BAOTAYNINH.VN trên Google News

Gương mặt thương binh tiêu biểu: Không đầu hàng hoàn cảnh

Cập nhật ngày: 17/08/2009 - 05:59

Ông Năm Tấn vẫn giữ nếp thường xuyên theo dõi báo chí.

Ông Nguyễn Tấn (còn gọi là ông Năm Choàng) năm nay 79 tuổi, hiện ngụ xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu là một trong những người thuộc thế hệ tiền khởi nghĩa, tham gia cách mạng từ năm 1944, ông từng giữ các chức vụ Trưởng ty Thông tin, Phó trưởng Ban Thông tin tuyên truyền tỉnh, thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh. Ông được Nhà nước trao tặng rất nhiều huân chương: Huân chương chống Pháp hạng III, Huân chương chống Mỹ hạng I, Huân chương Quyết thắng hạng I… Năm 1990, ông Tấn về nghỉ hưu.

Trở về địa phương, ông Tấn tích cực tham gia công tác xã hội. Mặc dù không giữ chức vụ gì ở xã Chà Là, nhưng ông là người “cố vấn” tích cực cho UBND xã Chà Là. Một đóng góp rất đáng kể của ông trong những năm gần đây là khi xã mở Cụm công nghiệp và khu tái định cư Chà Là, gặp khó khăn trong công tác đền bù, giải toả mặt bằng, ông Tấn đã không ngại khó khăn, đứng ra vận động bà con. Nhờ biết cách nói cho dân nghe, dân hiểu nên ông đã thuyết phục được mọi người, công tác giải toả mặt bằng nhanh chóng được thực hiện. Ông Tấn còn là người làm gương và đi đầu trong việc vận động nhân dân xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng đời sống văn hoá, kế hoạch hoá gia đình… Vợ chồng ông có một người con trai, đã có gia đình và hiện đang là giáo viên của Trường Trung cấp nghề Tây Ninh. Với tiền lương hưu, tiền phụ cấp ưu đãi tiền khởi nghĩa hơn 4 triệu đồng/tháng đủ để hai vợ chồng ông sinh sống, không cần phải vất vả, thế nhưng ông không muốn ngồi không nên ông nuôi gần 70 con gà, vịt để tăng thêm thu nhập và vui thú tuổi già.          

Còn ông Lê Văn Thuỷ, ở xã Phước Đông, huyện Gò Dầu tham gia kháng chiến từ năm 1972, ông từng tham gia các trận đánh ở Cây Xoài, Xóm Mới, Cây Đa (huyện Gò Dầu), chợ Long Hoa (huyện Hoà Thành), bị thương bậc 4/4, hiện nay miểng bom còn nằm trong phổi. Tháng 3.1987, ông xuất ngũ trở về lập gia đình. Nhà nghèo (thuộc diện nghèo địa phương) con đông, không ruộng vườn, nghề nghiệp, chỉ có hai bàn tay trắng, ông Thuỷ kiếm sống bằng nghề làm thuê làm mướn. Với nghị lực của anh bộ đội Cụ Hồ, ông quyết chí vươn lên. Thế là ông thuê đất làm ruộng, trồng hoa màu. Sau nhiều năm đổ mồ hôi, công sức ông cũng đã có tích luỹ, mua được 1,5 ha đất nông nghiệp. Mỗi

Ông Thuỷ chăm sóc ruộng dưa hấu.

năm ông trồng hai vụ lúa, xen canh một vụ hoa màu. Từ khi có đất sản xuất, cuộc sống gia đình ông đỡ chật vật hơn, tuy vẫn còn thiếu thốn. Nay, ở tuổi 52 những lúc rảnh rang, hai vợ chồng ông Thuỷ vẫn đi nhổ cỏ, lặt đậu thuê cho bà con trong xóm, kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Năm 2006, ông Thuỷ vay tiền mua 2 con bò giống về nuôi, khi đã có được 2 con bò con, ông bán đôi bò cái để trả nợ và chăm chút cho đôi bò nghé, nay chúng đã lớn. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng vợ chồng ông Thủy vẫn cố nuôi dạy con cái nên người. 3 cô con gái của họ đều học xong trung học phổ thông, một đang theo học cao đẳng, hai người còn lại đã có gia đình riêng. Riêng 3 anh con trai thì đều đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trong đó, có 2 người nối nghiệp cha, tình nguyện ở lại phục vụ lâu dài trong quân đội.

Cả 2 ông Nguyễn Tấn và Lê Văn Thuỷ đều được Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cử đi dự Hội nghị tuyên dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2009 do Bộ LÐ-TB và XH, Bộ Quốc phòng, Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức tại Bến Tre hôm 16.7. Ông Thuỷ nói: “Đó là dịp tốt để tôi học hỏi thêm kinh nghiệm làm kinh tế gia đình của các thương binh bạn để về áp dụng cho gia đình và phổ biến cho bà con trong xóm”. 

Dương An