BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thanh Điền: Dân “lúng túng” vì vướng quy hoạch

Cập nhật ngày: 25/04/2011 - 08:14

“Cái nhà đã hư hỏng, dột nát, muốn sửa chữa lại vì mùa mưa đang về, nhưng lại không thể làm được vì nhà của tui có thể phải di dời để Nhà nước xây nhà máy” -  bà Lê Thị Ngọc Lan, ngụ ấp Thanh Thuận, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành than thở. Cùng cảnh ngộ với bà Lan còn rất nhiều người dân sống ở ấp Thanh Thuận cũng đang mang tâm trạng “tiến thoái lưỡng nan” như thế.

Gia đình bà Nguyễn Thị Trắng vay tiền để làm ăn, do thua lỗ nên hiện không còn khả năng trả nợ. Bà muốn bán một phần đất để thanh toán nợ nhưng ngặt là không ai mua do đất nằm trong quy hoạch. Bà Trắng cho biết, bà có cho người cháu ngoại một phần đất nhưng không tách hộ được, cũng có nghĩa là không làm được “sổ đỏ”. Không riêng gì hộ nhà bà Trắng, một số hộ khác khi làm ăn gặp khó khăn, phải vay tiền lãi suất cao trả nợ, sau đó lại vay số tiền lớn hơn để trả nợ cũ. Chẳng hạn như bà Nguyễn Thị Phước, cách nay khá lâu, bà vay 10 triệu đồng mua bò về nuôi. Nuôi được một thời gian, bò bị bệnh, phải bán với giá rẻ. Bò mất nhưng nợ còn. Hằng ngày bà Phước nai lưng làm thuê, cuốc mướn để có tiền trả lãi. Còn nợ gốc muốn trả được phải bán đất, nhưng đất không bán được!

Hoàn cảnh gia đình anh Nguyễn Văn Sáu có thể nói là khó khăn nhất ấp Thanh Thuận. Anh bị tai biến mất sức lao động, vợ anh là lao động chính trong nhà. Chị đi làm xí nghiệp kiếm 40.000 đồng/ngày, nuôi chồng và 2 con đang tuổi ăn, tuổi học. Vào thời điểm anh bị tai biến, gia đình có vay ngoài 4 triệu đồng để chữa bệnh. Số lãi phải trả hằng tháng là 400.000 đồng, quá lớn so với thu nhập từ đồng lương công nhân của chị Sáu. Hai vợ chồng có 1.600 mét vuông đất, định bán một ít để trả nợ nhưng bán không được vì không ai dám mua. Là hộ nghèo theo chuẩn Trung ương, vừa qua, anh Sáu được chính quyền địa phương khảo sát để xây cho một căn nhà tình thương nhưng cũng không thể xây dựng.

Nhà cửa của người dân hư hỏng nhưng chưa dám sửa chữa

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, khoảng 140 hộ dân của ấp Thanh Thuận và khoảng hơn 50 hộ khác của ấp Thanh Sơn (xã Thanh Điền) đang sống trong khu vực cụm công nghiệp Thanh Điền. Cụm công nghiệp này được hình thành từ năm 2003. Đến năm 2007, có một nhà đầu tư người nước ngoài đến đầu tư nhà xưởng để sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu. Sau khi nhà máy này đi vào hoạt động được một thời gian, nhà đầu tư nọ xin tiếp tục mở rộng mặt bằng. Để thực hiện dự án này, hàng trăm hộ dân đang sinh sống trong khu vực quy hoạch mở rộng mặt bằng sẽ đi nơi khác. Tổng số tiền đền bù giải toả theo dự kiến là 182 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo lời một vị lãnh đạo UBND huyện Châu Thành cho biết, nhà đầu tư cho rằng giá đền bù như thế là quá cao nên đã gửi văn bản đề nghị cho phép được trực tiếp thương lượng với người dân. Tháng 11.2010, UBND huyện Châu Thành đã có công văn gửi UBND tỉnh và Sở Kế hoạch – Đầu tư để xin ý kiến chỉ đạo. Trong công văn, UBND huyện cũng kiến nghị, để tránh tình trạng dự án rơi vào “quy hoạch treo” hoặc công tác bồi thường giải toả kéo dài, tỉnh cần quy định rõ thời gian bồi thường và đánh giá, xem xét kỹ năng lực tài chính của nhà đầu tư trước khi triển khai dự án. Hiện nay, UBND huyện và nhà đầu tư vẫn đang chờ chủ trương của tỉnh.

 Do sống trong vùng quy hoạch nên tâm trạng của người dân ở đây đang rất bất an. Trò chuyện với họ, chúng tôi được biết bà con đang rối bời, thấp thỏm và thường trực một nỗi lo: không biết dự án của nhà đầu tư khi nào sẽ được triển khai hay lại rơi vào “quy hoạch treo”? Nhiều người cho biết, họ đã được cán bộ xã nhắc nhở về 4 điều không được làm trong lúc này: không trồng cây lâu năm, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không chuyển nhượng và không xây nhà. Hiện nay, hầu như gia đình nào ở tổ 7, 8, 9 của ấp Thanh Thuận và ấp Thanh Sơn cũng đang mắc nợ, không nhiều thì ít. Có những gia đình chỉ nợ có vài triệu bạc nhưng không thể trả được nợ gốc nên ngày ngày vẫn phải trích từ khoản tiền làm thuê cuốc mướn còm cõi ra để trả lãi. Cái vòng luẩn quẩn, lúng túng nợ chồng lên nợ, lãi chồng lên lãi đã làm cho một bộ phận người dân bị bần cùng hoá. Mong muốn của bà con là chính quyền các cấp tích cực xem xét, giải quyết vấn đề đền bù, giải toả để họ sớm ổn định cuộc sống. Còn nếu như nhà đầu tư, vì một lý do nào đó không thực hiện được dự án thì có thể xem xét rút giấy phép đầu tư để người dân có kế hoạch sản xuất, làm ăn, ổn định đời sống.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cấp, ngành có trách nhiệm của tỉnh cũng nên có câu trả lời rõ ràng, thoả đáng cho những người dân đang sinh sống trong vùng quy hoạch nói trên. Dự án có thực hiện hay không? Bao giờ thực hiện? Bao giờ tiến hành đền bù, giải toả? Mức đền bù cụ thể ra sao? Đó là những vấn đề mà bà con đang nóng lòng muốn biết để có thể tự sắp xếp lấy cuộc sống của mình trong thời gian tới.

“Kể từ khi có dự án mở rộng diện tích cụm công nghiệp đến nay, họp cử tri lần nào, bà con cũng kêu ca làm cán bộ địa phương nhức đầu lắm” – một cán bộ xã Thanh Điền than thở!

VIỆT ĐÔNG