BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chí thú làm ăn, biến “không” thành “có”

Cập nhật ngày: 17/03/2015 - 07:38

Gần 20 năm trước, chị Nguyễn Thị Kim Phụng cùng gia đình từ Hoà Thành đến vùng đất mới thuộc ấp Phước An, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu để lập nghiệp. Giống như nhiều người khác ở đây, chị Phụng kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá trong lòng hồ. Khi nguồn cá dần cạn kiệt, chị và nhiều người khác cùng nghề cũng dần thất nghiệp.

Đến năm 2008,  nguồn thuỷ sản trong lòng hồ giảm đi đáng kể, tỷ lệ người thất nghiệp, trong đó có chị Phụng, gia tăng nhiều hơn. Theo lời chị kể: “Thời điểm đó, bà con ở đây ai cũng khó khăn, thiếu thốn đủ bề, nhất là số bà con Việt kiều ở Campuchia về, họ còn khó khăn hơn gấp bội”.

Chị Phụng (phải) kiểm tra sản phẩm nhang của tổ viên.

 Năm 2009, Chi hội Nông dân ấp Phước An được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 105 chiếc máy se nhang. Hội Nông dân xã Phước Ninh đã thành lập một tổ se nhang với 35 hộ gia đình tham gia, do chị Phụng làm tổ trưởng.

Phát huy vai trò của mình, chị Phụng mạnh dạn đứng ra vay ngân hàng 200 triệu đồng để làm vốn mua nguyên liệu đem về giao cho các tổ viên của tổ se nhang làm và còn bao tiêu toàn bộ sản phẩm làm ra của họ. Điều kiện thuận lợi đã kích thích được nhiều người tham gia.

Tuy nhiên cái khó là lượng nhang làm ra nhiều nhưng đầu ra cho sản phẩm lại thiếu khiến hàng bị tồn đọng không ít, bên cạnh đó sản phẩm còn bị thương lái ép giá không thể bán được. Trước tình hình ấy, chị Phụng đã bỏ công sức đi tiếp thị, tìm kiếm đầu ra. Lúc đầu, chị bán sản phẩm về thành phố Hồ Chí Minh nhưng giá bán thấp nên lợi nhuận không cao. Thế là chị Phụng lại bỏ công tiếp tục lặn lội, tìm kiếm.

Cuối cùng thì chị cũng đã tìm được lối ra: xuất hàng sang Campuchia. Với thị trường mới này, sản phẩm của tổ se nhang ở ấp Phước An làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, dĩ nhiên lợi nhuận thu về cũng cao hơn. Tổ se nhang đã giúp cho cuộc sống của nhiều hộ gia đình hội viên trở nên ổn định hơn trước rất nhiều.

Bình quân mỗi tháng một người thợ se nhang có thể thu nhập từ 1,5 đến 3 triệu đồng. Tính đến nay, chị Phụng đã giúp cho 60 người trong ấp có việc làm ổn định. Cái nghề này cũng đã giúp cuộc sống gia đình chị ngày một khá hơn. Cả 2 người con của chị đều học giỏi, nên người. Sau 7 năm chí thú làm ăn, chị cũng đã tậu được một chiếc xe tải phục vụ việc vận chuyển nhang và còn dư ra khoảng 300 triệu đồng dùng làm vốn mua nguyên liệu.

Ngoài việc tạo công ăn việc làm cho người lao động nghèo trong xóm ấp, chị Phụng còn rất tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội ở địa phương. Chị không ngại tìm đến, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Với người nghèo chẳng may ốm đau, bệnh tật, chị bỏ tiền ra giúp để họ đi điều trị bệnh. Bình quân mỗi năm chị Phụng bỏ ra khoảng 30 triệu đồng cho việc làm từ thiện. Riêng dịp Tết Nguyên đán vừa qua, chị đã chi 20 triệu đồng để mua 100 phần quà tặng cho các hộ nghèo làm nhang trong ấp. Chị Phụng chia sẻ ước mơ của mình là mong cho bà con trong ấp ai cũng có việc làm ổn định, ai cũng được hạnh phúc và không còn nghèo đói nữa.

Bà Xuân (phải) trợ giúp tiền cho một hộ nghèo.

Ở huyện Dương Minh Châu còn có bà Nguyễn Thị Xuân, năm nay 63 tuổi, ngụ ấp Khởi Nghĩa, xã Cầu Khởi - cũng là một phụ nữ “tay trắng làm nên” như chị Phụng. Năm 1976, vợ chồng bà Xuân từ Bến Cầu đến Dương Minh Châu lập nghiệp. Những ngày đầu trên vùng quê mới biết bao gian khó.

Năm 1988, người chồng từng kề vai sát cánh với bà đột ngột ra đi vĩnh viễn sau một cơn bạo bệnh. Chồng chết, một mình bà Xuân cắm cúi làm lụng nuôi 4 đứa con nhỏ dại, thôi thì làm thuê làm mướn đủ nghề, ai kêu gì làm nấy miễn kiếm được tiền. May là bà con lối xóm cũng quan tâm giúp đỡ nên mẹ con bà mới không phải chịu đói cơm rách áo. Thấy làm thuê mãi cuộc sống khó mà khá lên, năm 1999 bà Xuân đi học cách ươm cây cao su giống. Học xong, bà liền thuê đất mở một vườn ươm.

Nhờ làm ăn thật thà, đến năm 2001 bà Xuân được Công ty TNHH MTV Chư Bá (Gia Lai) cho ứng trước 50 triệu đồng để ươm giống cho họ. Bà thuê thêm 10 ha đất để làm, sau mở rộng thêm diện tích vườn ươm, tổng cộng được 30 ha. Lúc này, nhu cầu về vốn để trả tiền thuê đất, phân bón và thuê nhân công rất lớn trong khi tài lực của gia đình bà có hạn. Được Hội Nông dân xã Cầu Khởi đứng ra bảo lãnh, bà Xuân đã vay 300 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, bà thu về hàng trăm triệu đồng lãi ròng. Qua 14 năm gắn bó với nghề ươm cao su giống, đầu năm 2015 bà Xuân đã có trong tay khối lượng tài sản trị giá khoảng 5 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ đối với một nông dân khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng như bà. Hiện nay, 4 người con của bà Xuân đều đã khôn lớn và đều là những cánh tay đắc lực của bà trong việc trông coi, quản lý công việc làm ăn. Vườn ươm cao su giống đã tạo việc làm ổn định cho 50 lao động ở địa phương với thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Khi cuộc sống đã khá hơn, bà Xuân bắt tay vào hoạt động từ thiện. Nghe trong ấp có hộ nào gặp hoạn nạn bà lại tìm đến giúp đỡ, kể cả với người nghèo ở ngoài địa phương bà cũng sẵn lòng chia sẻ- từ tiền bạc, gạo thóc, quần áo đến nhà ở. Mỗi năm, bà Xuân bỏ ra khoảng 60 triệu đồng để giúp người nghèo.

Bà nói: “Ngày xưa tôi cũng từng nghèo khó và cũng được mọi người giúp đỡ. Bây giờ cuộc sống đã khá hơn, tôi phải có trách nhiệm giúp đỡ những người nghèo khó như mình ngày xưa”. Trong hai năm gần đây, do mủ cao su rớt giá liên tục nên bà Xuân ngưng hoạt động vườn ươm cao su giống. Số nhân công chuyển sang đi làm công nhân xí nghiệp trong khi  bà chủ vườn vừa chăm sóc 20 ha cao su vừa thuê thêm 10 ha đất để trồng mì. Tuy lợi nhuận đã giảm đi đáng kể song không vì vậy mà bà Xuân thờ ơ với người nghèo. Mỗi năm, bà tiếp tục bỏ ra khoảng 30 triệu đồng để giúp các hộ khó khăn.

Nay tuổi đã cao, bà Xuân vẫn thích lao động và vẫn tích cực đi làm việc thiện, bởi theo bà: “Những người nghèo khó nếu không ai giúp đỡ sẽ khó mà vươn lên thoát nghèo”.

Nhờ quyết chí vươn lên và nỗ lực lao động không ngừng, những người phụ nữ như bà Xuân, như chị Phụng đã tạo dựng được cơ nghiệp, biến từ “không” thành “có”, vừa đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho gia đình mình vừa làm được nhiều điều có ích cho xã hội.

HT