Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài: Cần được tháo gỡ những vướng mắc

Bài 2: Máy soi trăm tỷ chờ “bến đỗ”  

Cập nhật ngày: 16/05/2022 - 08:41

BTNO - Việc dự án cảng cạn Mộc Bài chậm tiến độ thi công và đưa vào hoạt động vừa không đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, vừa ảnh hưởng đến lộ trình hiện đại hoá công tác hải quan ở cửa khẩu này. Nhà đầu tư đã đưa ra nhiều lý do khiến dự án không được triển khai đúng kế hoạch. Tuy nhiên, hệ quả của việc này cần được giải quyết sớm.

Máy soi container được đưa về cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Chậm do khách quan

Vì sao dự án cảng cạn Mộc Bài chậm tiến độ khá lâu trong khi việc triển khai dự án là cần kíp? Mới đây, trả lời người viết, đại diện Công ty cổ phần Tân Cảng – Tây Ninh (chủ đầu tư dự án) cho biết một số nguyên nhân.

Theo đó, dự án có vị trí đặc thù là một phần diện tích nằm trong đường hành lang biên giới giữa Việt Nam - Campuchia nên có những thay đổi phải xin ý kiến bằng văn bản đến các bộ, ngành Trung ương và nhiều sở, ban, ngành tỉnh. Vì vậy, chủ đầu tư mất nhiều thời gian để chờ các bộ phận phản hồi. Đến tháng 5.2021, dự án được UBND tỉnh đồng ý phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.

“Ngay sau khi UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, chủ đầu tư đã xúc tiến đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Tuy nhiên, thời điểm này, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại các tỉnh phía Nam. Để phòng, chống dịch bệnh, các tỉnh phía Nam (trong đó có Tây Ninh) đã áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg và 16/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, hầu hết các ngành nghề không thiết yếu phải tạm ngưng hoạt động, dẫn đến việc hoàn thiện các thủ tục triển khai dự án chậm hơn so với kế hoạch đã đề ra.

Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào (sắt, đá dăm, nhiên liệu, đất san lấp…) liên tục tăng cao khiến chủ đầu tư phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần. Đặc biệt, nguồn đất san lấp tại địa phương khan hiếm, không đủ nguồn cung, chủ đầu tư buộc phải điều chỉnh phương án lấy đất san lấp từ các địa phương lân cận.

Hiện nay, do có một số nội dung thay đổi trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022 NĐ-CP nên việc đánh giá tác động môi trường của dự án vẫn còn trong giai đoạn xử lý chuyển tiếp. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh vẫn đang xây dựng danh mục, nội dung, thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để trình UBND tỉnh xem xét, thông qua.

Mặt khác, thời tiết năm 2022 diễn biến bất thường, mưa sớm hơn các năm trước nên mặt bằng thi công bị ngập, đọng nước (do nước mưa từ các khu vực lân cận đổ về khu dự án, trong khi tuyến cống thoát nước tại đường Xuyên Á - đoạn qua dự án chưa được đầu tư).

Trước một số khó khăn, vướng mắc trên, chủ đầu tư kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành các danh mục, thủ tục hành chính về việc thực hiện đánh giá tác động môi trường của dự án để có đủ cơ sở trình Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Tây Ninh thẩm định và cấp giấy phép xây dựng cho dự án. Chủ đầu tư cũng kiến nghị Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Tây Ninh sớm triển khai xây dựng đường 6A để kết nối dự án với tuyến đường Xuyên Á, tạo thành hành lang vận chuyển hàng hoá thuận lợi từ dự án đi Campuchia và các khu vực lân cận.

Dự án cảng cạn Mộc Bài đến nay mới được triển khai thi công bước đầu.

Mua “trâu” rồi mới làm “chuồng”

Trước tiến độ chậm chạp của dự án cảng cạn tại cửa khẩu Mộc Bài, ngày 30.3.2022, Cục Hải quan Tây Ninh có văn bản số 442/HQTN-VP gửi Công ty cổ phần Tân Cảng – Tây Ninh về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và yêu cầu về hạ tầng để lắp đặt, đưa vào hoạt động máy soi container.

Nội dung văn bản này cho biết, hiện nay, Tổng cục Hải quan đã mua sắm máy soi container di động Rappiscan Eagle® M60 để trang bị cho Cục Hải quan Tây Ninh đưa vào sử dụng tại dự án bãi tập kết, kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài do Công ty cổ phần Tân Cảng - Tây Ninh làm chủ đầu tư (dự kiến được bàn giao và đào tạo vận hành trong tháng 4.2022). Đồng thời, UBND tỉnh và các sở ngành có liên quan đã có nhiều cuộc họp, làm việc với chủ đầu tư nhằm thực hiện đúng cam kết về tiến độ xây dựng dự án để đưa vào sử dụng khi ngành Hải quan trang bị máy soi container.

Tuy nhiên, qua khảo sát, trao đổi với đại diện chủ đầu tư, Cục Hải quan cho biết hiện trạng thi công (về tiến độ và cấp độ xây dựng hạ tầng) như kế hoạch dự kiến của chủ đầu tư không đáp ứng yêu cầu cho việc triển khai máy soi container. Do việc mua sắm, trang bị máy soi là chủ trương lớn của ngành Hải quan dựa trên nhu cầu của địa phương, Cục Hải quan Tây Ninh đã căn cứ các chỉ đạo của UBND tỉnh, căn cứ vào cam kết mạnh mẽ của chủ đầu tư về tiến độ triển khai dự án và nhu cầu thực tế tại cửa khẩu làm cơ sở đề xuất Tổng cục Hải quan mua sắm trang bị.

Để bảo đảm máy soi container được đưa vào hoạt động, phục vụ công tác soi chiếu, kiểm tra giám sát, Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh đề nghị Công ty cổ phần Tân Cảng - Tây Ninh thực hiện một nội dung như:

 Về tiến độ, máy soi Container di động Rappiscan Eagle® M60 đã nhập khẩu về Việt Nam, ngày 5.4.2022 tập kết tại Bình Dương. Từ ngày 5.4.2022 đến 29.4.2022, Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành vận chuyển đến Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, đào tạo vận hành và thực hiện lễ bàn giao đưa vào sử dụng. Song song đó, Cục Hải quan tiến hành các thủ tục đăng ký lưu hành, xin giấy phép chứng nhận an toàn bức xạ và các vấn đề có liên quan đến việc hoạt động của máy soi container nêu trên. Vì đây là tài sản có giá trị lớn, đơn vị sau khi tiếp nhận phải triển khai hoạt động ngay nhằm đạt hiệu quả tốt, không được chậm trễ. Do đó, chậm nhất đến 30.5.2022 phải đưa vào sử dụng.

Về yêu cầu hạ tầng cho máy soi container hoạt động, diện tích dành cho hoạt động soi chiếu là 2.000 m2 (do phải bảo đảm an toàn bức xạ nên khu vực, phạm vi hoạt động phải riêng biệt, có hàng rào ngăn cách với các khu vực khác). Để bảo đảm cho hoạt động soi chiếu, nhận dạng hình ảnh và các vấn đề kỹ thuật liên quan thì yêu cầu khu vực máy soi vận hành (tiến, lùi) khoảng 800m2 (diện tích ngang 20m, dài 40m, nằm trong 2.000m2 nêu trên), nền bê tông hoặc bê tông nhựa nóng, bằng phẳng, có mái che bằng khung nhà tiền chế hoặc kết cấu tương tự...; có nguồn cấp điện 3 pha từ 70-75 KVA cho máy soi container di động.

Đồng thời, Cục Hải quan đề nghị Công ty cổ phần Tân Cảng - Tây Ninh, ngoài việc xây dựng, bố trí khu vực hoạt động của máy soi Container như đã nêu, còn phải bố trí và xây dựng khu nhà làm việc cho Hải quan bên cạnh bãi kiểm tra soi chiếu container.

Từ những vấn đề nêu trên, Cục Hải quan đề nghị Công ty cổ phần Tân Cảng - Tây Ninh có văn bản xác nhận tiến độ, cấp độ triển khai dự án có đáp ứng yêu cầu cho hoạt động của máy soi container di động hay không? Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày phát hành văn bản số 442, nếu Công ty cổ phần Tân Cảng - Tây Ninh không trả lời hoặc trả lời không thể đáp ứng các yêu cầu nêu trên thì Cục Hải quan sẽ tiếp tục báo cáo UBND tỉnh, đồng thời triển khai tại khu vực khác đáp ứng yêu cầu.

Trong thực tế, đến giữa tháng 5.2022, khu vực cảng cạn Mộc Bài – nơi dự kiến sẽ lắp đặt và đưa vào vận hành máy soi container vẫn chỉ là khu đồng trũng chưa được san lấp, xây dựng, đầu tư hạ tầng theo quy định. Như vậy, sau khi được mua và nhập khẩu về Việt Nam (có giá khoảng hơn 100 tỷ đồng) – “số phận” chiếc máy soi container được đưa về Mộc Bài sẽ ra sao?

Bảo Tâm

Tin liên quan
  • Bài 1: Cửa khẩu chờ cảng cạn 

    Bài 1: Cửa khẩu chờ cảng cạn

    Việc đầu tư và đưa vào hoạt động dự án cảng cạn Tân Cảng - Tây Ninh có liên quan đến yêu cầu thực hiện nhiệm vụ hiện đại hoá công tác hải quan, giúp việc thông quan được thuận lợi, dễ dàng, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục có liên quan của doanh nghiệp.