BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phòng ngừa tai nạn lao động: Khó - Nếu không cộng đồng trách nhiệm

Cập nhật ngày: 26/03/2009 - 09:01

Cẩn thận trong lao động không bao giờ thừa

Theo đánh giá của ngành chức năng tại cuộc hội thảo về “tai nạn lao động- nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa”, diễn ra vào ngày 24.3 vừa qua tại Liên đoàn Lao động tỉnh Tây Ninh, hiện vẫn còn một số cơ sở sản xuất kinh doanh chưa thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ), điều kiện làm việc của người lao động vì thế vẫn chưa được cải thiện, tình trạng mất an toàn và những nguy cơ xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp trong lao động, sản xuất có chiều hướng gia tăng.

Theo thống kê, trong 5 năm (2004-2008) toàn tỉnh đã xảy ra 93 vụ TNLĐ nặng, làm 102 người bị nạn, trong đó có 18 người chết và 21 người bị thương nặng, thiệt hại tài sản ước tính hàng tỷ đồng. (Riêng năm 2008 đã xảy ra 16 vụ làm 18 người bị nạn, trong đó có 7 người chết, 3 người bị thương nặng). Phần lớn các vụ TNLĐ xảy ra là do vi phạm quy trình, biện pháp làm việc an toàn (chiếm tỷ lệ 60%), kế đến là không có quy trình vận hành và xử lý sự cố (20%), điều kiện làm việc không an toàn (5%) và một số nguyên nhân khác. Những ngành nghề xảy ra TNLĐ nhiều nhất là xây dựng hoặc liên quan đến xây dựng (chiếm 30%), sử dụng điện và liên quan đến điện (20%), sản xuất công nghiệp, cơ khí (20%), giao thông vận tải, sử dụng hoá chất (7,01%). Khu vực kinh tế tư nhân luôn là nơi để xảy ra các vụ TNLĐ nặng, TNLĐ chết người cao hơn so với khu vực kinh tế Nhà nước.

Tại cuộc hội thảo nói trên, các đại biểu đều cho rằng: để xảy ra TNLĐ phần lớn là do ý thức của người sử dụng lao động còn yếu. Năm 2008, có đến 50% số vụ TNLĐ xảy ra là do nguyên nhân này. Nhiều chủ sử dụng lao động ngại đầu tư cho ATVSLĐ vì sợ tốn kém. Theo quy định, các doanh nghiệp phải thành lập hội đồng bảo hộ lao động (BHLĐ) nhưng nhiều doanh nghiệp không chịu thực hiện, hoặc có thành lập nhưng chỉ là hình thức. Nhiều doanh nghiệp không cử người làm công tác BHLĐ, không xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên, hoặc có nhưng không tạo điều kiện để hoạt động. Việc lập kế hoạch BHLĐ trong quá trình sản xuất là một yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp đã bỏ qua, hoặc lập kế hoạch mà không theo đúng hướng dẫn. Công tác tự kiểm tra về BHLĐ nhằm phát hiện, khắc phục kịp thời các thiếu sót về ATVSLĐ thường bị các doanh nghiệp xem nhẹ. Đại diện Phòng Cảnh sát- PCCC Công an Tây Ninh đã báo động: hiện nay tại các khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp khi xây dựng, cơi nới nhà xưởng thường không đảm bảo vấn đề phòng chống cháy nổ, tận dụng các khoảng trống nhà xưởng làm các nhà kho, bãi chứa nguyên vật liệu.

TNLĐ xảy ra còn do từ phía người lao động. Phần đông người lao động gốc là nông dân, trình độ văn hoá hạn chế, tính kỷ luật thấp, chưa được đào tạo nghề trước khi được tuyển dụng vào làm tại các doanh nghiệp. Khi vào làm, họ cũng chỉ được dạy nghề theo kiểu kèm cặp. Một số doanh nghiệp lại bố trí công việc không phù hợp làm cho người lao động khó nắm bắt được kỹ thuật vận hành máy móc, thiết bị, điều này rất dễ dẫn đến TNLĐ.

Cấp cứu một trường hợp bị tai nạn lao động.
Ảnh: Hoàng Anh

Các ý kiến tham gia hội thảo cũng nhận định rằng hiện nay, công tác quản lý Nhà nước về BHLĐ còn nhiều bất cập, trong đó công tác thanh kiểm tra, giám sát chưa sâu sát, chưa thường xuyên, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Hoạt động của tổ chức công đoàn ở một số doanh nghiệp hiện nay chưa phát huy hết vai trò bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tính đến cuối năm 2008, toàn tỉnh Tây Ninh có gần 118.000 công nhân viên chức lao động, trong đó khối doanh nghiệp có hơn 90.000 lao động. Ngoài ra, có khoảng 30.000 lao động làm việc trong 1.252 cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ chưa có tổ chức Công đoàn.

Từ một số nguyên nhân trên cho thấy, việc giảm thiểu số vụ TNLĐ là một vấn đề khó, nếu không có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, các tổ chức, nhà sản xuất cũng như người lao động.

Kim Ngân