Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Đuổi bắt” với “cò canh đường” 

Cập nhật ngày: 02/05/2022 - 00:34

BTN - Mỗi khi xe của lực lượng Thanh tra giao thông từ trạm cân xuất phát, bao giờ cũng có “cò canh đường” bám theo để thông báo cho các xe tải chở quá tải trọng né tránh hoặc cho xe đậu bên đường, đóng cửa, bật đèn nguy hiểm rồi bỏ xe đi mất hay điều khiển xe chạy vào các trạm xăng dầu để đậu.

“Cò canh đường” bám theo lực lượng Thanh tra giao thông như hình với bóng và trên tay không rời điện thoại.

Thời gian qua, người dân bức xúc trước tình trạng xe ô tô chở hàng hoá quá tải lưu thông trên đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, hư hỏng đường sá. Mặc dù lực lượng chức năng của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tăng cường xử lý, trong đó có việc lập các trạm cân tải trọng trên một số tuyến đường chính như 784, 781… bằng cân xách tay lưu động; đồng thời mức phạt đối với hành vi xe ô tô chở quá tải trọng theo quy định mới tăng rất nhiều, nhưng vẫn chưa xử lý triệt để.

“CÒ CANH ĐƯỜNG” BÁM ĐUỔI LỰC LƯỢNG CHỨC NĂNG NHƯ HÌNH VỚI BÓNG

Khu vực đường 781, 789, huyện Dương Minh Châu, thị xã Trảng Bàng (nhất là khu vực gần hồ Dầu Tiếng) được dư luận quan tâm về tình trạng xe chở cát có dấu hiệu quá tải lưu thông. Ngành Giao thông Vận tải tỉnh đã cho lắp đặt một trạm cân lưu động trên tuyến đường 781 để kiểm tra tải trọng các xe tải. Lực lượng Thanh tra giao thông, Công an huyện Dương Minh Châu tăng cường tuần tra các tuyến đường trên để kiểm tra những xe tải cố tình chở quá tải trọng- nhất là đối với xe tải chở cát xây dựng khai thác trong hồ Dầu Tiếng.

Tuy nhiên, kể từ khi có trạm cân lưu động trên đường 781 (huyện Dương Minh Châu), tình trạng xe tải chở cát khai thác trong hồ Dầu Tiếng đã giảm nhưng vẫn còn một số xe tải vì hám lợi, cố tình vi phạm.

Câu hỏi được đặt ra, làm sao số xe này lại “thoát” được sự tuần tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng? Thủ phạm là “cò canh đường”. Có cả một đội “cò canh đường” chuyên nghiệp túc trực, theo dõi mọi biến động của lực lượng Thanh tra giao thông tại trạm cân. Mỗi khi xe của lực lượng Thanh tra giao thông từ trạm cân xuất phát, bao giờ cũng có “cò canh đường” bám theo để thông báo cho các xe tải chở quá tải trọng né tránh hoặc cho xe đậu bên đường, đóng cửa, bật đèn nguy hiểm rồi bỏ xe đi mất hay điều khiển xe chạy vào các trạm xăng dầu để đậu.

Tận mắt chứng kiến mới thấy hoạt động của “cò canh đường” hết sức chuyên nghiệp. Khi xe lực lượng Thanh tra giao thông xuất phát từ trạm cân chạy dọc theo đường 781 (vành đai hồ Dầu Tiếng), ngay lập tức có một thanh niên điều khiển xe mô tô bám theo, luôn cách khoảng cách 50m. Xe Thanh tra giao thông chạy chậm, thanh niên này cũng điều khiển chậm lại. Vừa điều khiển xe, vừa điện thoại liên tục.

Khi xe Thanh tra giao thông chạy vào đường Rừng lịch sử (cầu Thống Nhất), lại tiếp tục có thêm một “cò” khác chạy theo chi viện. Xe ô tô Thanh tra giao thông chạy vòng qua đường Phước Ninh - Phước Minh, lại xuất hiện một “cò” nữa bám theo. Tổng cộng có 3 “cò canh đường” đeo bám như hình với bóng.

  Cuộc “đuổi bắt” tiếp tục khi xe Thanh tra giao thông quay lại các tuyến đường cũ, 3 “cò canh đường” quay xe tiếp tục bám theo. Xe bất ngờ quay lại đường Phước Ninh - Phước Minh, một “cò canh đường” do liên tục điện thoại, chỉ điều khiển xe bằng một tay nên bất ngờ vấp lề đường té ngã. 2 “cò” còn lại vẫn bám sát theo xe Thanh tra giao thông, cả khi xe chạy qua đường 789 tới địa phận ngã 3 Cây Me (xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng).

Ông Đoàn Thanh Việt- Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 4 (địa bàn) huyện Dương Minh Châu cho biết, có một “cò” cầm đầu đội “cò canh đường” với khoảng 5 người luôn ngồi túc trực quán nước gần trạm cân để theo dõi mọi sự di chuyển của lực lượng Thanh tra giao thông.

Vì lẽ này, lực lượng Thanh tra giao thông rất khó khăn trong việc phát hiện, xử lý xe chở cát cố tình vi phạm quá tải trọng. Trong khi đó, lực lượng Cảnh sát giao thông có thẩm quyền kiểm tra giấy tờ, giấy phép lái xe, xử lý hành vi vừa chạy vừa điện thoại, chứ không có quy định nào xử lý hành vi “canh đường cho xe quá tải trọng”. Chính vì thế, đội ngũ “cò canh đường” luôn có đất sống, mỗi ngày tiền công khoảng 300 ngàn đồng/ngày/người.

Đội ngũ “cò canh đường” luôn bám sát theo xe của lực lượng chức năng.

TĂNG CƯỜNG XỬ LÝ XE CHỞ QUÁ TẢI TRỌNG

Tất nhiên, không chỉ có đội ngũ “cò canh đường” cho các xe ô tô chở cát hay các loại hàng hoá khác trên địa bàn huyện Dương Minh Châu, mà gần như trong các tuyến đường của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, đâu đâu cũng có lực lượng này khi vẫn còn một số chủ xe hám lợi cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ, gây bức xúc xã hội.

Được biết, để tăng cường xử lý xe quá tải trọng trên địa bàn, ngày 18.4, UBND huyện Dương Minh Châu ban hành kế hoạch tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý phương tiện chở hàng hoá tải trên địa bàn huyện. 

Theo kế hoạch, tại các tuyến đường xung quanh hồ Dầu Tiếng như đường 781, đường 784B, ngã ba Bờ Hồ… đều tăng cường lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát 24/24 vào các ngày trong tuần. Các phương tiện tập trung xử lý gồm: xe ô tô tải, xe ô tô đầu kéo (kéo rơ-moóc), xe container chở hàng hoá quá tải trọng thiết kế thể hiện trong giấy đăng ký xe hoặc giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật; bảo vệ môi trường; chở hàng vượt tải trọng thiết kế của cầu, đường; xe ô tô vận chuyển hành khách…

Tuy nhiên, vấn đề còn lại là, ngoài việc tăng cường tuần tra, xử lý của các cơ quan chức năng, ngành chức năng cần có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng “cò canh đường”, góp phần hạn chế tình trạng xe chở quá tải trọng lưu thông trên đường.

Thiên Tâm