Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đề án hỗ trợ đào tạo đại học, sau đại học: Cơ hội cho người giỏi

Cập nhật ngày: 16/04/2011 - 08:00

Theo đề án hỗ trợ đào tạo đại học, sau đại học dành cho học sinh, sinh viên, học viên Tây Ninh được ban hành theo Quyết định số 22/2010/QĐ -UBND ngày 22.4.2010 của UBND tỉnh (QĐ 22), giai đoạn 2010- 2015 Tây Ninh sẽ đào tạo khoảng 250 người có trình độ cao để về làm việc tại tỉnh nhà. Lẽ ra, QĐ 22 đã được áp dụng cho năm học 2010 – 2011, tuy nhiên vì một số nguyên nhân, cho đến nay đề án vẫn chưa được triển khai. Theo dự kiến, nếu không có gì thay đổi, bắt đầu từ năm học tới, những chính sách nằm trong đề án có tổng giá trị lên tới hơn 70 tỷ đồng này sẽ bắt đầu áp dụng.

Theo kế hoạch, 250 sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh được hưởng chính sách đặc biệt này sẽ được đưa đi đào tạo tại nhiều trường đại học trọng điểm, viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Trong đó, có khoảng 150 người theo học các chuyên ngành mà tỉnh đang có nhu cầu. Và 30 trong số 150 người đó sẽ được đưa đi đào tạo ở nước ngoài. Cũng theo kế hoạch, đối với các bậc sau đại học, sẽ có 90 người được đào tạo trình độ thạc sĩ và 10 người trình độ tiến sĩ. Trong tổng số 100 người này, sẽ có 22 người được đào tạo ở nước ngoài.

Mục tiêu lớn nhất của đề án là đào tạo cho tỉnh nhà một đội ngũ cán bộ có trình độ cao và thật để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới. Mặt khác, đề án cũng nhằm mục đích đẩy mạnh quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.

Ông Võ Hùng Việt, PCT Thường trực UBND tỉnh trao thưởng cho học sinh giỏi lớp 12 năm học 2009 - 2010

Tuỳ theo trình độ đào tạo, mỗi ứng viên được đưa đi đào tạo sẽ được hưởng mức hỗ trợ khác nhau trong suốt thời gian học. Bình quân mỗi năm tỉnh sẽ chi khoảng gần 11 tỷ đồng cho việc thực hiện đề án này. Đối tượng được thụ hưởng chính sách này sẽ được Nhà nước bao cấp gần như toàn bộ kinh phí ăn ở, đi lại, làm thủ tục và cả bảo hiểm y tế. Tất nhiên, bên cạnh quyền lợi được hưởng, người đi học phải thực hiện cam kết: sau khi tốt nghiệp phải về làm việc tại tỉnh nhà với thời gian ít nhất gấp 3 lần thời gian đào tạo. Nếu không giữ đúng cam kết thì phải bồi thường số tiền gấp 5 lần tổng kinh phí đã được Nhà nước đầu tư đào tạo cho mình.

Mục tiêu của đề án là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao nên đối tượng được ưu tiên trước hết phải là những người học giỏi. Cụ thể, đối với đào tạo đại học trong nước, ứng viên phải đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi liên tục từ lớp 10 đến lớp 12 THPT, thi tốt nghiệp đạt loại khá trở lên. Nếu học sinh có tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT thì ít nhất phải đạt giải III trở lên (môn đạt giải phải là một trong 3 môn của khối thi đại học mà thí sinh đó tham dự). Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, thí sinh phải đạt tối thiểu 21 điểm trở lên ở những chuyên ngành mà tỉnh có nhu cầu.

 Đối với đào tạo đại học ở nước ngoài, ứng viên phải bảo đảm một trong các yêu cầu sau: đạt danh hiệu học sinh giỏi liên tục từ lớp 10 đến lớp 12 và tốt nghiệp THPT loại giỏi; kết quả thi đại học phải đạt tối thiểu 24 điểm trở lên ở những chuyên ngành mà tỉnh đang cần. Trường hợp khác, ứng viên phải đạt từ giải Nhì trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc giải Ba cấp quốc gia trở lên.

Đối với đào tạo trình độ cao học (thạc sĩ), nếu ứng viên học ở trong nước thì phải tốt nghiệp đại học loại khá trở lên và trúng tuyển cao học vào những ngành mà tỉnh đang cần. Còn nếu học thạc sĩ ở nước ngoài, ứng viên phải tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên.

Riêng với những người được chọn nghiên cứu sinh, điều kiện “cần và đủ” cho cả trong nước và nước ngoài không khác gì nhau: phải tốt nghiệp thạc sĩ có điểm trung bình cộng được xếp loại giỏi ở những chuyên ngành tỉnh đang có nhu cầu.

Bên cạnh việc ưu tiên chọn người giỏi, đề án cũng có sự ưu tiên dành cho đối tượng gia đình chính sách. Chẳng hạn đối tượng là thương binh hoặc đang được hưởng chế độ như thương binh; con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh có tỷ lệ mất sức lao động 81% trở lên; đối tượng có cha hoặc mẹ tham gia cách mạng thời kỳ chống Pháp hoặc chống Mỹ ở chiến trường B, K, C được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến; con em các dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại địa phương ít nhất 36 tháng; cuối cùng là đối tượng con em gia đình nghèo theo chuẩn Trung ương. Với đối tượng gia đình chính sách yêu cầu không đòi hỏi quá cao như đối tượng thứ nhất. Ví dụ: ứng viên không phải con em gia đình chính sách thì phải đạt 24 điểm nhưng nếu là con em gia đình chính sách thì chỉ cần 22 điểm (3 môn) là có thể được xét cho đi học đại học ở nước ngoài.

Ngoài hai đối tượng đã nêu, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh hiện nay đang theo học cả trong và ngoài nước cũng sẽ được thụ hưởng nguồn hỗ trợ của đề án này với điều kiện: đang học những ngành mà tỉnh cần và sau khi học xong phải về công tác tại tỉnh nhà.

Đ.V.T