Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sau những cơn mưa kéo dài, nhiều nơi trong tỉnh Tây Ninh bị ngập úng cục bộ. Qua thực tế cho thấy, nguyên nhân là do nhiều tuyến đường nâng cấp, sửa chữa, nhưng chưa chú trọng đến hệ thống cống thoát nước.
Sau những cơn mưa kéo dài, nhiều nơi trong tỉnh Tây Ninh bị ngập úng cục bộ. Qua thực tế cho thấy, nguyên nhân là do nhiều tuyến đường nâng cấp, sửa chữa, nhưng chưa chú trọng đến hệ thống cống thoát nước.
Sáng ngày 10.9, chúng tôi đi tìm hiểu thực tế ở một số địa phương và ghi nhận được nhiều thực trạng rất đáng báo động. Ở khu phố Hiệp Bình, (phường Hiệp Ninh, Thị xã) từ hẻm số 11 đi vào có một khu vực khá rộng bị ngập nước. Nơi ngập sâu nhất khoảng 0,5 mét. Các ngả đường ở khu vực này hầu như không còn đi lại được. Gần đó, một sân bóng chuyền dân lập cũng bị nước ngập gần tới mép lưới.
Ngập úng ở khu phố Hiệp Bình. |
Tại nhiều nhà dân, nước ngập trắng xoá cả sân. Trên đường, trẻ em phải xắn quần, bì bõm lội trong nước để đi học, trông rất tội nghiệp. Một người dân tên Trần Thị Đẹp, nhà ở hẻm số 11, than phiền: “Khu vực này là vùng trũng, mấy năm trước nước cũng ngập, nhưng ít và mau rút. Khi nâng cấp mấy con đường xung quanh, người ta có làm mương và cống thoát nước nhưng đều nhỏ, hẹp nên nước không thoát kịp. Nhà tôi phải đắp nền cao lên, xung quanh rác rưởi trôi đầy, gây hôi thối, không dám bước chân ra khỏi nhà”.
Ở khu vực ấp Long Đại, thuộc xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành cũng có một đoạn khá dài, gần trụ sở UBND xã bị ngập nước. Ghé vào một nhà dân, chúng tôi thấy một cụ già đang ngồi nhìn nước ngập với vẻ rầu rĩ. Bà tên Nguyễn Thị Giàu 71 tuổi, bà kể: “Hồi khuya tôi thức gần trắng đêm để canh nước. Tôi phải chèn mấy lỗ thoát nước xung quanh sân lại, chứ nếu không đã ngập nhà rồi”. Bà Giàu chỉ tay vào con đường nhựa ngang nhà cho biết, những năm trước, khi con đường này còn là đường đất đỏ, mỗi lần mưa là nước tràn qua mặt đường rồi chảy xuống cống. Nhưng từ khi con đường được nâng cấp, trải nhựa, hai bên đường không có mương thoát nước nên nước ứ đọng lại, nhiều khi đến hai, ba ngày mới cạn. Có người đi xe gắn máy qua đây bị trượt té, trẻ em đi học khó khăn. Bà nói tiếp: “Trong những lần tiếp xúc cử tri ở xã, tôi đã có kiến nghị, xin xã đứng ra làm mương, cống thoát nước hai bên đường, người dân chịu đóng góp kinh phí, nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì thay đổi”.
Trường Mẫu giáo Vàng Anh ở ấp Ninh Hoà thuộc xã Ninh Thạnh, Thị xã cũng đang vất vả đối phó với nước. Chiều ngày 10.9, khi chúng tôi đi ngang, thấy cổng trường, sân trường đầy ắp nước. Các em học sinh đang trong giờ ra chơi nhưng chỉ biết ngồi trong hành lang buồn bã nhìn những con thú nhún, giàn đu quay bị dìm trong nước.
Cổng trường, sân trường Mẫu giáo Vàng Anh đầy ắp nước. |
Ban giám hiệu phải thuê người đào mương, đặt cống thoát nước cho trường. Cô Nguyễn Thị Sương, Hiệu trưởng trường cho biết: “Những năm trước, ít khi sân trường bị ngập nước như thế này. Nhưng từ khi con đường Điện Biên Phủ chạy ngang trước cổng trường được nâng cấp và Trường TH Duy Tân ở cạnh bên đổ đất cao lên thì nước mưa bị ứ lại, không lối thoát. Sân trường cũng đã được nâng cấp nhưng nước vẫn không thoát được. Bây giờ phải thuê người đào mương, đặt cống dẫn nước ra xa mới hy vọng hết ngập, chứ để nước mưa ứ đọng trong sân trường như thế này, học sinh không được ra sân chơi và đồ chơi cũng dễ bị rỉ sét”.
Qua thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập cục bộ ở các địa phương như đã nêu là do các đường giao thông được làm quá cao mà lại không lắp đặt hệ thống cống thoát nước hợp lý. Thiết nghĩ, đây là vấn đề thuộc trách nhiệm của ngành chức năng khi tiến hành thi công các con đường.
ThẢo Nguyên – ViỆt Đông