BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chương trình khuyến công năm 2012: Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất

Cập nhật ngày: 09/08/2012 - 08:33

(BTN)- Theo Sở Công thương, năm 2012, Sở, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Tây Ninh (gọi tắt là Trung tâm Khuyến công) phối hợp với các doanh nghiệp triển khai 5 đề án khuyến công với tổng số tiền 930 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Đến nay, cơ quan chức năng đã nghiệm thu 3 đề án và đang triển khai thực hiện 1 đề án.

Trung tâm Khuyến công cho biết: Việc đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại, thay thế và loại bỏ dần máy móc, công nghệ cũ kỹ, lạc hậu nhằm hạn chế mức độ gây ô nhiễm môi trường, góp phần đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến công đã triển khai thực hiện 3 đề án thuộc chương trình khuyến công cho 3 doanh nghiệp trong tỉnh, nhằm hỗ trợ một bộ phận doanh nghiệp đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ trong sản xuất.

Một nhà máy mì được đầu tư công nghệ tiên tiến

Trung tâm Khuyến công nhận định, việc đổi mới công nghệ sẽ mang lại hiệu quả rất thiết thực, nhất là trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì công nghệ được xem là vũ khí cạnh tranh mạnh mẽ nhất. Đổi mới công nghệ sẽ tạo ra những sản phẩm tiên tiến hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn, năng suất cao hơn, chi phí sản xuất giảm, hạ được giá thành sản phẩm, ưu thế cạnh tranh trên thị trường ngày càng tốt hơn.

Đối với lĩnh vực chế biến bột mì ở Tây Ninh, đổi mới công nghệ còn giúp các cơ sở sản xuất “công nghiệp nông thôn” cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố, duy trì và mở rộng thị phần của sản phẩm; giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu; cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức độ an toàn sản xuất cho người và thiết bị, giảm tác động xấu đến môi trường. Đặc biệt, về mặt lợi ích thương mại, nhờ đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt.

Trên cơ sở đó, vừa qua, Trung tâm Khuyến công đã triển khai hỗ trợ ứng dụng thiết bị hiện đại trong dây chuyền sản xuất tinh bột mì cho cơ sở sản xuất bột mì Diệp Minh Nhứt (xã Trường Đông, huyện Hoà Thành). Theo Trung tâm Khuyến công, Tây Ninh hiện có trên 80 cơ sở và doanh nghiệp sản xuất bột mì, riêng huyện Hoà Thành có gần 20 đơn vị. Trong số đó, đa phần các cơ sở sản xuất theo mô hình truyền thống (lò mì rấm), có công suất thấp và chất lượng bột không cao, khó cạnh tranh với thị trường. Cơ sở Diệp Minh Nhứt là một trong số ít những cơ sở chế biến bột mì ở Hoà Thành đầu tư thiết bị hiện đại vào sản xuất. Trung tâm Khuyến công tỉnh đã hỗ trợ cơ sở này 100 triệu đồng từ quỹ chương trình khuyến công quốc gia để mua thiết bị tách ly tâm do Trung Quốc sản xuất (tổng chi phí là 2,2 tỷ đồng. So với công nghệ cũ cơ sở sử dụng, việc ứng dụng thiết bị công nghệ mới được thể hiện như sau: Công suất sản xuất tăng từ 100 tấn tinh bột/ngày lên 200 tấn tinh bột/ngày; chất lượng bột cao hơn, màu bột trắng hơn; ít hao phí nguyên liệu đầu vào; tiết kiệm được lao động; tiết kiệm nhiên liệu; thời gian lưu kho và bảo quản lâu hơn; giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn; giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, Trung tâm Khuyến công tỉnh cũng triển khai đề án hỗ trợ ứng dụng thiết bị hiện đại trong dây chuyền sản xuất tinh bột mì tại DNTN chế biến củ mì Hồng Phát (xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu). Tương tự cơ sở Diệp Minh Nhứt ở Hoà Thành, DNTN Hồng Phát đầu tư mua thiết bị tách ly tâm do Trung Quốc sản xuất với kinh phí khoảng 2,2 tỷ đồng, được tỉnh hỗ trợ từ chương trình khuyến công 100 triệu đồng.

Cũng theo Trung tâm Khuyến công tỉnh, ngành chế biến hạt điều Tây Ninh là một trong những ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao, có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để phát triển, các cơ sở chế biến cần được đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại, tiên tiến với bước đi phù hợp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, giảm giá thành, đảm bảo năng lực cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế và hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Do đó, vừa qua, Trung tâm Khuyến công Tây Ninh xây dựng đề án “Hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị hiện đại sản xuất hạt điều”. Đề án này hỗ trợ Công ty TNHH MTV Như Anh (ấp Ninh Hưng 2, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu) một phần kinh phí đầu tư mua máy móc thiết bị theo công nghệ hiện đại để phát triển sản xuất. Trong tổng kinh phí thực hiện đề án này là 418 triệu đồng (mua máy tách vỏ lụa nhân hạt điều, công suất 8 tấn/ngày), chương trình khuyến công quốc gia triển khai ở tỉnh hỗ trợ Công ty 80 triệu đồng.

BẢO TÂM