BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát triển rau an toàn ở Tây Ninh: Khó khăn về “đầu ra” sản phẩm

Cập nhật ngày: 06/07/2013 - 09:34
HTML clipboard

Đa số rau củ quả trong Siêu thị Co.opMart Tây Ninh là nhập từ nơi khác về

(BTN) - Rau xanh là thực phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa ăn hằng ngày. Ngoài cung ứng thị trường rau xanh cho nhân dân trong tỉnh, Tây Ninh có thể cung ứng rau cho các tỉnh lân cận như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… Thế mạnh về phát triển sản xuất rau an toàn ở Tây Ninh là rất lớn nhưng thực trạng lại chưa được như mong muốn. Hàng ngàn người dân trồng rau an toàn ở Tây Ninh đang khó về khâu đầu ra của sản phẩm.

Gia đình ông Trần Văn Tha (ở ấp Tầm Long, xã Trí Bình) là một trong nhiều hộ ở Châu Thành làm nghề trồng rau. Ông Tha có 1,3 công đất thường xuyên trồng rau để bán, rau ở đây có nhiều loại như rau dền, mồng tơi, cải xanh… tuỳ theo mùa nào thì ông trồng loại rau đó. Rau được bỏ mối cho thương lái, còn lại mang bán ở chợ Cao Xá… Ông Tha cho biết, gia đình có 2 công đất nhưng chỉ trồng rau 1,3 công vì có trồng hết cũng không có chỗ mà bán. Nhiều gia đình trong xã muốn mở rộng diện tích trồng rau nhưng khó khăn nhất bây giờ vẫn là lo khâu đầu ra của sản phẩm. Nhiều lần ông Tha đã tự đi tìm đầu ra cho vườn rau của mình ở các chợ đầu mối, thậm chí ở các siêu thị ở Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh nhưng không được vì yêu cầu chất lượng đầu ra của họ rất nghiêm ngặt, nhu cầu số lượng lớn.

Với quy mô hộ gia đình khó khăn đã đành, ở quy mô tổ sản xuất, hợp tác xã rau an toàn cũng khó khăn. Đến thăm Hợp tác xã trồng rau an toàn Rỗng Tượng, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu- một trong những hợp tác xã trồng rau theo đúng quy trình kỹ thuật và đã được cấp giấy chứng nhận “Rau an toàn” của ngành chức năng, được biết các hộ sản xuất rau ở đây cũng đang “khổ sở” về khâu đầu ra của sản phẩm. Một thành viên hợp tác xã than thở, rau đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng chẳng được thêm gì trong khi giá cả vẫn như rau thường. Rau ở đây cung cấp cũng chỉ chủ yếu ở các chợ, các chợ đầu mối chứ chưa “bước chân” vào được siêu thị, Metro… đã thế còn bị thương lái liên tục ép giá. Anh Nguyễn Thanh Sơn– thành viên HTX rau an toàn Rỗng Tượng năm trước trồng gần 2 mẫu rau, cuối vụ bị thương lái ép giá, bán rau rẻ nên năm nay anh Sơn chỉ trồng có 7 công. Anh Sơn cho biết, anh đã làm nghề trồng rau hơn 10 năm nay và tham gia  HTX ngay những ngày đầu mới thành lập vào 2009, nhưng cảnh trồng rau “bấp bênh” vẫn kéo dài, nếu không tính toán khéo léo rất dễ bị thua lỗ.

Ông Trần Văn Re– Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật Gò Dầu bày tỏ: “Chúng tôi cũng liên tục mở các lớp tập huấn để nâng cao kỹ năng trồng rau cho bà con nông dân. Nhất là từ khi trồng rau theo hướng VietGAP, cán bộ Chi cục luôn xuống ruộng cùng bà con theo dõi, chỉ dẫn cách trừ sâu, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Tuy nhiên, cái khó nhất là khâu đầu ra thì lại không nằm trong khả năng của ngành chúng tôi, nên khó giải quyết”.

Toàn tỉnh Tây Ninh hiện có khoảng 13 mô hình (hợp tác xã, tổ sản xuất) rau an toàn với trên 200 hộ sản xuất. Chưa kể hàng ngàn hộ sản xuất rau theo hướng nhỏ lẻ phạm vi gia đình. Bên cạnh những khó khăn về thiếu vốn sản xuất, chưa am hiểu kỹ thuật chăm sóc rau thì khó khăn chung vẫn là lo khâu đầu ra của sản phẩm, thị trường tiêu thụ. Anh Phạm Văn Cơ - cán bộ kỹ thuật Chi cục BVTV Tây Ninh cho biết: “Hằng năm, diện tích trồng rau an toàn ở Tây Ninh khoảng 14.000 đến 15.000 ha, từ năm 2009 - 2011 đã xây dựng được 11 mô hình sản xuất rau an toàn. Từ 2012 đến 2015 sẽ xây dựng mỗi huyện một mô hình sản xuất rau theo hướng VietGAP được chứng nhận của Trung tâm Đo lường chất lượng III và hiện nay đang triển khai thực hiện tại 3 điểm Long Khánh (Bến Cầu), Thanh Phước (Gò Dầu) và Ninh Thạnh (Thị xã). Nói về khó khăn của việc sản xuất rau thì có nhiều, nhưng khó khăn lớn nhất là đầu ra của sản phẩm, kế đến là giá cả bấp bênh. Hiện nay có đến 70% rau của Tây Ninh tiêu thụ ở thành phố HCM, nhưng chủ yếu là cung cấp cho một số chợ đầu mối như chợ Bình Điền, chợ Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh… chứ chưa thể vào nổi các siêu thị”.

Ngay cả ở Siêu thị Co.opMart Tây Ninh- một thị trường “sân nhà” nhưng rau sạch Tây Ninh cũng chưa vào được bao nhiêu. Ông Nguyễn Văn Bảo- Phó Giám đốc Co.opMart Tây Ninh cho biết: “Siêu thị đã tiếp xúc với một số nhà cung cấp nhưng họ thiếu một số thủ tục và những giấy chứng nhận về VSATTP. Phải có nguồn gốc xuất xứ, phải cung cấp mẫu đạt yêu cầu của cơ quan y tế siêu thị mới tiếp nhận. Còn về giá cả thì rau ở siêu thị luôn ở mức cao”.

Thời gian tới, Tây Ninh sẽ phát triển các vùng sản xuất rau an toàn tập trung. Trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ là hướng đi chính. Theo quy hoạch sản xuất, phát triển và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, từ năm 2011 - 2015, Tây Ninh sẽ xây dựng 9/9 mô hình sản xuất rau an toàn ở các huyện, thị. Đến năm 2015, toàn tỉnh đạt diện tích gieo trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là 5.000 ha, trong đó diện tích sản xuất chuyên canh là 500 ha. Đến năm 2020, toàn tỉnh đạt diện tích gieo trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.000 - 16.000 ha, trong đó diện tích sản xuất rau chuyên canh là gần 4.000 ha. Khi đó, rau an toàn sẽ là một mặt hàng thế mạnh tương xứng với tiềm năng của Tây Ninh.

XUÂN PHƯƠNG