BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ vật ngày Bác đi xa

Cập nhật ngày: 31/08/2009 - 06:04

Đã 40 năm trôi qua, cuộc đời bươn chải suốt trong Nam, ngoài Bắc, những kỷ vật thân thiết có thể mất đi vì chiến tranh, vậy mà có một thứ tôi vẫn giữ được tới bây giờ. Đó là mảnh vải có diện tích 9cm x 3cm nửa đỏ nửa đen và chiếc kim băng gài phía sau đã rỉ sét. Ngày 3 tháng 9 năm 1969, cha tôi từ trụ sở Đảng uỷ xã trở về vào lúc 10 giờ. Khe khẽ đặt chiếc xà cột da lên bàn, vẻ mặt cha buồn bã và hoang mang, ông gọi mấy mẹ con tôi lại, nói nhỏ: “Bác mất rồi!”.

Cả nước khóc thương tiễn đưa vị cha già dân tộc. (Ảnh trích từ phim tư liệu).

Cả nhà tôi bàng hoàng, quên cả bữa cơm trưa đạm bạc. Cha tôi lấy trong xà cột ra một thẻo vải phíp đen, thứ vải đầu thừa đuôi thẹo ở các hiệu may, cha tôi nói xin ở Hợp tác xã may mặc. Cha tôi lại lấy lá quốc kỳ trong tủ ra, ngắm nghía, đo đạc mãi rồi quyết định cắt bớt phần vải may đúp để tra cán cờ, rồi lại tính toán, đo đếm một hồi nữa, chia ra 6 phần bằng nhau. Phần vải đen cũng chia như vậy. Hai mảnh vải được mẹ tôi dùng kim chỉ khâu lại thành dải băng hình chữ nhật, phía trên màu đỏ, phía dưới màu đen. Cả nhà tôi đã có băng tang để tang Bác Hồ. Băng tang được gài bằng kim băng bên ngực trái. Chúng tôi đi dự lễ tang Bác Hồ ở Hội trường Uỷ ban xã, ở trường học. Cả một tuần chiếc băng tang Bác Hồ gắn trên ngực áo, xót xa, đẫm nước mắt và nước mưa trong nỗi đau chung của cả nước.

Tôi còn giữ mãi dải băng cho đến ngày nhập ngũ hai năm sau đó. Mấy năm lăn lộn ở chiến trường Bình - Trị - Thiên, sau giải phóng lại chuyển vào Hậu Giang. Một lần soạn lại những thứ lặt vặt như nhật ký, thư từ, tranh ảnh… tôi phát hiện dải băng hồi Bác mất vẫn nằm dưới đáy ba lô. Một kỷ vật có thể nói không có giá trị kinh tế gì, nhưng với tôi lại rất quan trọng. Nó như vật chứng đau thương những ngày thế hệ chúng tôi hiểu được nỗi mất mát vô cùng to lớn, không gì bù đắp nổi khi Bác Hồ vĩnh viễn đi xa.

Thuỵ Vân