BAOTAYNINH.VN trên Google News

Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh: Xả nước thải “vừa đen, vừa hôi” ra sông Vàm Cỏ Đông?

Cập nhật ngày: 31/07/2009 - 03:25

Mới đây, Báo Tây Ninh nhận được thông tin từ một số hộ dân ấp Đá Hàng, xã Hiệp Thạnh, Gò Dầu phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường do nhà máy sản xuất của Công ty cổ phần Cao su (CTCPCS) Tây Ninh gây ra.

Miệng cống dẫn nước “vừa đen vừa hôi” từ CTCPCS Tây Ninh ra sông Vàm Cỏ.

Khảo sát khu vực tường rào cạnh sông Vàm Cỏ Đông của nhà máy chế biến mủ thuộc CTCPCS Tây Ninh, chúng tôi phát hiện 3 miệng cống. Người dân địa phương cho biết, hai trong ba miệng cống này thường xuyên dẫn nước thải từ trong nhà máy đổ ra sông, nhất là những khi trời mưa. Thực tế tại hiện trường cho thấy, một dòng nước đen ngòm, nồng nặc “mùi đặc trưng” của nước thải nhà máy chế biến cao su từ miệng cống chảy “rỉ rả” ra sông. Quan sát phía bên kia bờ tường từ trên cao, chúng tôi thấy một ao khá lớn chứa chất nước màu đen sẫm, bờ ao được rào chắn bằng những tấm ni lông.

Hộ ông Trần Văn Ro, 67 tuổi cho biết: Nhiều năm nay, nước thải của nhà máy cao su này “rỉ” qua mương dẫn nước vào ruộng lúa của gia đình ông (hơn 1 ha) khiến lúa không cần bón phân mà vẫn xanh tốt lạ thường. Thế nhưng, đến ngày thu hoạch, lúa bị hư hại gần hết vì bị “rợp”, thân lúa bị cháy khô, hạt lép. Gia đình ông Ro nhiều lần kêu cứu đến một số cơ quan và khiếu nại CTCPCS Tây Ninh nhưng không được giải quyết thoả đáng. Hiện tại, khu vực gần ruộng lúa của gia đình ông Ro là khu vực rất “nặng mùi” chất thải của CTCPCS Tây Ninh. Kề bên tường rào của CTCPCS Tây Ninh còn có đám rau muống khá lớn cũng của gia đình ông Ro. Vợ ông kể, những hôm nước thải từ trong nhà máy chảy xuống ao, bà bị ngứa khắp cả người khi lội xuống cắt rau về bán. “Tiền bán rau không đủ tiền mua thuốc uống, thuốc xức trị ngứa”. Điều đáng nói là dù biết rau muống bị nhiễm nước thải độc hại nhưng gia đình ông Ro vẫn hái mang đi bán. “Thu nhập chính của gia đình tôi nhờ đám rau này, giờ lúa bị hư, không hái rau bán thì lấy gì để sống?” - bà Ro nói.

Tại nhà chị Nguyễn Thị Tố Quyên, 39 tuổi, chúng tôi được gia đình chị hướng dẫn cho xem một “hiện tượng lạ”: Mái tôn nhà chị bị thủng như hệt như tờ giấy bị mối “gặm” dù tôn mới lợp chỉ hơn hai năm. Đáng chú ý là mái nhà nằm ở hướng quay ra xưởng sản xuất của CTCPCS Tây Ninh bị thủng nhiều hơn mái nhà ở hướng quay ra sông (?). Hiện tại, do không có tiền để thay tôn mới, chị Quyên đành phải mua ni lông về trải trùm lên mái. Tuy nhiên, những tấm ni lông này cũng đã bị thủng khiến nước mưa tuôn ướt khắp nhà.

Đồng “cảnh ngộ” với gia đình chị Quyên là nhà bà Trần Thị Thể, nhà chị Nguyễn Thị Khoa, nhà ông Ngô Văn Dũng. Mái tôn trên nhà các hộ này cũng “mau hư lạ thường”. Theo những hộ dân này, hoá chất từ nhà máy chế biến cao su bay theo gió, theo mưa bám vào mái tôn của họ gây hư hại. Để đối phó với tình trạng thủng mái, các hộ dân đành phải trùm ni lông lên mái tôn. Ngoài ra, một số hộ dân ở khu vực gần nhà máy của CTCPCS Tây Ninh cũng “kêu cứu” trước tình trạng môi trường không khí bị ô nhiễm nặng, rất khó ngửi, khó thở do hoạt động sản xuất của nhà máy chế biến cao su gây ra.

Ngày 28.7, chúng tôi đến CTCPCS Tây Ninh, đề nghị nhân viên bảo vệ cho vào gặp lãnh đạo Công ty để làm rõ một số nội dung mà người dân phản ánh. Tuy nhiên, ông Vương Văn Bền, bảo vệ Công ty cho biết là lãnh đạo bận họp, không tiếp phóng viên được.

Ao nước đen bên trong CTCPCS Tây Ninh.

CTCPCS Tây Ninh có thường xuyên xả nước thải “vừa đen, vừa hôi” ra sông Vàm Cỏ như người dân phản ánh hay không? Tình trạng mái nhà bị thủng một cách mau chóng có phải do hoá chất của nhà máy chế biến cao su gây ra hay không? Những câu hỏi này cần được ngành chức năng làm rõ và trả lời thoả đáng cho người dân.

ĐÌNH CHUNG