BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khi trẻ em phải sớm mưu sinh

Cập nhật ngày: 14/12/2016 - 08:06

Trẻ em làm việc tại một lò gạch ở xã Lộc Hưng (huyện Trảng Bàng) - ảnh Hoàng Anh.

TRÀN LAN TRẺ EM BÁN VÉ SỐ

Công văn của Sở LĐTBXH cho biết, để có cơ sở tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1023/QĐ-TTg ngày 7.6.2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020, Sở LĐTBXH yêu cầu Phòng LĐTBXH các huyện, thành phố chỉ đạo cán bộ phụ trách lao động kiểm tra, thống kê số liệu lao động trẻ em trong các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã. Công chức LĐTBXH ở xã, phường, thị trấn và cộng tác viên công tác trẻ em ở ấp, khu phố tiến hành rà soát, thu thập số liệu lao động trẻ em tại địa phương.

Sau khi tiến hành rà soát, các huyện đã có báo cáo kết quả gửi Sở LĐTBXH về tình trạng lao động trẻ em ở địa phương. Theo đó, số lao động trẻ em mưu sinh bằng nghề  bán vé số dạo có tới hơn 210 em, trong đó có nhiều em đã nghỉ học. Kế đến là số lao động trẻ em phụ giúp quán ăn, quán nước, số lao động trẻ em phụ việc gia đình… Đáng lưu ý nhất là có khoảng 30 trẻ em đang làm công việc bị cấm sử dụng lao động chưa thành niên như lò gạch, hàn cửa sắt, xây dựng… được quy định tại Thông tư tại số 10/2013/TT-BLĐTBXH (danh mục công việc và nơi làm việc sử dụng lao động người chưa thành niên).

Tuy nhiên, theo ý kiến nhận xét của nhiều người, trên thực tế, số trẻ em phải mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo có thể nhiều hơn số thống kê được. Chỉ cần bỏ thời gian đi vòng quanh thành phố Tây Ninh, huyện Hoà Thành sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ tay cầm vé số tất bật đi trên đường, vô quán mời khách.

Một người dân sống tại khu phố Gia Long cũ, phường 2, thành phố Tây Ninh rất bức xúc khi nói đến việc trẻ em bán vé số dạo. Người này cho biết, hiện nay tại khu chợ cũ (chợ đêm thành phố Tây Ninh sắp khai trương), ngay cạnh bên hông Phòng Quản lý đô thị Thành phố, cứ vào mỗi buổi sáng sớm có một nhóm khoảng 5,6 người chở theo khoảng 10 đứa trẻ nhỏ khoảng từ 7 tuổi đến 13 tuổi đến khu chợ cũ. Sau đó, nhóm người này đưa vé số cho các em nhỏ lội bộ đi bán ở các quán nước, các con phố trong khu vực.

Trong khi đó, tại một căn nhà thường xuyên đóng cửa, nhóm người nọ tận dụng hành lang căn nhà để “tập kết”, đặt ghế bố, mắc võng nằm chờ những đứa trẻ phải đội nắng, mưa để đi bán vé số, trưa đem tiền đến cho họ, rồi tiếp tục đi bán vé số đến chiều. Xong một ngày nằm chờ trẻ nhỏ lao động, họ mới giải tán, chở các đứa trẻ về. Điều khiến người dân khu vực này bức xúc nhất là sự việc trên đã diễn ra nhiều năm, ngay tại trung tâm thành phố Tây Ninh, mà vẫn không thấy ai xử lý nhóm người lớn vô tâm bắt trẻ em phải lao động vất vả cho họ an nhàn.

Còn tại một quán cà phê trên đường 30.4, thành phố Tây Ninh, chỉ ngồi uống nước trong vòng 30 phút, đã có hơn 5 đứa trẻ trên dưới 10 tuổi đến mời khách mua vé số. Có em còn mặc đồng phục học sinh.

Tại một quán cà phê ở thị trấn Hoà Thành, huyện Hoà Thành, cậu bé tên H, đã 9 tuổi nhưng trông rất còi cọc, cầm xấp vé số dày cộp vào mời khách mua vé số. H cho biết, em học lớp 3 tại một trường tiểu học ở Thị trấn. Những ngày thứ bảy, chủ nhật em đi bán cả ngày, những ngày khác em đi bán một buổi, còn một buổi đi học. Điều khiến cho khách trong quán cảm thấy bất bình là lúc H vào quán bán vé số thì mẹ của H, một phụ nữ còn trẻ và khoẻ mạnh, lại ngồi ngoài xe mô tô ở bên đường chờ con mình đi bán. Có người hỏi, tại sao chị lại cho H đi bán vé số khi em còn quá nhỏ? Người mẹ trẻ này lớn tiếng, chuyện của gia đình tôi, liên quan gì đến anh, rồi nổ máy xe chở H đi!

CẦN QUYẾT TÂM VÀO CUỘC ĐỂ THIẾT THỰC BẢO VỆ TRẺ EM

Thời gian qua, Báo Tây Ninh đã có nhiều bài viết về lao động trẻ em tại các lò gạch ở xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng. Ông Phan Văn Sĩ– Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, trước đây, các lò gạch tại ấp Lộc Bình có sử dụng lao động trẻ em. Nhưng gần đây ông không còn nghe nói về tình trạng trên. Theo ông Sĩ, số trẻ em lao động tại các lò gạch trước đây chủ yếu là ở miền Tây theo cha mẹ lên Tây Ninh làm mướn. Đây là vấn đề làm đau đầu địa phương, chỉ riêng việc phổ cập tiểu học cho các cháu cũng đã là vấn đề khá nan giải, vì các cháu thích thì đi học, không thích thì nghỉ!

Khi đề nghị gặp cộng tác viên làm công tác trẻ em ấp Lộc Bình để tìm hiểu về vấn đề trẻ em lao động tại các lò gạch, thì được xã cho biết chị này đang bận việc riêng. Sau đó, UBND xã cử một cán bộ đưa chúng tôi đi tìm hiểu thực tế. Có điều, tại các lò gạch, chỗ này máy ngưng hoạt động, chỗ khác không thấy bóng dáng đứa trẻ nào. Theo một người quản lý lò gạch, chẳng qua là trước đây có những đứa trẻ theo phụ cha mẹ làm gạch, chứ lò gạch không thuê trẻ em.

Tuy vậy, khi trao đổi với một người dân địa phương, chúng tôi được nghe nói, có thể bữa nay biết nhà báo đến “thăm” nên tụi nhỏ được nghỉ hết, chứ bình thường bước vào lò gạch là thấy ngay mấy đứa nhỏ đang bốc xếp gạch, đẩy gạch. Cũng theo người này, công việc tại lò gạch rất nặng nhọc, nên phần lớn là người miền Tây lên làm công, chứ dân địa phương không quen việc, không làm nổi. Tiền công bốc gạch 1 thiên (1.000 viên) chỉ khoảng 10.000 đồng, vậy mà những đứa trẻ khoảng 13, 14 tuổi, mỗi ngày làm được tới “hai, ba trăm ngàn đồng”.

Quay lại UBND xã, tiếp tục trao đổi với ông Sĩ, chúng tôi được nghe ông nói: “Tôi cũng nghe nói có trẻ em lao động tại các lò gạch ở ấp Lộc Bình. Thế nhưng, việc quản lý các em rất khó vì các em không phải là dân địa phương”.

Một cậu bé bán vé số tại quán cà phê ở thị trấn Hoà Thành.

THIẾU CHẾ TÀI XỬ LÝ HAY THIẾU SỰ QUYẾT LIỆT ?

Theo Điều 23 Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29.10.2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em, hành vi vi phạm quy định về cấm dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em đi lang thang, lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: cha, mẹ, người giám hộ ép buộc trẻ em đi lang thang kiếm sống, lợi dụng trẻ em đi lang thang để trục lợi.

Thế nhưng, qua tìm hiểu tại một số địa phương, chúng tôi được biết chưa có xã, phường nào xử phạt hành chính các bậc cha mẹ ép con mình đi bán vé số cả. Có ý kiến cho rằng, trẻ đi bán vé số rồi về nhà chứ không phải là trẻ em đi lang thang nên khó xử phạt cha mẹ. Cũng có ý kiến khác cho rằng, đây là vấn đề hết sức tế nhị, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các bậc cha mẹ mới phải cho con mình đi bán vé số, không thể nào xử phạt được.

Trong khi đó, tại Điều 19 Nghị định 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22.8.2013, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định, thì hành vi vi phạm quy định về lao động chưa thành niên sẽ bị phạt cảnh cáo đối với người sử dụng lao động có hành vi không lập sổ theo dõi riêng khi sử dụng lao động chưa thành niên, hoặc không xuất trình sổ theo dõi khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: sử dụng người dưới 15 tuổi mà không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật; sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định tại Khoản 2 Điều 163 của Bộ luật Lao động; sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ một số nghề, công việc được pháp luật cho phép.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau: sử dụng lao động là người chưa thành niên làm công việc tại nơi làm việc bị cấm sử dụng theo quy định tại Điều 165 của Bộ luật Lao động; sử dụng người dưới 15 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 164 của Bộ luật Lao động.

Trên đây là cơ sở pháp lý và chế tài để các địa phương, chính quyền cấp xã tiến hành xử lý việc sử dụng lao động trái pháp luật của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Tuy nhiên, theo một cán bộ LĐTBXH cấp xã, việc tiến hành kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động vị thành niên không đúng quy định thời gian qua chưa được chặt chẽ. Lý do là hiện nay, công việc của cán bộ LĐTBXH cấp xã rất nhiều.

Riêng với vấn đề các bậc cha mẹ “sử dụng lao động trẻ em”, quy định pháp luật về chế tài, xử lý cũng đã có đầy đủ. Thế nhưng vấn đề mấu chốt vẫn là ý thức của các bậc làm cha làm mẹ. Trong thực tế, có gia đình vì hoàn cảnh quá khó khăn nên phải cho con em mình mưu sinh khi còn nhỏ tuổi. Nhưng cũng không hiếm những bậc làm cha, làm mẹ thiếu lương tâm, không thiếu sức lao động, lại bắt buộc con em mình phải mưu sinh khi còn quá nhỏ- miễn sao kiếm được tiền. Thiết nghĩ, để thực hiện nghiêm quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, chính quyền các cấp, cộng tác viên làm công tác trẻ em ở ấp, khu phố cần vào cuộc một cách quyết liệt để hạn chế tình trạng lao động trẻ em, bảo vệ quyền lợi cho các em.

THIÊN TÂM