BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ Tài chính: Trả lời kiến nghị của cử tri Tây Ninh về công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu và khí gas

Cập nhật ngày: 07/12/2009 - 05:54

Cử tri Tây Ninh kiến nghị: “Công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu và khí gas còn bất cập, Nhà nước chưa có biện pháp cần thiết, kịp thời đối với các doanh nghiệp cố tình chậm điều chỉnh giá bán theo thị trường, trong khi sự tác động của những mặt hàng này đối với xã hội và nền kinh tế là rất lớn. Để quản lý chặt mặt hàng này được tốt hơn trong thời gian tới, đề nghị cần quy định rõ hơn trách nhiệm của doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý trong công khai các thông tin về giá cả, mức lãi… để người dân biết. Cần thiết nên quy định khi trừ đi các khoản phí thực tế và thuế, các doanh nghiệp phải giảm giá bán khi đã có lãi trên 100 đồng/ lít (kg)”.

Trả lời kiến nghị này, Bộ Tài chính cho biết: Nguyên tắc điều hành giá xăng dầu, gas trong thời gian qua là áp dụng cơ chế giá thị trường có sự giám sát của Nhà nước: có lên, có xuống theo tín hiệu của giá thị trường thế giới kết hợp đồng bộ với các biện pháp tài chính (thuế nhập khẩu, phí…). Thực hiện chủ trương chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước để bình ổn giá trong nước, tránh những đột biến xảy ra, ảnh hưởng bất lợi cho nền kinh tế. Đối với xăng dầu, sau khi thực hiện cơ chế giá thị trường (năm 2007 đối với xăng, từ ngày 16.9.2008 đối với các loại dầu), chỉ tính từ tháng 7.2008 đến đầu năm 2009, căn cứ vào tín hiệu giá thị trường thế giới, các doanh nghiệp đã thực hiện 10 lần giảm giá xăng, 12 lần giảm giá dầu hoả, 9 lần giảm giá dầu diesel, 5 lần giảm giá dầu mazut… Sau đó, giá thị trường thế giới tăng, Nhà nước đã nhiều lần thực hiện giảm thuế nhập khẩu để bình ổn giá. Chỉ khi các biện pháp trên đã được sử dụng, nhưng giá thị trường thế giới tiếp tục tăng, Nhà nước mới chấp nhận cho các doanh nghiệp: 5 lần điều tăng giá xăng, 4 lần tăng giá dầu hoả, 3 lần tăng giá dầu mazut và 1 lần tăng giá dầu diesel (số liệu đến đầu tháng 9.2010 – BT)…

Tất cả các điều chỉnh giá trên, các doanh nghiệp đều thực hiện theo quy trình, thủ tục đăng ký giá và các quy định về điều chỉnh giá: giá thế giới làm căn cứ để điều chỉnh giá trong nước tăng hay giảm là giá xăng dầu thành phẩm (không phải là giá dầu thô) được tính bình quân 20 ngày trước ngày xác định giá (không tính theo giá thời điểm từng ngày để xác định giá). Trước khi điều chỉnh giá (tăng hoặc giảm) doanh nghiệp đều phải đăng ký giá và được sự chấp thuận của Tổ giám sát liên Bộ Tài chính – Công thương về giá xăng dầu mới được tăng hay giảm giá. Trong suốt thời gian trên, có những thời điểm doanh nghiệp 3 lần đề nghị điều chỉnh tăng giá nhưng liên Bộ không chấp thuận; còn khi giá thế giới giảm, doanh nghiệp chậm đăng ký giảm giá với lý do là để bù đắp phần lỗ khi giá tăng cao chưa được điều chỉnh giá, liên Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp phải đăng ký giảm. Đối với giá gas về cơ bản thực hiện điều chỉnh giá theo tín hiệu của giá thế giới”.

Tuy nhiên, cơ chế điều hành giá vừa qua vẫn còn những bất cập nhất định như chưa quy định rõ quyền của doanh nghiệp đến đâu, mức độ nào, khi nào thì được tăng giá hoặc khi nào phải giảm giá… Để xử lý những bất cập này, bắt đầu từ 15.12.2009, Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu của Chính phủ sẽ chính thức được áp dụng thay cho Nghị định 55/2007/NĐ-CP ngày 6.4.2007. Nghị định mới này quy định cụ thể điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu, điều kiện sản xuất xăng dầu, kinh doanh phân phối xăng dầu và đặc biệt là quy định về giá bán lẻ xăng dầu.

Theo Nghị định, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Nghị định nêu rõ, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trong phạm vi 12% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng.

Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp điều tiết về tài chính theo quy định của pháp luật, thương nhân đầu mối tiếp tục giảm giá bán lẻ của mình, không hạn chế khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm giá.

Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong mức 7% so với giá bán lẻ hiện hành thì được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng.

Trường hợp các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt 7% đến 12% so với giá bán lẻ hiện hành thì thương nhân đầu mối được quyền tăng giá với mức tăng của trường hợp 7% nói trên, cộng thêm 60% của mức giá cơ sở tăng từ 7% đến 12%, 40% còn lại sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển KT-XH và đời sống nhân dân, Nhà nước công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua điều hành thuế, Quỹ Bình ổn giá và theo quy định của pháp luật hiện hành.

Một nội dung đáng chú ý của Nghị định là đối tượng thực hiện dự trữ lưu thông xăng dầu là thương nhân đầu mối, dự trữ Quốc gia về xăng dầu theo quy định riêng của Chính phủ. Thương nhân đầu mối có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá để tham gia bình ổn giá.

Kể từ ngày Nghị định có hiệu lực đến năm 2025, thương nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu phải đảm bảo ổn định mức dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu bằng 30 ngày cung ứng cả về cơ cấu, chủng loại, theo kế hoạch tiêu thụ được xác định hàng năm của thương nhân.

Đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, phải đáp ứng 3 điều kiện: địa điểm cửa hàng phù hợp với quy hoạch được phê duyệt; được xây dựng và có trang thiết bị đúng quy định hiện hành; cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo nghiệp vụ về kỹ thuật an toàn phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.

Các thương nhân kinh doanh xăng dầu đã được cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu trước ngày 15.12.2009 thì không phải làm lại thủ tục cấp 2 loại giấy phép trên.

Các cơ sở kinh doanh xăng dầu khi được đầu tư mới phải phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Nghị định.

Các cơ sở kinh doanh xăng dầu hiện có chưa phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải có lộ trình nâng cấp, di dời bảo đảm phù hợp quy hoạch.

HY UYÊN