BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tham quan Công viên tượng đài Long An 

Cập nhật ngày: 20/06/2019 - 09:13

BTNO - Hình ảnh cuộc chiến tranh nhân dân trên mảnh đất Long An được phục dựng chi tiết theo kiểu không gian 3D, có tiếng chim hót véo von, tiếng suối chảy róc rách. Đó là những ấn tượng ban đầu, khiến tôi phải xuýt xoa khi đến tham quan Không gian trưng bày tại Công viên tượng đài Long An, tại TP Tân An.

Không gian trưng bày này được xây dựng năm 2013, dưới tầng hầm công viên. Toàn bộ Không gian được bố trí máy lạnh, hệ thống âm thanh và đèn chiếu sáng theo từng khu vực. Không gian trưng bày mô hình theo 8 chuyên đề khác nhau, mỗi chuyên đề được đặt trong một khung kính có diện tích khoảng 4 m2, bố trí dọc theo những lối đi nhỏ bên trong Không gian.

Du khách tham quan hình ảnh trong chuyên đề “Trạm quân y tại căn cứ Đám lá tối trời”.

Toàn bộ Không gian trưng bày này tối đen như mực. Khi khách vào tham quan, hướng dẫn viên mới lần lượt mở hệ thống đèn chiếu sáng từng chuyên đề và giới thiệu nội dung của chuyên đề đó. Cách làm này giúp du khách tập trung theo dõi từng chuyên đề, chứ không tự ý đi lại lung tung như nhiều nơi trưng bày khác. Đặc biệt, trong mỗi chuyên đề, hình ảnh nhân vật, đồ vật, cây cỏ, sông nước, làng mạc được tái hiện lại một cách cực kỳ sinh động.

Như chuyên đề “Sản xuất vũ khí tại công binh xưởng” giúp người xem nhìn thấy trong một ngôi nhà lá, những chiến sĩ công binh lưng trần, vai vắt khăn rằn đang cặm cụi chế tạo vũ khí. Trên mái nhà giăng một băng rôn làm bằng vải màu đỏ, với nội dung “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”.

Phía sau xưởng công binh thấp thoáng rừng tràm xanh ngát đang ngập nước. Mặt nước trong veo, in bóng những cây tràm, rất đặc trưng của vùng đất Long An. Bên ngoài là hộp hình giới thiệu tóm tắt nội dung của từng chuyên đề. Những dòng chữ trên hộp hình được khắc màu trắng trên mặt mê ca màu xanh, cộng với ánh sáng phản quang, khiến cho hộp hình và nội dung nổi lên lung linh, dễ đọc, dễ thấy.

Hình ảnh trong chuyên đề “Dân công hỏa tuyến Long An làm ‘cầu người’ vận chuyển thương binh”.

Tương tự như thế, chuyên đề “Dân công hỏa tuyến Long An làm ‘cầu người’ vận chuyển thương binh” cũng được tái hiện lại một cách sinh động. Dưới dòng kênh, nhiều dân công đứng thành hai hàng dọc, lấy vai làm bệ đỡ những khúc cây nối tiếp nhau thành một chiếc cầu dài.  Trên cầu, các dân công khác đang vác cán võng vận chuyển thương binh đến nơi chữa trị.

Chiếc võng phủ tấm bạt nylon màu xanh lá cây và chiếc cầu người dưới rặng dừa nước um tùm, kín đáo. Sau khi đưa thương binh qua cầu, chiếc cầu người này cũng sẽ tự động rút lui, không để lại dấu vết, khiến kẻ thù rất khó phát hiện. Đây cũng là một minh chứng cho sự đoàn kết, gắn bó của quân và dân Long An, góp phần khẳng định truyền thống Trung dung kiên cường, toàn dân đánh giặc.

Cạnh đó là chuyên đề “Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sống, chiến đấu trong mùa nước lũ” được tái hiện tỉ mỉ đến nỗi lẩn khuất trong mớ lá tràm có một bầy ong mật đang đóng tổ và vút trên cao là tổ chim dòng dọc đung đưa trong gió. Đây là những nét đặc trưng của vùng bưng biền gần biên giới giữa Việt Nam với Campuchia- nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của mùa nước lũ hằng năm.

Hình ảnh trong chuyên đề “Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sống, chiến đấu trong mùa nước lũ”.

Hay ở chuyên đề “Trạm quân y tại căn cứ Đám lá tối trời” sinh động đến nỗi người xem còn nghe được tiếng chim hót véo von và nước chảy róc rách ở đâu đó trong đám lá dừa nước dày đặc đến nỗi ánh nắng không lọt xuống tới mặt đất. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, Phân khu 3 đã cho xây dựng Trạm quân y tại Căn cứ Đám lá tối trời này để chăm sóc, chữa trị thương binh. Đây là trạm quân y có quy mô lớn, có lúc chữa trị đến 300 thương binh.

Bên cạnh đó còn những chuyên đề khác như “Nhân dân dùng xuồng đưa bộ đội vượt sông đánh giặc”, “Ba lần đánh đồn Đức Lập”…

Bên ngoài Không gian trưng bày là Phòng trưng bày sự kiện lịch sử. Trong đó hiện trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật, tài liệu khoa học có giá trị lịch sử, như tình hình Long An sau Hiệp định Gèneve (1954-1959); quân và dân Long An trong phong trào Đồng Khởi (1960-1961); quân và dân Long An trong cao trào phá ấp chiến lược (1961-1964)…

Bên trên phòng trưng bày này là công viên được xây dựng trên diện tích 6 ha. Trong đó, nổi bật trên bầu trời xanh là tượng đài Người mẹ và chiến sĩ, tạo cho người xem ấn tượng về một thời chiến tranh ác liệt. Ngay phía sau tượng đài Người mẹ và chiến sĩ là quần thể tượng Trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc. Quần thể tượng này được bố cục theo dáng rồng thiêng của truyền thống dân tộc đang vươn mình bay lên sau chiến thắng.

Du khách tham quan Phòng trưng bày hình ảnh lãnh đạo Long An.

Với những nội dung, ý nghĩa lịch sử sâu sắc, Công viên - Tượng đài này đã trở thành một công trình văn hóa tiêu biểu của Long An, là quảng trường để nhân dân, cán bộ, chiến sĩ có dịp họp mặt gặp gỡ, ôn lại lịch sử oanh liệt của tỉnh nhà, khẳng định quyết tâm xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước, thực hiện việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, là điểm tham quan vui chơi, giải trí, đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị của thành phố Tân An văn minh hiện đại trong tương lai.

Quần thể tượng Trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc tại Công viên-Tượng đài Long An.

Tây Ninh có bề dày truyền thống cách mạng không thua kém Long An. Đặc biệt, tỉnh ta có Căn cứ cách mạng Trung ương Cục miền Nam và Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam- cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với nhiều nhà lãnh đạo và nhiều hoạt động cách mạng ý nghĩa lớn lao. Thế nhưng, đến nay, tỉnh vẫn chưa có được công trình trưng bày, phục dựng lại những hoạt động cách mạng một cách hiện đại và xứng tầm, như ở Long An.

Đại Dương