BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nghĩa tình của những người lính ở tiểu đoàn 14

Cập nhật ngày: 13/07/2009 - 02:38

Binh nhất Phạm Minh Tú- chiến sĩ Tiểu đoàn 14

Người đầu tiên chúng tôi gặp là binh nhất Phạm Minh Tú. Cha mất sớm khi Tú mới 6 tuổi. Gánh nặng gia đình đè nặng lên vai mẹ Tú. Tần tảo, hy sinh, chịu khó mẹ của Tú đã vắt kiệt sức mình để cho ba đứa con được ăn học. Vì gia cảnh quá khó khăn, Tú đành phải nghỉ học để đỡ đần phụ mẹ. Hằng ngày, Tú cùng mẹ rong ruổi khắp các chợ với cái nghề bán quần áo để nuôi mấy em. Từ ngày Tú nhập ngũ, mẹ càng vất vả hơn.

Tú tâm sự: “Vì nhà không dư dả, nên em sống cực khổ từ nhỏ quen rồi. Nay nhập ngũ, được quân đội lo cho mọi thứ từ cái ăn đến cái mặc, những đồng tiền phụ cấp em cố gắng tiết kiệm chỉ giữ lại một ít để mua những thứ thật cần thiết, còn bao nhiêu em gửi về cho mẹ”. Tháng rồi, nhận phụ cấp được 290 ngàn đồng, Tú gửi về cho mẹ 200 ngàn. Mỗi lần lên thăm, thấy con mình được sống trong một môi trường tốt, lại nhận được số tiền tiết kiệm của con, mẹ Tú vừa mừng, vừa tủi. Những gia đình khác lên thăm con, bao giờ cũng cho con mình thêm tiền để tiêu vặt, còn chị lại được con cho tiền.

Ngô Trung Kiên, sinh năm 1989, nhập ngũ đợt 1 năm 2009, quê ở xã Suối Ngô, huyện Tân Châu. Ngày Kiên nhập ngũ, để lại phía sau bao lo toan cho người vợ trẻ mới cưới. Giờ thì binh nhất Kiên đã được làm cha vì vợ vừa sinh một bé trai. Kiên kể: “Em đã gửi tiền phụ cấp của mình về nhà để vợ mua những thứ cần dùng cho bé”. Những đồng tiền tuy ít ỏi nhưng đã giúp Kiên thấy hạnh phúc khi được thể hiện tình yêu thương của mình với vợ con.

Đến Đại đội 1, chúng tôi còn được biết thêm một câu chuyện cảm động khác về tấm lòng hiếu thảo. Đó là câu chuyện về binh nhất Phan Văn Trung- quê ở xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng. Anh em trong trung đội 7 lấy Trung làm tấm gương để noi theo. Trung không giấu được sự xúc động khi kể: “Nhà em khó khăn lắm, mẹ bệnh phổi, ba bị tai nạn đến giờ vẫn chưa lành, đi phải chống gậy. Vùng quê nghèo khó làm ra đồng tiền không phải chuyện dễ. Từ khi nhập ngũ đến giờ, tháng nào nhận phụ cấp, em cũng gửi về nhà, để ba có tiền mua thuốc”.

Nguyễn Minh Lý, quê ở Long Khánh (Bến Cầu) cũng đồng cảnh ngộ như Tú, Kiên và Trung. Nhập ngũ, Lý thương cho mấy đứa em ở nhà cực nhọc mà ba mẹ thì không khá giả gì. Nhà 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào 5 công đất. Ba mẹ Lý hết còng lưng ở cánh đồng nhà mình phải đội nắng chặt mía, tỉa đậu cho người ta để có tiền lo cho các con ăn học. Thương ba mẹ, Lý đã cố gắng phấn đấu học tập, công tác tốt và tiết kiệm chi tiêu để gửi tiền về cho hai em mua sách vở đỡ đần gánh nặng cho ba mẹ.

4 anh lính, 4 câu chuyện cảm động, khiến cho chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Mỗi quân nhân ngoài chế độ ăn theo tiêu chuẩn, chỉ có khoản phụ cấp ít ỏi chưa đầy 300.000 đồng, ngoài ra không còn khoản nào khác. Muốn san sẻ gánh nặng với gia đình, các anh phải thật gói ghém, tiết kiệm. Ở tiểu đoàn 14, chuyện những người lính gởi những đồng tiền nhỏ bé tiết kiệm được cho các quỹ cứu trợ, ngày vì người nghèo đã không còn là chuyện hiếm.

Chúng tôi chợt nhận ra rằng: các anh bộ đội Cụ Hồ trên đất Tây Ninh mình thật sự đáng khâm phục về ý chí và nghị lực. Tiết kiệm- học tập và làm theo gương Bác phải từ những việc làm cụ thể như vậy.

Hồng Thanh