BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đổi thay ở Tầm Phô

Cập nhật ngày: 07/07/2009 - 09:21

Nhà một hộ dân người Khmer ở Tầm Phô

Ấp Tầm Phô là một ấp của xã Tân Đông, huyện Tân Châu. Ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Đời sống kinh tế, văn hoá của bà con nơi đây đang đổi thay từng ngày.

Cả ấp hiện có 154 hộ dân với 734 nhân khẩu, hầu hết đồng bào sinh sống bằng nghề nông, một số hộ khác buôn bán nhỏ lẻ. Nhiều hộ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao năng suất. Trước đây, đa số người dân trồng lúa, nay chuyển sang trồng mía, mì. Trưởng ấp Tầm Phô, ông Chumchomran cho biết trong ấp có 5 gia đình tiêu biểu trong làm ăn kinh tế. Có những gia đình như nhà ông Nhất Bun nhờ biết tính toán nên làm ăn có hiệu quả cao. Ông Nguyễn Văn Lực, cán bộ xã Tân Đông, sau khi về hưu được lãnh đạo địa phương phân công làm “cố vấn” cho Ban quản lý ấp, thông tin: đến nay tỷ lệ hộ dân được dùng điện quốc gia là gần 80%, một số hộ còn lại chưa có điều kiện kéo điện, hiện đang được hỗ trợ dầu thắp sáng. Nếu không có gì thay đổi, đến cuối năm nay, 100% hộ dân sẽ có điện sinh hoạt. Đường giao thông nông thôn cũng được tu bổ, cải tạo nên chuyện đi lại của bà con đã đỡ vất vả hơn trước đây rất nhiều. Khi ốm đau, bà con được các thầy thuốc bộ đội biên phòng khám chữa bệnh chu đáo. Dù còn bộn bề, cuộc sống chưa hết khó khăn nhưng so với mấy năm về trước, đời sống của đồng bào đã đỡ hơn rất nhiều. Hầu hết các hộ dân đã được dùng nước sạch bởi đã có trạm cấp nước.

Người dân Tầm Phô đang trên đường xây dựng ấp văn hoá. Ông Lực hồ hởi khi nói về sự học của đám trẻ. Trên địa bàn ấp hiện có một trường tiểu học, một trường mẫu giáo. Trường tiểu học có ba lớp, mẫu giáo có 2 lớp. Do được hưởng nhiều ưu đãi nên tỷ lệ ra lớp của con em đồng bào khá cao. Hằng ngày nhìn thấy con em đồng bào đến trường, biết viết biết đọc, cán bộ, nhân dân trong ấp ai cũng vui. Để động viên đám trẻ đến trường, chính quyền và các đoàn thể địa phương đã nỗ lực rất nhiều để tìm nguồn tài trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Đầu năm học vừa qua, các đoàn thể và một số tổ chức xã hội đã tặng 19 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo để các em có điều kiện đến trường. Hiện trong ấp có 5 em đang theo học bậc trung học phổ thông.

Nhắc đến việc học, ông Lực chỉ cho chúng tôi đến thăm nhà bà Cao Mai, năm nay hơn bảy chục tuổi, bà đang phải nuôi 5 đứa cháu ngoại đi học (vì ba mẹ chúng đã chết). Cô chị lớn nhất đang học trung học phổ thông. Lúc chúng tôi đến chỉ có mình bà ở nhà, mấy đứa cháu được nghỉ hè đã đi làm thuê để chuẩn bị cho năm học mới. Bà Mai nói tiếng Việt không rõ, phải thông qua người phiên dịch, bà cho biết mình yếu rồi, vì thương mấy cháu, không muốn chúng mù chữ như bà nên mới ráng cho chúng ăn học. Vừa nói bà vừa chỉ ra đống phân súc vật phơi khô, đang chuẩn bị đóng bao để bán. Tất cả vì các cháu của bà. Chúng tôi thầm nghĩ: khi đời sống văn hoá của người dân được nâng lên, con em đồng bào đi học đông hơn, chẳng phải bà cũng là người có công đóng góp sao?

Ông Lực và trưởng ấp Chumchomran cho biết: hiện nay, có một số hộ dân chưa được nhập hộ khẩu nên bà con còn thiệt thòi về nhiều mặt. Những hộ dân này có nhà cửa, có đất đai và vẫn thực hiện các loại nghĩa vụ đối với nhà nước. Không có hộ khẩu, bà con rất khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất, dịch vụ y tế, giáo dục, hôn nhân gia đình… Thêm một việc nữa, hiện nay chỉ mới có trường mẫu giáo của ấp được kéo điện, riêng trường tiểu học thì chưa, mặc dù hai trường ở rất gần nhau. Về tiêu thụ nông sản, bà con mong nhà nước có cơ chế hỗ trợ để nông dân bán được nông sản mà không bị thương lái ép giá.

Trưởng ấp Chumchomran nói, sắp tới xã sẽ xây nhà văn hoá Tầm Phô, người dân trong ấp sẽ có nơi vui chơi, giải trí. Nếu không có gì thay đổi, cuối năm nay, ấp sẽ được công nhận là ấp văn hoá.

VIỆT ĐÔNG