BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sân Cu hôm nay

Cập nhật ngày: 26/09/2014 - 04:19

Thi công nâng cấp đường Sân Cu.

Ông Trần Hoàng Hưng- trưởng ấp Sân Cu cho biết, trước đây cánh đồng này là vùng trũng chỉ trồng được một vụ lúa cho năng suất không cao. Từ ngày có đường giao thông, điện lưới quốc gia, kênh mương thuỷ lợi vào đến ruộng đồng, việc sản xuất nông nghiệp của bà con trong ấp trở nên thuận lợi hơn.

Ngoài lúa, mì, bà con nông dân còn trồng xen canh các loại rau màu để cung cấp cho chợ Long Hoa và các chợ khác. Hiện nay, đời sống người dân ấp Sân Cu đã từng bước thay đổi, nhiều ngôi nhà tường mới mọc lên; các công ty, xí nghiệp hình thành, mở ra cơ hội việc làm cho lao động nông thôn. Nếu như trước đây, Sân Cu chỉ có vài chục hộ sinh sống thì nay đã lên đến 185 hộ, với 817 nhân khẩu trong đó có 7 hộ giàu và chỉ còn 5 hộ nghèo theo chuẩn của trung ương.

Gia đình ông Nguyễn Văn Điểm, 44 tuổi, đến vùng đất Sân Cu từ năm 1978. Những ngày đầu mới đến, cuộc sống gia đình ông rất khó khăn vì nhà chỉ có 5 công đất trồng lúa cha mẹ chia cho, năng suất không cao. Năm 1996, ông Điểm chuyển sang trồng các loại rau màu như dưa leo, bầu, bí, khổ qua…

Ông chịu khó mày mò nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông đã mua thêm 5 công đất để mở rộng sản xuất và mua bò về nuôi. Bản tính cần cù, chịu khó, chỉ một thời gian sau ông Điểm đã có tích luỹ, xây được ngôi nhà khang trang trị giá trên 200 triệu đồng. Những năm gần đây, ông Điểm chuyển sang trồng khoai môn và bắp trái, thu nhập trung bình hơn 100 triệu đồng/năm.

Ở ấp Sân Cu còn có anh Nguyễn Thành Lầm, năm nay 42 tuổi, anh được xem như một “đại gia” đã vươn lên từ hai bàn tay trắng. Với 2,5 công ruộng ban đầu cha mẹ cho, anh Lầm cùng vợ là chị Trần Thị Nến trồng đồ hàng bông, trồng mì, chăn nuôi trâu bò, bên cạnh đó vẫn đi làm thuê, làm mướn. Nhờ chịu khó làm lụng, biết học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, anh Lầm đã thành công- cây trồng phát triển rất tốt, đem lại lợi nhuận cao.

Hai vợ chồng tích luỹ dần để mua thêm ruộng đất và sắm máy cày phục vụ sản xuất. Năm 2005, vợ chồng anh Lầm đã xây nhà mới, đồng thời phát triển thêm gần 5 mẫu đất trong đó có 4 mẫu trồng cao su, còn lại trồng lúa, mì và hoa màu. Ngoài ra anh Lầm còn thuê 7 mẫu đất ở khu vực hồ Dầu Tiếng để trồng mì. Ước tính tổng giá trị tài sản của vợ chồng anh hiện hơn 6 tỷ đồng.

Theo dân gian, vùng đất Sân Cu xưa chỉ là một gò đất nổi lên giữa vùng trũng, trên gò là một cây da cổ thụ có rất nhiều chim cu đến trú ngụ, sinh sản, tạo ra một khoảng sân rộng nên được gọi là Sân Cu. Sau năm 1975, Sân Cu vẫn như một ốc đảo biệt lập với bên ngoài, chỉ có một lối mòn nhỏ hẹp mùa mưa thường lầy lội, đi lại rất khó khăn.

Năm 2000, Đảng uỷ, chính quyền xã Long Thành Bắc lập đề án vận động bà con địa phương đóng góp làm đường giao thông, cộng thêm sự hỗ trợ của huyện, con đường đã được nâng cấp thành đường sỏi đỏ. Điện lưới quốc gia cũng được kéo về.

Sân Cu không còn bị cô lập, dần hình thành khu dân cư. Hiện nay, con đường sỏi đỏ ngày nào đã được mở rộng và trải nhựa, tạo thuận tiện cho bà con nông dân trong việc vận chuyển nông sản. Ngoài trồng trọt, chăn nuôi, người dân ấp Sân Cu còn có hợp tác xã bánh tráng cho thu nhập bình quân 360 triệu đồng/năm và hợp tác xã rau an toàn thu nhập 384 triệu đồng/năm, góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống của người dân trong ấp.

Hiện 100% hộ dân trong ấp Sân Cu có điện sinh hoạt, có các công trình vệ sinh kiên cố; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng được kéo giảm còn dưới 0,5%. Hộ nghèo được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình.

Những hộ gặp khó khăn nhà ở được xây tặng nhà đại đoàn kết để ổn định cuộc sống. Đất lành chim đậu, Sân Cu ngày nay đã khác xưa, thật sự thay da đổi thịt, dân cư ngày càng đông đúc. “Ốc đảo” ngày nào nay đã trở nên mát mắt bởi từng mảng xanh của ruộng lúa, hoa màu. Người dân Sân Cu đã và đang tích cực lao động sản xuất, chung tay cùng chính quyền địa phương trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn An