Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vụ Hè Thu 2018: Chất lượng lúa gạo tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường 

Cập nhật ngày: 21/07/2018 - 21:26

BTNO - Ngày 20.7, tại Tây Ninh, ông Lê Quốc Doanh- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu năm 2018 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông, vụ Mùa năm 2018 vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Ông Lê Quốc Doanh- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị tập trung vào sản xuất nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt, trọng tâm là cây lúa ở khu vực Nam bộ. Vụ Hè Thu chất lượng lúa gạo tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là trong tình hình xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng tăng trưởng về lượng và giá cả, có lợi cho cả người sản xuất và doanh nghiệp.

Diện tích quả sản xuất lúa vụ Hè Thu giảm

Tại hội nghị, đại diện Cục Trồng trọt báo cáo kết quả sản xuất lúa vụ Hè Thu năm 2018. Theo tổng hợp từ Sở NN&PTNT các tỉnh Nam Bộ, vụ

Hè Thu 2018 với tổng diện tích đạt 1,69 triệu ha, giảm 10,8 ngàn ha; năng suất ước đạt 5,63 tấn/ha; sản lượng đạt 9,51 triệu tấn, tăng 279,7 ngàn tấn so với Hè Thu năm 2017.

Cánh đồng lúa ở Trảng Bàng- Ảnh minh hoạ.

Trong đó, khu vực ĐBSCL tổng diện tích sản xuất đạt 1,59 triệu ha, giảm 12,6 ngàn ha, năng suất đạt 5,65 tấn/ha, sản lượng đạt 9,03 triệu tấn; khu vực Đông Nam Bộ có tổng diện tích sản xuất đạt 90,4 ngàn ha, tăng 1,8 ngàn ha, năng suất đạt 5,3 tấn/ha, sản lượng đạt 480 ngàn tấn.

Riêng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, diện tích gieo trồng vụ Hè Thu đạt gần 50 ngàn ha, với các loại giống lúa như OM6976, OM5454, OM4900... năng suất bình quân đạt 5-7 tấn/ha, chất lượng đạt tốt, được thị trường chấp nhận.

Các địa phương đã tập trung chỉ đạo, điều hành về lịch thời vụ và cơ cấu giống, bố trí những giống lúa chất lượng cao phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đẩy mạnh sử dụng cấp giống xác nhận, giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng khá, cứng cây, chống đổ ngã, chịu khô hạn tốt như giống OM7347, OM5451, OM6076, OM2517...

Nông dân xã Thanh Điền, huyện Châu Thành thu hoạch lúa- Ảnh minh hoạ

Các địa phương cũng căn cứ vào dự báo tình hình nguồn nước, chất lượng nước cung cấp cho sản xuất, dự báo tình hình tiêu thụ lúa gạo để chủ động điều chỉnh diện tích các vụ lúa trong năm cho phù hợp, thích ứng với diễn biến của thời tiết và thị trường.

Tuy nhiên, trong vụ Hè Thu, tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch muỗi hoành hành, rầy nâu làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển cây lúa; bệnh chổi rồng hại nhãn, bệnh đốm trắng trên cây thanh long, bệnh khảm lá trên cây mì... đã làm giảm năng suất và chất lượng cây trồng.

Bên cạnh đó, tình trạng sản xuất phân tán, manh mún còn phổ biến; vườn cây có năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp còn chiếm tỷ lệ cao, không theo quy hoạch... đã ảnh hưởng đến ký kết giao ước thi đua, tiêu thụ và hợp đồng xuất khẩu.

Ưu tiên sản xuất vụ Thu Đông ở những vùng an toàn

Cục Trồng trọt cho biết thêm, theo kế hoạch từ Sở NN&PTNT các tỉnh Đông Nam bộ, tổng diện tích gieo trồng vụ Thu Đông năm 2018 là 744 ngàn ha, giảm 21 ngàn ha so với năm 2017, năng suất ước đạt 53,6 tạ/ha, sản lượng ước đạt 4 triệu tấn; ưu tiên sử dụng một số giống lúa thơm ST, Nàng Hoa 9, VD20, Đài Thơm 8; vụ Mùa năm 2018-2019 tổng diện tích gieo trồng lúa 234 ngàn ha, năng suất ước đạt 45 tạ/ha, sản lượng ước đạt 1,1 triệu tấn; ưu tiên sử dụng các loại giống ST5, ST20, OM4900, Nàng Thơm.

Ký kết hợp tác nghiên cứu và cung cấp lúa giống chất lượng.

Theo dự báo của Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, từ nay đến cuối năm 2018 có khả năng xuất hiện 10-12 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới và tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, các địa phương cần chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa rất to trong thời đoạn ngắn; giông mạnh kèm theo lốc, sấm sét, mưa đá... ảnh hưởng sản xuất trong các vụ tới.

Ông Nguyễn Hồng Sơn- Cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh tiếp tục chỉ đạo sản xuất an toàn vụ Thu Đông và vụ Mùa, xem xét việc bảo đảm diện tích sản xuất vụ Thu Đông cân đối sản xuất lúa trong cả năm 2018.

Tiếp tục theo dõi, tính toán cân đối nguồn nước, dự báo tình hình lũ, ngập úng cục bộ không để gieo trồng ngoài kế hoạch ở những nguồn nước không bảo đảm hoặc không an toàn cho sản xuất. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cần tăng cường sử dụng các loại giống cây trồng bảo đảm hiệu quả, đạt kinh tế cao.

Khảo sát bệnh khảm lá mì tại ruộng mì ở phường Ninh Sơn, TP.Tây Ninh.

Ông Lê Quốc Doanh- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo ưu tiên sản xuất vụ Thu Đông ở những vùng an toàn đối với lũ, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra bằng những giải pháp đồng bộ về thời vụ; cơ cấu giống, chọn giống lúa chất lượng cao được thị trường chấp nhận và chống chịu sâu bệnh.

Dịp này, Viện Lúa ĐBSCL ký kết với các HTX ở 7 tỉnh ĐBSCL sản xuất lúa giống. Theo đó, các bên đã thống nhất nội dung ký kết hợp tác, nghiên cứu, khảo nghiệm và chuyển giao giống lúa mới, đặc sản của địa phương và xây dựng thương hiệu gạo tại các địa phương.

Sau hội nghị, Bộ NN&PTNT phối hợp với Sở NN&PTNT Tây Ninh tổ chức đi khảo sát một số ruộng mì trên địa bàn tỉnh bị nhiễm bệnh khảm lá, qua đó ghi nhận và đưa ra giải pháp chống dịch bệnh, cũng như nghiên cứu giống mì mới kháng bệnh thay thế cho các loại giống hiện tại bị nhiễm bệnh như KM 94, KM 419, KM 140... để người dân yên tâm sản xuất cho vụ mì tiếp theo.

Thanh Nhi