BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người phụ nữ dám nghĩ, dám làm

Cập nhật ngày: 31/12/2010 - 10:19

Chị Lâm Thị Có, SN 1967, ngụ tại ấp Phước Hội, xã Phước Ninh, DMC, là một cán bộ làm công tác vận động quần chúng khá năng động, sáng tạo, được người dân xã Phước Ninh tin yêu, mến phục. Năm 1998, chị Có được chị em phụ nữ tín nhiệm cử  làm tổ trưởng phụ nữ, rồi chi hội trưởng và được bầu vào Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã. Tháng 4.2008, chị Có được đại hội Nông dân bầu giữ nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Ninh.

Hoàn cảnh gia đình nghèo, không có đất đai sản xuất, nghề nghiệp không có phải đi làm mướn kiếm sống, nên chị Có rất cảm thông với hoàn cảnh nghèo khó của những người cùng cảnh ngộ. Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, chị Có không ngừng tham khảo, học hỏi và tranh thủ sự đồng tình của cấp trên để tìm ra giải pháp mới cho phong trào nông dân ở địa phương.

Lâm Thị Có (thứ 2 bên phải) đang hướng dẫn người dân sử dụng máy se nhang

Nhận thấy nông dân hầu hết không có nghề ổn định, việc trồng trọt, chăn nuôi hoàn toàn từ kinh nghiệm, nên năng suất, chất lượng thấp và nhất là không có đầu ra, sản phẩm bị thương lái ép giá, chị Có đã mạnh dạn đề xuất các phương án dạy nghề, thành lập tổ hợp tác, lập các dự án vay vốn giải quyết việc làm. Đến nay, Hội Nông dân xã Phước Ninh đã hình thành được 3 làng nghề và 1 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn. Làng nghề nuôi ba ba được hình thành từ một, hai hộ dân ban đầu, nay đã có 30 gia đình tham gia, với tổng đàn ba ba lên đến gần 100.000 con, và đã tự sản xuất được con giống. Làng nghề đan lát có 38 hộ tham gia, và làng nghề se nhang từ chỗ vài người đi se nhang mướn, đến nay đã có 61 hộ tham gia. Tổ hợp tác trồng bông thiên lý làm rau an toàn thu hút 46 hộ đăng ký tham gia. Tất cả các nghề trên hoàn toàn là những nghề mới được nông dân Phước Ninh chấp nhận đưa vào sản xuất. Các làng nghề đã giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động, nhất là những hộ nghèo. Sản phẩm từ các làng nghề đều được ký kết hợp đồng, có đầu ra ổn định, từ đó nhiều gia đình đã thoát nghèo, một số hộ còn vươn lên làm giàu. 

Để có nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân, chị Có đã chủ động đề xuất việc thành lập các dự án, chủ động quan hệ với các ngành, kể cả việc vận động các mạnh thường quân ủng hộ vốn cho phong trào nông dân. Ngoài ra, chị Có còn tìm hiểu các mô hình hay ở các địa phương khác, hoặc “lướt nét” để tìm hiểu, tiếp cận thông tin về sản xuất, chăn nuôi để truyền đạt lại cho bà con nông dân ở xã. Hiện tại, Hội Nông dân xã đang quản lý 4 dự án hỗ trợ nông dân, tổng cộng gần 1 tỷ đồng và đang tiếp tục hoàn chỉnh 3 dự án mới.

Năng động, trung thực, thẳng thắn, hết lòng vì phong trào nông dân, vì người nghèo, chị Có được quần chúng nhân dân tin yêu, mến phục. Năm 2009, chị Có là tấm gương tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo gương Bác, được tỉnh khen thưởng. Năm 2010, chị lại nhận được Bằng khen của tỉnh với thành tích làm công tác “Dân vận khéo”. Hiện nay, chi bộ Đảng đang hoàn tất hồ sơ đề nghị kết nạp chị Có vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

HIỀN LƯƠNG