BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện bình thường của chị trưởng khu phố

Cập nhật ngày: 17/07/2009 - 10:57

Chị Thuỷ tại văn phòng Ban quản lý khu phố

Trong một lớp tập huấn kiến thức về giới, giảng viên đặt vấn đề: phụ nữ làm lãnh đạo được không? Hầu hết đều trả lời: được! Giảng viên hỏi tiếp: phụ nữ làm trưởng ấp được không? Học viên lác đác: được, còn lại rộ lên: thôi, đừng!

Một anh đang là trưởng ấp mạnh mẽ lên tiếng: “Tui làm trưởng ấp tui biết, phụ nữ không làm trưởng ấp được đâu, không phải tui khi dễ phụ nữ nhưng mà trưởng ấp… cực lắm, mệt lắm, tội nghiệp mấy bả!” Vậy mà… trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có phụ nữ là trưởng ấp hoặc trưởng ban quản lý khu phố (Tân Châu được bốn chị, Thị xã được hai, các huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu, Tân Biên mỗi nơi một). Liệu các chị chẳng khác gì “hoa lạc giữa rừng gươm” ấy có “làm ăn” gì được không? Để có câu trả lời, tôi tìm gặp chị Trần Thị Thọ Thuỷ – trưởng ban quản lý khu phố 3, phường 2, thị xã Tây Ninh.

Hoa dẫu có lạc giữa rừng gươm thì hoa vẫn là hoa! Trông chị vẫn dịu dàng, mềm mại, có vẻ còn hơi yếu đuối. Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp chị Thọ Thuỷ. Cơ duyên đẩy chị “lạc vào rừng gươm” cũng “bình thường” (chị cười, nụ cười rất phụ nữ!). Lúc trước chị chỉ là nội trợ và cũng mong mãi mãi là nội trợ như mọi phụ nữ khác: một mái nhà, một đứa con ngoan và người chồng hết lòng yêu vợ con. Nhưng năm 1999, được sự động viên của gia đình, bạn bè và nhất là các anh chị ở khu phố, chị bắt đầu tham gia công tác xã hội. Và cứ vậy, mười năm đã trôi qua, bắt đầu là tổ trưởng tổ tự quản, đến 2006 chị được nhân dân tín nhiệm bầu là trưởng ban quản lý khu phố.

Cũng chẳng có gì để nói, cuộc sống người dân khu phố 3 vốn bình thản, người dân phần đông ai cũng lo làm ăn tử tế, chẳng có vấn đề gì! Chị lại cười. Như một con ong cần cù, chị cứ lặng lẽ làm việc, và làm việc hết sức bằng cái “tâm” của người luôn nghĩ cho người khác. Mỗi ngày, có mặt tại văn phòng khu phố giải quyết các vấn đề giấy tờ của người dân, tiếp nhận văn bản cấp trên đưa xuống, họp bàn với các ngành giải quyết các vấn đề dân sinh… rồi lặn lội xuống địa bàn thăm hỏi người dân còn khó khăn trong cuộc sống, tham gia giải quyết chuyện ly hôn, chuyện đánh nhau, chuyện tang ma, vận động nghĩa vụ quân sự, xin trợ cấp cho người nghèo… đủ chuyện trên đời đều tới tay cán bộ ấp. Hỏi chị: phụ nữ làm trưởng ấp, trưởng khu phố có khó khăn gì không? Chị cười, nheo mắt: “Đâu có khó khăn gì đâu. Chỉ có điều, mình làm trưởng ấp thì còn được phụ cấp, chớ anh chị em tổ trưởng tổ tự quản không có gì hết trơn, mà công chuyện của họ nhiều lắm nên phải chi mình có chút gì hỗ trợ họ thì hay quá”. Lại hỏi: Chị đi đêm hôm nhiều, có sợ không? – “Sợ gì chớ, dân mình không mà!”.

Chỉ có điều… Trong khu phố còn 12 hộ nghèo, mới có 7 hộ nghèo trung ương được cấp sổ bảo hiểm, còn lại thì chưa có. Họ vẫn thường xuyên được trợ cấp, có 4 hộ đã được cất nhà đại đoàn kết nhưng làm sao giúp họ thoát khỏi cảnh nghèo, vươn lên khá là chuyện khiến chị Thuỷ cứ day dứt mãi. Trong số đó, chị nói đi nói lại trường hợp hộ chị Phạm Thị Chín. Bản thân chị Chín, người chồng bị tâm thần nhẹ và ba cô con gái nhỏ đều sống bằng nghề bán vé số. Nhưng dù nghèo khổ chị Chín vẫn cho ba đứa con gái đi học, đứa lớn học Trường THCS Trần Hưng Đạo, hai đứa nhỏ học Trường tiểu học Hùng Vương. Sáng, ba đứa bé rảo bước cùng mẹ bán vé số, chiều cắp cặp đến trường. Cả ba đứa trẻ dù nghèo nhưng chưa bỏ học ngày nào, trừ những ngày đau ốm bất khả kháng. Bởi bên cạnh chúng luôn có người trưởng ban quản lý khu phố tiếp sức bằng cách vận động hỗ trợ quần áo, sách vở, miễn giảm học phí cho chúng. Chị vẫn đau đáu: cuộc sống của chúng phải khá hơn ba mẹ chúng mới được!

Nói chuyện người nghèo, tôi chợt nhớ dạo Tết có nhiều địa phương lùm xùm chuyện tiền hỗ trợ tết cho người nghèo. Tôi hỏi chị bán nước bên đường có nghe vụ hỗ trợ tiền tết cho người nghèo không? Chị bán nước gục gặc: “Có chớ, nhưng mà chỉ người nghèo được thôi.” Tôi đùa: “Có người nào đã qua nghèo, hoặc chưa nghèo mà được không?” – “Ui, không đâu, Ban quản lý khu phố người ta xét kỹ lắm!” Chị Thuỷ cũng có vẻ ngạc nhiên khi nghe những chuyện “lùm xùm”:- “Có gì đâu, cứ công khai mà xét chọn thì làm sao mà có chuyện được”. Lý lẽ đơn giản vậy đó! Vậy nên, cuộc sống ở khu phố 3 cứ trôi qua một cách bình thường, cái bình thường mà người dân nào cũng mong.

Chuyện chị Trần Thị Thọ Thuỷ, trưởng ban quản lý khu phố 3 phường 2, Thị xã đến đây tạm hết, không phải vì hết chuyện, mà vì chị cứ “đơn giản, bình thường thôi, đã là trưởng ấp là phải vậy, có gì đâu”. Tôi lại hỏi ngược lại, vậy chắc phụ nữ làm trưởng ấp, trưởng khu phố thì thuận lợi hơn? “Cũng chưa phải, ai cũng vậy, mình làm việc gì cũng hết sức, hết lòng, công tâm thì được thôi”. Hoá ra, bình thường vậy thôi, nghĩa là đã là cán bộ thì dù “hoa lạc giữa rừng gươm” hay “gươm lạc giữa rừng hoa” cũng phải “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” như Hồ Chủ tịch đã dạy là làm được hết. Bình thường là vậy, nhưng không phải bất cứ ai cũng làm được!

LÊ DUY