BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bảo vệ môi trường:

Muốn làm nhưng… thiếu kinh phí 

Cập nhật ngày: 02/10/2017 - 05:46

BTN - Qua khảo sát thực tế, nhiều địa phương không hề có kinh phí chi cho nhiệm vụ này mà phải lấy kinh phí từ hoạt động khác, dẫn đến nhiều khó khăn trong cân đối ngân sách cũng như trong hoạt động tại địa phương. Qua đó, có một vấn đề đặt ra là trong thời gian qua, kinh phí cấp cho sự nghiệp môi trường đã được quản lý và sử dụng như thế nào?

Thu gom rác ở chợ Phước Trạch, huyện Gò Dầu. Ảnh: Đại Dương

Vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tổ chức khảo sát thực tế, lấy ý kiến về phân công nhiệm vụ chi kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường (BVMT) nhằm thu thập thông tin, nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ này trên địa bàn các xã. Qua đó, giúp HĐND tỉnh có cơ sở xem xét, thông qua nghị quyết về việc ban hành quy định về phân cấp nhiệm vụ chi, quản lý kinh phí sự nghiệp BVMT trên địa bàn tỉnh (theo quy định Thông tư 02/2017/TT-BTC ngày 6.1.2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp BVMT).

Đoàn đã khảo sát tại 10 xã: Tân Lập, Thạnh Bình (huyện Tân Biên); Phước Ninh, Chà Là (huyện Dương Minh Châu); Thạnh Đông, Tân Phú (huyện Tân Châu); Tiên Thuận, Long Thuận (huyện Bến Cầu); Thanh Điền, An Bình (huyện Châu Thành). Qua khảo sát cho thấy còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ BVMT tại địa phương.

KHÓ XỬ LÝ TÌNH TRẠNG XẢ RÁC THẢI

Bà Lê Thị Tuyền- Chủ tịch UBND xã Tiên Thuận (huyện Bến Cầu) cho biết, thời gian qua, do nguồn kinh phí dành cho công tác BVMT khá hạn hẹp nên xã chủ yếu vận động các hộ gia đình trong khu dân cư tự thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Còn các hộ dân dọc theo tuyến tỉnh lộ 786 tự hợp đồng với cá nhân có xe máy cày đến thu gom tại nhà, số tiền đóng mỗi tháng 30.000 đồng/hộ.

UBND xã Tiên Thuận đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về môi trường đến người dân, trong đó có đặt một số biển báo cấm đổ rác. Tuy nhiên, do ý thức của người dân còn hạn chế nên trên một số trục đường vắng và hai bên tỉnh lộ 786 còn xảy ra tình trạng vứt rác bừa bãi.

Được biết, từ đầu tháng 9.2017, UBND huyện Bến Cầu đã hợp đồng với Công ty Đô thị Tây Ninh thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt của các hộ dân dọc theo tỉnh lộ 786. Đối với hộ dân ở các tuyến đường bên trong, huyện chỉ đạo cho xã phải có một số điểm tập kết ở ngoài để người dân mang rác đến cho công ty thu gom, vì xe không vào các tuyến bên trong mà chỉ đi cặp tỉnh lộ. Nhưng đến nay, công tác triển khai tại xã gặp khó khăn, lúng túng vì những khu vực này người dân sinh sống sát nhau, họ không đồng ý việc để rác ở trước cửa nhà làm điểm tập kết.

Tình trạng vứt rác thải bừa bãi diễn ra tại không ít địa phương trong tỉnh. Theo lãnh đạo UBND xã Tân Phú (huyện Tân Châu), thực hiện Quyết định số 41 của UBND tỉnh, UBND xã Tân Phú đã đề nghị các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thu gom rác thải đăng ký danh sách. Dựa trên số lượng đăng ký, UBND xã lập danh sách gửi về Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện để đăng ký với đơn vị thu gom rác thải.

Đến nay, hầu hết các hộ dân dọc tuyến đường 785, DH802, các trường học, trạm y tế đã đăng ký, mức thu phí đúng theo quy định. Riêng 2 chợ trên địa bàn xã được thu theo số lượng rác thải, trong đó, chợ Tân Phú 400.000 đồng/tháng; chợ chiều Tân Xuân 1,2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tình trạng vứt rác bừa bãi tại các khu dân cư vẫn diễn ra, không ít người cố tình vứt rác vào đêm khuya, thời gian vắng người qua lại…

Tại xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên, lãnh đạo xã cho biết, công tác tuyên truyền luôn được xã quan tâm thực hiện, tại mỗi ấp có 1 tổ thu gom rác, tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp này gần như không đáng kể, ở những đoạn đường vắng, người dân vẫn lén lút vứt rác, trong 3 năm nay, xã chỉ bắt và xử lý được… 1 vụ việc kể trên. Việc vứt rác bừa bãi theo hai bên đường ở các trục lộ lớn trên địa bàn xã vẫn còn và chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

XÃ NÀO CŨNG KHÓ KHĂN VỀ KINH PHÍ

Ngày 28.7, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp về việc rà soát nội dung, trình tự thủ tục để trình HĐND tỉnh Nghị quyết quy định phân cấp nhiệm vụ chi, quản lý kinh phí sự nghiệp BVMT trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố.

Có 5 huyện gồm Dương Minh Châu, Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu thống nhất với dự thảo phân cấp nhiệm vụ chi và quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường đến cấp huyện như đã trình; 4 huyện, thành phố là Trảng Bàng, Gò Dầu, Hoà Thành và TP. Tây Ninh đề nghị xem xét phân cấp nhiệm vụ chi đến cấp xã nhưng với điều kiện phải bổ sung thêm ngân sách cho cấp xã.

Qua thực tế khảo sát tại một số xã, cho thấy hầu hết các xã đều gặp khó khăn về vấn đề kinh phí cho công tác BVMT.

Ông Đoàn Duy Thắng- Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết, hiện nay, địa phương đang thực hiện một số nhiệm vụ về môi trường, sắp tới khi xã thực hiện xây dựng NTM, các thiết chế về lĩnh vực này rất nhiều, trong khi xã cũng có các điểm nóng về môi trường, tình hình khai thác, xả thải, rác thải… nếu không được cung cấp kinh phí, xã sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó, địa phương kiến nghị HĐND tỉnh phân bổ cho ngân sách cấp xã theo quy định, cụ thể giao kinh phí phù hợp với công việc và giao cho cấp xã quản lý.

Theo UBND xã Tân Lập (huyện Tân Biên), trong dự toán ngân sách, xã không được phân bổ kinh phí cho sự nghiệp BVMT. Do vậy, việc chi cho công tác này được sử dụng từ nguồn dự toán chi cho nhiệm vụ kiến thiết thị chính, vì thế xã không thể cân đối ngân sách để chi cho sự nghiệp BVMT.

Trong 6 tháng đầu năm, xã chi trả cho thu gom, vận chuyển và xử lý rác hơn 146 triệu đồng. Ông Võ Hồng Sang- Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: “Khó khăn của xã là nguồn kinh phí không bảo đảm. Nếu kinh phí được cấp trên phân bổ thêm sẽ giúp cho công việc vận chuyển, thu gom rác thải trên địa bàn thực hiện tốt hơn”.

Tại các địa phương được khảo sát, chỉ có huyện Bến Cầu có giao dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường đến các xã. Theo UBND xã Long Thuận, năm 2016, huyện giao dự toán kinh phí thực hiện cho xã 42,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện trong năm lại lên đến 77 triệu đồng, vì thế, để đắp vào khoản thiếu hụt này, xã phải vận động người dân và bù thêm ngân sách xã vào. Đến năm 2017, huyện giao kinh phí 75 triệu đồng, đến nay, xã thực hiện khoảng 27,3 triệu đồng.

Rác ở trước chợ chiều Tân Phú, xã Tân Phú, huyện Tân Châu.

CẦN THIẾT PHẢI PHÂN CẤP KINH PHÍ ĐẾN CẤP XÃ

Ông Phạm Văn Tình- Trưởng Ban Kinh tế - Văn hoá HĐND huyện Dương Minh Châu cho biết, trước đây, thực hiện công tác BVMT ở xã sử dụng kinh phí từ ngân sách của xã, khoản này đắp sang khoản kia, hoặc xã hội hoá, hoặc làm... với tinh thần không có kinh phí. Do đó, hiện nay, việc phân cấp cho xã có nguồn kinh phí sự nghiệp BVMT là cần thiết, để xã có kinh phí xây dựng kế hoạch thực hiện công việc tại địa phương.

Theo ông Phan Hoàng Lộc- Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã An Bình (huyện Châu Thành), trên địa bàn xã có 56/58 cơ sở sản xuất, các cơ sở sản xuất lớn có các biện pháp BVMT; đối với những hộ nhỏ, lẻ, xã vận động người dân tự tiêu huỷ, xử lý (các cơ sở quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình có khối lượng chất thải phát sinh ít, không thuộc đối tượng phải lập hồ sơ môi trường; chất thải được xử lý chung với các công trình vệ sinh của gia đình).

Chủ tịch UBND xã Thạnh Bình còn tự bỏ tiền lương để khen thưởng nếu bắt được các trường hợp xả rác bừa bãi nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác BVMT.

Năm 2016, có 1 trường hợp vứt rác thải nơi công cộng, phạt 1,5 triệu đồng, ông Lê Tân Thành- Chủ tịch UBND xã đã trích 1 triệu đồng từ tiền lương của mình để khen thưởng người phát hiện vi phạm.

Ông Thành cho biết, bản thân ông rất bức xúc vì nông thôn mới mà để tình trạng rác thải đầy đường thì rất phản cảm.

Theo Kế hoạch số 1552 của UBND tỉnh về xử lý rác thải giai đoạn 2017 - 2020, xã phải thực hiện thêm hai nhiệm vụ, cụ thể, mỗi khu dân cư phải có nhà chứa rác và có mái che để tránh ô nhiễm môi trường xảy ra bên ngoài; mỗi khu dân cư phải có 2 xe đẩy để chứa rác.

Bên cạnh đó, theo Thông tư số 02 của Bộ Tài chính quy định kinh phí phục vụ cho công tác BVMT, có 4 nhiệm vụ được đề cập: công tác thu gom rác thải; công tác BVMT; công tác kiểm tra, giám sát; chi cho hộ trực tiếp thu gom rác. Đây là những nhiệm vụ mới mà xã đang gặp khó khăn vì vấn đề kinh phí.

Theo ông Lộc, nên phân cấp kinh phí cho cấp xã và việc phân cấp phải bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ để xã cân đối, thực hiện bảo vệ môi trường ở địa phương tốt hơn trong thời gian tới.

Bà Phan Thị Điệp- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho biết, môi trường luôn là một trong những vấn đề bức xúc ở địa phương. Việc phân cấp nhiệm vụ chi kinh phí sự nghiệp môi trường đến cấp xã là điều cần thiết, vì giảm bớt đi thủ tục hành chính và cơ chế “xin - cho”.

Được biết, ngân sách cấp cho sự nghiệp kinh phí đạt 1% so với tổng chi ngân sách. Nhưng, qua khảo sát thực tế, nhiều địa phương không hề có kinh phí chi cho nhiệm vụ này mà phải lấy kinh phí từ hoạt động khác, dẫn đến nhiều khó khăn trong cân đối ngân sách cũng như trong hoạt động tại địa phương. Qua đó, có một vấn đề đặt ra là trong thời gian qua, kinh phí cấp cho sự nghiệp môi trường đã được quản lý và sử dụng như thế nào?

Vừa qua, tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khoá IX, HĐND tỉnh đã thông qua quy định phân cấp nhiệm vụ chi kinh phí sự nghiệp BVMT trên địa bàn tỉnh, trong đó, có phân công nhiệm vụ chi BVMT của ngân sách cấp xã. Cụ thể, một là, hỗ trợ công tác thống kê, cập nhật tình hình phát sinh chất thải và kiểm soát ô nhiễm môi trường của xã; hỗ trợ hoạt động quản lý, thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải trên địa bàn xã; hai là, hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm của xã và theo quyết định của UBND tỉnh; ba là, các hoạt động bảo vệ môi trường khác thuộc trách nhiệm của xã.

TRÚC LY