BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chống ngập đô thị - Không phải chuyện “một sớm, một chiều” 

Cập nhật ngày: 31/07/2024 - 08:12

BTN - Những năm qua, tỉnh và các địa phương triển khai nhiều giải pháp khắc phục tình trạng cứ đến mùa mưa lại xuất hiện ngập cục bộ trên các tuyến đường lớn ở thành phố Tây Ninh và một số đô thị khác, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Theo phản ánh của người dân sống trên đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn đi qua UBND phường Hiệp Ninh, Trảng Dài, Công đoàn cũ…), mỗi khi mưa lớn, tuyến đường này bị ngập cục bộ nặng nề. Nặng nhất là đoạn qua UBND phường Hiệp Ninh và Công đoàn cũ. Tình trạng ngập khá sâu, nên người dân phải chờ ngớt mưa, nước rút mới điều khiển xe mô tô, ô tô nhỏ lưu thông, do sợ xe ngập nước. Thời gian qua, tình trạng ngập không kéo dài, khoảng hơn 1 giờ đồng hồ sau cơn mưa là nước rút hết, nhưng người dân mong muốn các cơ quan có thẩm quyền sớm triển khai giải pháp chống ngập hiệu quả.

Tình trạng này cũng xảy ra ở đường Nguyễn Văn Rốp. Ông Huỳnh Văn Lợi, ngụ khu phố 1, phường IV, TP. Tây Ninh kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm triển khai nâng cấp tuyến đường, nhất là hệ thống thoát nước.

Được biết, dự án đường Nguyễn Văn Rốp đang được thành phố Tây Ninh triển khai thi công, nhà thầu đã tập kết ống cống hai bên đường để làm hệ thống thoát nước. Hy vọng sau khi dự án hoàn thành, tình trạng ngập sẽ chấm dứt.

Dự án đường Nguyễn Văn Rốp (thành phố Tây Ninh) đang triển khai, hy vọng sẽ khắc phục được tình trạng ngập tại khu vực này

Riêng tình trạng ngập cục bộ ở một số đoạn trên đường Cách Mạng Tháng Tám sẽ được giải quyết khi dự án nâng cấp do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh triển khai thi công trong thời gian tới. Theo kế hoạch, dự kiến dự án sẽ mở thầu, lựa chọn nhà thầu để triển khai trong năm nay. Dự án có thiết kế hệ thống cống thoát nước quy mô thay thế hệ thống hiện hữu nên sẽ thoát nước tốt hơn.

Dọc theo các tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thái Học, Võ Thị Sáu, Lạc Long Quân… thành phố Tây Ninh thường thấy có những miệng hố ga thu nước mưa bị che lắp. Một số người dân thiếu ý thức dùng đá, bạt nylon… đậy miệng thu nước chỉ vì lý do ngăn mùi hôi, ảnh hưởng việc kinh doanh.

Hành vi này khiến miệng thu gom nước mưa trên đường mất tác dụng, nước mưa không có điểm rút phải dồn về nơi khác. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ngập cục bộ.

Theo Sở Giao thông Vận tải, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập cục bộ tại một số tuyến đường khu vực đô thị trong tỉnh như hệ thống tiêu thoát nước tự nhiên bị bồi lấp; có nơi lắp đặt cống dọc có khẩu độ nhỏ không đồng bộ; tình trạng san lấp mặt bằng lấn trên hệ thống mương, suối tự nhiên làm bồi lắng thu hẹp, tắc nghẽn dòng chảy.

Tốc độ đô thị hoá nhanh, người dân sinh sống cặp hai bên đường xây dựng tường rào bao quanh hoặc tôn tạo cao hơn mặt đường; một số cơ sở sản xuất được xây dựng dọc theo tuyến đường, tình trạng san lấp nền để xây dựng nhà của người dân gây ảnh hưởng dòng chảy… Mặt khác, một số hệ thống thoát nước trong đô thị lâu ngày chưa được nạo vét thông cống, hệ thống tiêu thoát nước ở phía hạ lưu bị bồi lắng, thắt dòng chảy, không còn đáp ứng khả năng tiêu thoát nước. UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố có giải pháp xử lý tình trạng này.

Thế Nhân