BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người phụ nữ biến không thành có

Cập nhật ngày: 26/02/2010 - 10:19

Có gặp gỡ, có tiếp xúc, mới thấy được sự mạnh mẽ bên trong người phụ nữ ấy. Hơn 20 năm về trước, không một ai có thể tin rằng cô – người phụ nữ yếu đuối gốc thành thị chỉ biết ở nhà nấu cơm, chờ chồng đi làm mang tiền về nuôi lại có thể làm được những việc như cô đã làm. Cô đã thay đổi cả cái nhìn của mọi người về mình.

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1989 khi chồng cô- chú Nguyễn Văn Thắng bỗng bị tai biến, nằm một chỗ, không làm được việc gì. Của cải được gầy dựng trước đây dần đội nón ra đi vì bệnh tật. Hai bàn tay trắng, một người chồng bệnh tật, một mẹ chồng già nua và một nách ba đứa con thơ dại đè nặng tâm trí cô. Cảnh nhà khó khăn, cộng với những điều tiếng không hay từ hàng xóm và phía gia đình chồng, cô chỉ biết khóc tủi phận mình sao bạc phước. Nhưng rồi với ý nghĩ: “phải tự làm cái gì đó chứ không lẽ ôm nhau mà chết đói”, người phụ nữ hơn 30 tuổi, còn đầy xuân sắc ấy đã đứng lên để làm nên một cuộc thay đổi.

Hai bàn tay trắng, công việc cô chọn là đi mót phân ngoài đồng để trồng 2 công bắp. Đất đai khô cằn, cây cần nước tưới, một mình cô tay yếu, chân mềm tự đào 8 cái giếng. Chú Thắng kể bằng giọng đầy thán phục người vợ của mình: “Một mình bả làm tất cả, từ đào đất cho đến vét bùn. Rồi sau đó là xách nước tưới bằng tay”. Mùa bắp đầu, cô bán được 70 ngàn đồng. Từ số tiền đó, cô mua hai con heo về nuôi, gầy dựng nên cơ nghiệp. Hiện nay, với một ao nuôi cá tra, cá chép, điêu hồng, mỗi năm cô thu về trên 30 triệu đồng cộng thêm hàng trăm con vịt cho lãi 10 triệu đồng/tháng, chưa kể, còn có heo, gà, bò cũng cho thu nhập đều đều và 1 mẫu ruộng 3 vụ đem lại thu nhập cả chục triệu đồng một năm. Gia đình cô hiện đủ đầy tiện nghi các thứ.

Cô Đặng Thị Thu Ba bên ao cá nhà mình.

Để có được thành quả ấy, cô đã phải trải qua những năm tháng chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, hết việc ngoài đồng lại việc trong nhà- lo chăm sóc gia đình, chồng con. Cô tâm sự: “Lúc đầu chỉ tính làm thử, vì sợ lỗ. Nếu thấy được thì sẽ làm thêm. Có lẽ nhờ trời thương nên công việc cũng được suôn sẻ cho đến ngày nay”.

Bây giờ cô đã có thể tự làm chủ “công nghệ” của mình và rất có kinh nghiệm trong sản xuất, trở thành “cố vấn” cho nhiều người trong vùng, trong đó không ít người là đàn ông. Người phụ nữ ấy vẫn không thôi khát vọng “còn sức thì còn làm”. Hiện cô đang ấp ủ kế hoạch lập một trang trại chăn nuôi “ra trò” trong thời gian tới. Cái khó bây giờ là vốn, cô đang ra sức xoay xở để biến kế hoạch làm giàu thành hiện thực.

Dù bận rộn làm kinh tế gia đình nhưng cô cũng dành thời gian tham gia công tác xã hội. Với uy tín của mình, cô đã trở thành trợ thủ đắc lực cho Hội Phụ nữ xã trong công tác vận động chị em phụ nữ thành lập quỹ góp vốn xoay vòng, tạo cơ hội cho nhiều chị em có vốn làm ăn thoát nghèo. Cô cho biết “cũng nhờ sự động viên của ông xã tui mà tui có thể làm tốt mọi việc, từ việc nhà cho đến việc xã hội. Mình làm thì ổng tính và chỉ bảo thêm chứ mới đầu tui có biết làm gì đâu. Về công tác xã hội thì ổng bảo tham gia nhiều cho hiểu biết nhiều”.

Cho đến tận bây giờ thì cuộc sống của vợ chồng cô vẫn đầm ấm sau bấy nhiêu năm gắn bó cùng nhau. Chú Thắng nói với vẻ tự hào về người phụ nữ của đời mình: “Thiệt tình, khó kiếm người vợ như vậy lắm. Vừa giỏi, vừa có tình, có nghĩa, cùng tui vượt qua những lúc khó khăn nhất”. Với cuộc sống hiện tại cô cảm thấy thoải mái vì “Làm việc xong thì nghỉ. Rảnh thì tham gia công tác xã hội”. Cuộc sống của gia đình cô hiện đã khá hơn với thu nhập ổn định, con cái đã lớn. Chồng cô, bệnh tình cũng đã thuyên giảm, có thể tự mình đi lại được. Người phụ nữ kiên cường, mạnh mẽ, biết “biến không thành có” ấy chính cô là Đặng Thị Thu Ba, Chi hội phó Chi hội phụ nữ ấp Bình Trung, xã Bình Minh, Thị xã.

NGÔ TUYẾT