Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vài suy nghĩ về “kỷ luật tích cực”

Cập nhật ngày: 22/10/2015 - 12:00

Hiện nay, biện pháp “kỷ luật tích cực” đang được khuyến khích thực hiện nhưng xem ra nhiều trường học vẫn còn khá lúng túng với vấn đề này.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, kỷ luật tích cực là động viên, khuyến khích, hỗ trợ, nuôi dưỡng lòng ham học dẫn đến ý thức kỷ luật một cách tự giác, nâng cao năng lực và lòng tin của học sinh vào giáo viên; nhiệm vụ quan trọng của nhà giáo dục là làm thế nào để học sinh nhận thức được bản thân, tự kiểm soát hành vi, thái độ, qua đó thể hiện sự chủ động trong việc tự thay đổi bản thân, phát huy các giá trị tích cực của mình.

Do vậy, các hình thức “trừng phạt” thô bạo, gây tổn thương thể xác (thông qua đòn roi) hoặc tổn thương tinh thần (mắng nhiếc, hạ nhục…) cho học sinh không phải là lựa chọn của các nhà giáo dục muốn thực hiện “kỷ luật tích cực”.

Quan sát các hoạt động diễn ra trong môi trường học đường hiện nay thì thấy rằng việc kỷ luật bằng đòn roi của người thầy dành cho học trò có giảm đi đáng kể, trừ một số trường hợp ngoại lệ như bảo mẫu hành hạ các cháu tuổi mầm non mà báo chí đã không ít lần đề cập.

Trái lại, những hành vi gây thương tổn tinh thần học sinh (nói nặng, quát mắng, nhục mạ trước đám đông) thì vẫn thường diễn ra. Các câu nói kiểu như “Em không học thì nghỉ đi cho người ta nhờ”, “Cái đầu em có vấn đề gì không?” hoặc đại loại những lời nặng nề kiểu như thế vẫn còn không ít thầy cô sử dụng.

Không thể phủ nhận áp lực đè lên vai giáo viên rất lớn. Thực tế diễn ra tại một lớp học cũng muôn hình vạn trạng, ví dụ: học sinh nói chuyện nhiều lần, chọc phá bạn, cố tình làm trái yêu cầu của giáo viên… khiến người thầy đôi khi khó có thể kiểm soát được lời lẽ của mình, dễ bật ra những lời nói mang tính chất… bộc phát.

Bản thân học sinh, nhiều em do quen được gia đình cưng chiều, nên tỏ ra xem thường nề nếp, nội quy nhà trường khiến cho những nhà giáo dục (trực tiếp là giáo viên chủ nhiệm lớp) nhiều phen lao đao, khốn đốn. Có một dạo việc kỷ luật học sinh bằng hình thức lao động được xem là giải pháp không thể thiếu trong giáo dục học sinh.

Thường, những học sinh vi phạm, tuỳ vào mức độ nặng hay nhẹ của hành vi gây ra lỗi mà giáo viên cho trực nhật lớp, nhặt rác ở sân trường hoặc có em còn được giao dọn hố rác của nhà trường. Dần dà về sau, việc kỷ luật bằng hình phạt lao động chân tay được thay thế bằng hình thức… phạt tiền.

Phạt bằng lao động hay bằng tiền đều có những nhược điểm của nó. Có người cho rằng phạt tiền thì học sinh sẽ tập cách dùng tiền để… chuộc lỗi! Đến khi nhận thức được tác dụng, ý nghĩa của “kỷ luật tích cực”, nhiều trường học đã đề ra giải pháp là cho học sinh tự thống nhất với nhau về mức phạt sẽ nhận nếu như vi phạm lỗi nào đó trong thực hiện nội quy nhà trường, lập thành biên bản lưu giữ tại lớp học để cùng thực hiện (tất nhiên có những lỗi vi phạm nghiêm trọng như tổ chức đánh nhau thì hội đồng kỷ luật của trường sẽ xử lý).

Dưới sự chủ trì của giáo viên chủ nhiệm, có lớp học đã thống nhất biện pháp xử lý đối với “lỗi” không học bài cũ của học sinh như sau: lần thứ nhất- trừ điểm hành vi đạo đức theo quy định nhà trường. Lần thứ hai- mời phụ huynh học sinh.

Lần thứ ba- phụ huynh và học sinh phải viết cam kết. Giải pháp “làm việc với phụ huynh” (mời phụ huynh đến trường) phần nào đó có tác dụng, bởi học sinh rất không muốn cha mẹ biết được những lỗi lầm, thiếu sót của mình ở trường lớp.

Thế nhưng biện pháp trên lại không có tác dụng đối với những học sinh mà cha mẹ bận đi làm ăn xa, không có điều kiện đến trường để bàn bạc trực tiếp về việc học của con em mình (để đối phó, có học sinh đã thuê người khác giả vai người thân của mình đến làm việc với trường).

Dông dài như thế để thấy rằng rất khó tìm một công thức mẫu cho việc kỷ luật học sinh. Tuy vậy, công thức chung của công tác giáo dục vẫn là lấy tình yêu thương làm cơ sở. Trên cơ sở của tình yêu thương, có một giải pháp kỷ luật tích cực đã được thực hiện tại một trường học ở tỉnh bạn mà có lần tôi được chứng kiến; đó là học sinh phải thi hành kỷ luật bằng cách… đọc sách.

Công việc của em này sẽ là đọc một câu chuyện trong một quyển sách (hoặc tờ báo) do bộ phận trợ lý thanh niên của nhà trường yêu cầu và báo cáo lại kết quả đọc ấy.

Riêng tại Tây Ninh, vài năm nay, Sở Giáo dục-Đào tạo có quy định việc đánh giá, xếp loại hạnh kiểm của học sinh phải căn cứ vào kết quả hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp của các em (thông qua việc bộc lộ năng khiếu, thế mạnh bản thân bằng thuyết trình, giao lưu, ca hát, hoá trang… theo chủ điểm quy định của chương trình giáo dục phổ thông).

Quy định là vậy, thế nhưng nhiều trường học vẫn căn cứ phần lớn vào điểm trừ hành vi đạo đức của học sinh để xếp loại. Cách làm này không có tác dụng đánh giá học sinh một cách toàn diện, thậm chí đã có những trường hợp trái khoáy xảy ra: học sinh có học lực giỏi nhưng hạnh kiểm lại yếu (?).

NAM PHƯƠNG


 
Liên kết hữu ích