại chỉ có 1 nhà máy chế biến củ mì.

Nghị định 68/2017/NÐ-CP ngày 25.5.2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) có hiệu lực từ ngày 15.7.2017. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị định 68, Tây Ninh đã có những giải pháp thiết thực để quản lý, phát triển CCN trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, có 18 CCN còn nằm trong quy hoạch với diện tích đất 802,48 ha. Tuy nhiên, tỷ lệ diện tích đất lấp đầy so với quy hoạch tại các cụm CCN có dự án hoạt động trong tỉnh đến nay vẫn chưa cao.

NƠI ĐÔNG ĐÚC, CHỖ ÐÌU HIU

Có thế nhận thấy, những CCN nằm ở vị trí gần khu dân cư, giao thông thuận lợi hoạt động khá hiệu quả.

CCN Bến Kéo (xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành) hiện có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động, không chỉ thu hút số lượng lớn lao động là người địa phương mà còn ở các xã lân cận trong huyện, hoặc đến từ huyện khác, thậm chí là tỉnh khác. CCN Bến Kéo hoạt động hiệu quả góp phần thay đổi bộ mặt địa phương, nhiều hộ gia đình khá lên nhờ buôn bán cho công nhân, kinh doanh nhà trọ.

Anh Trương Văn Minh- người dân sống tại ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam cho biết, trước đây, người dân ở đây chỉ biết làm nông hay đi làm thuê, làm mướn. Khoảng 20 năm trước, khi có công ty đến hoạt động, người dân địa phương đi làm công nhân, đời sống ổn định hơn. Hiện nay, trong CCN Bến Kéo có đến 3 công ty may mặc, tạo nhiều việc làm cho lao động ở địa phương.

Trái ngược với CCN Bến Kéo, CCN Thanh Xuân 1 (xã Mỏ Công, huyện Tân Biên) nằm trên đường Mỏ Công - 785, với diện tích 50 ha, đã đi vào hoạt động từ nhiều năm qua. Người dân địa phương cho biết, dù chủ đầu tư đã làm một con đường nhựa đi vào CCN, bên trong cũng có đường nội bộ, khu đất CCN được xây dựng hàng rào kiên cố. Thế nhưng, do không có cổng, lại chẳng có mấy công ty, nếu không phải là dân địa phương, không ai biết được đây là CCN.

Ngoài ra trong CCN, trước đây chỉ có một nhà máy chế biến củ mì nhưng không hiểu vì sao mấy tháng gần đây lại ngưng hoạt động.

DOANH NGHIỆP… THAN KHÓ

Vừa qua, báo cáo cho các ngành chức năng tỉnh, doanh nghiệp đầu tư CCN Thanh Xuân 1 cho biết, chủ đầu tư trước đây đã triển khai một số hạng mục như văn phòng, đường điện, đường giao thông… vào năm 2011 với chi phí khoảng 30 tỷ đồng. Khi doanh nghiệp này nhận chuyển nhượng dự án, đã tiếp tục xây dựng một số hạng mục như đường nội bộ, trồng cây xanh, hàng rào… với tổng chi phí hơn 100 tỷ đồng.

Ðồng thời vận hành 1 dự án thứ cấp (chế biến củ mì) trong CCN với diện tích 16 ha. Tuy nhiên, khó khăn là doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, xây dựng kinh doanh hạ tầng CCN nên chưa thực hiện đúng quy chế CCN như tổ chức bộ máy, bảng giá cho thuê đất… Lý do cho đến nay chưa xây dựng cổng CCN, chưa thu hút đầu tư lấp đầy diện tích, theo doanh nghiệp này, là vì CCN nằm ở khu dân cư không đông, công nhân lao động khó tuyển dụng, không làm lâu dài...  Bên cạnh đó, dù các kênh đầu tư đã được doanh nghiệp này tận dụng tối đa cả trong và ngoài nước, nhưng có những nhà đầu tư chỉ vào xem rồi im lặng.

Dù cho rằng chi phí tăng cao, tín dụng ngân hàng ngày càng siết chặt… là những yếu tố khách quan dẫn đến việc chậm đầu tư, khó kêu gọi đầu tư vào CCN, nhưng doanh nghiệp cam kết đến năm 2021 sẽ hoàn thành 100% các công trình còn dang dở, thực hiện đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

KHÓ KHĂN TRONG THU HÚT ÐẦU TƯ

Theo báo cáo đánh giá kết quả 1 năm triển khai thực hiện Nghị định 68/2017/NÐ-CP trên địa bàn của UBND tỉnh, việc phát triển CCN đã góp phần giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp, các dự án  sản xuất đã và đang góp phần vào phát triển ngành công nghiệp của tỉnh nhà và dịch chuyển cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là đối với các CCN quy hoạch ở xã, huyện biên giới. Tổng doanh thu của các dự án đầu tư trong CCN năm 2017 đạt 1.394,23 tỷ đồng, đã tạo được việc làm cho 2.333 lao động địa phương, nộp ngân sách 8,555 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dù luôn được tỉnh quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, triển khai nhiều hình thức kêu gọi, thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng CCN nhưng kết quả chưa cao. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp còn ít. Các cụm công nghiệp có chủ đầu tư phần lớn chưa đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh; đầu tư thứ cấp còn chậm nên chưa phát huy được hiệu quả vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN.

Nguyên nhân công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thường thực hiện chậm do người dân không thống nhất giá bồi thường, một số ít hộ dân cố tình không nhận tiền đền bù, giao đất để thực hiện dự án đã làm mất đi cơ hội đầu tư. Bên cạnh đó, một số dự án được chấp nhận chủ trương và giới thiệu địa điểm đầu tư nhưng không triển khai do nhà đầu tư phải ứng trước chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng khá lớn, đồng thời giá đền bù so với thị trường thay đổi nhanh nên hộ dân không đồng ý.

Các dự án đầu tư vào trong CCN phải thuê lại đất hạ tầng với chi phí cao hơn so với thuê đất hoặc mua bên ngoài CCN. Ngoài ra, phần lớn CCN được quy hoạch ở các xã, huyện biên giới của tỉnh, giao thông chưa đồng bộ, xa trung tâm tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh nên các dự án đầu tư vào CCN chủ yếu là các ngành có sẵn nguyên liệu tại địa phương và các vùng lân cận.

Tính đến ngày 30.6.2018, có 5 CCN gồm: CCN Bến Kéo, Tân Hội 1, Thanh Xuân 1, Ninh Ðiền và Hoà Hội đã thu hút được 15 dự án đầu tư thứ cấp, với diện tích đất công nghiệp xin thuê 102,309 ha, tỷ lệ lấp đầy chiếm 69,78% so với diện tích đất công nghiệp. Trong đó có 12 dự án hoạt động, 1 dự án xây dựng và 2 dự án chưa xây dựng.

Riêng đối với CCN Thành Long, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH MTV Biên Hoà- Thành Long đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời. Ðối với CCN Tân Phú, UBND đã ban hành Quyết định số 3002/QÐ-UBND ngày 12.12.2017 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư CCN Tân Phú của Công ty TNHH MTV Tân Phú - Lan Trần.

Con đường đi vào CCN Thanh Xuân 1 chưa được chủ đầu tư xây dựng cổng CCN theo quy định.

Theo UBND tỉnh, Nghị định 68/2017/NÐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý CCN được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể cho địa phương trong công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Tỉnh Tây Ninh đã ban hành quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn, trong đó phân công trách nhiệm cho các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện. Tuy nhiên, với quy chế mới ban hành, cũng không có dự án xin đầu tư vào CCN, do vậy, chưa đánh giá được những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai nghị định, cũng như quy chế phối hợp.

Do đó, UBND tỉnh đề xuất, đối với CCN không có đơn vị đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp hoạt động trong cụm phải tự đầu tư giao thông, công trình xử lý nước thải, hệ thống thoát nước, nước thải…. như một nhà máy bên ngoài CCN để tăng cường công tác quản lý Nhà nước với CCN, thực hiện tốt việc kinh doanh, khai thác hạ tầng CCN, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong các CCN hoạt động ổn định.

UBND tỉnh cũng đề xuất Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các doanh nghiệp đầu tư vào các CCN ở các xã, huyện biên giới; kiến nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sớm trình Chính phủ bổ sung danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư, danh mục ngành, nghề đặc biệt hưởng ưu đãi đầu tư và có hướng dẫn để thực hiện Nghị định 68/2017/NÐ-CP.

THIÊN TÂM - THANH NHI