BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thi công nâng cấp 2 tuyến kênh chính: Cần phải cắt nước trong vụ mùa 2009

Cập nhật ngày: 04/05/2009 - 10:59

Thi công nâng cấp bờ kênh

Dự án Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng thuộc Dự án hỗ trợ thuỷ lợi Việt Nam do Ngân hàng thế giới đầu tư cho vay được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 9.2003, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 12.2003. Năm 2004 dự án bắt đầu triển khai một số hạn mục thuộc khu vực đầu mối. Năm 2009 dự án bắt đầu triển khai ở 2 tuyến kênh chính Đông và Tây. Việc cắt nước để thi công 2 tuyến kênh này là không thể không làm. Điều này đã gây băn khoăn cho nhiều nông dân trong vùng tưới.

Theo Quyết định phê duyệt thì mục tiêu đầu tư thực hiện dự án Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng là: thi công nâng cấp, sửa chữa các công trình đầu mối, bảo đảm an toàn hồ chứa; sửa chữa, nâng cấp 2 kênh chính Đông và Tây đảm bảo chuyển tải đủ lưu lượng thiết kế để tưới cho hơn 115.000 ha bao gồm 2 khu tưới hiện tại và mở rộng khi tiếp nước từ hồ Phước Hoà; gia cố và xây dựng bổ sung hệ thống kênh cấp 1, cấp 2, cấp 3 và kênh đến mặt ruộng, kênh tiêu thuộc hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh để đảm bảo tưới 57.300 ha; tăng cường cơ sở vật chất phục vụ quản lý khai thác theo hướng hiện đại hoá…”. Tổng mức đầu tư hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng được duyệt là gần 1.000 tỷ đồng với thời gian thực hiện dự kiến là trong 7 năm- từ 2004 đến năm 2010. Dự án được phân ra làm hai phần đầu tư: phần do Trung ương quản lý gồm khu đầu mối và 2 tuyến kênh chính và phần do tỉnh quản lý gồm cả hệ thống từ kênh cấp 1 trở xuống.

Từ mấy năm nay, khu đầu mối đã triển khai thi công nâng cấp các công trình đập chính, đập phụ, các cống lấy nước, cống dẫn dòng,… Việc triển khai thi công nâng cấp các công trình này không gây ảnh hưởng nhiều đến việc cung cấp nước tưới nên nông dân trong vùng tưới không có gì phải lo lắng. Đầu năm 2009, dự án bắt đầu triển khai thi công nâng cấp 2 tuyến kênh chính Đông và Tây. Công đoạn nâng cấp này buộc phải cắt nước mới có thể thi công được. Khi kênh chính bị cắt nước thì hầu như toàn bộ hệ thống kênh mương đều ngưng hoạt động. Chính vì thế mà hiện tại không ít nông dân đang rất băn khoăn, bởi vì khi cắt nước chắc chắn việc sản xuất nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Lê Thành Công- Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh cho biết hiện tại tuyến kênh Tây đã chính thức được khởi công nâng cấp, còn tuyến kênh Đông đang tổ chức đấu thầu. Do đó, chắc chắn trong thời gian tới tuyến kênh Tây sẽ phải bị cắt nước, còn tuyến kênh Đông nếu hoàn tất việc đấu thầu, đưa vào thi công thì cũng sẽ bị cắt nước trong năm nay. Vùng tưới tuyến kênh Tây là hơn 21.000 ha và vùng tưới tuyến kênh Đông là hơn 23.000 ha. Như vậy, khi cắt nước trên cả 2 tuyến kênh chính thì có đến gần 45.000 ha trong vùng tưới sẽ không có nước tưới. Tuy nhiên, để giảm tối thiểu ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Công ty TNHH 1 TV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng dự kiến chỉ cắt nước tưới trong thời gian 4 tháng để tập trung thi công và chọn thời điểm cắt nước là trong vụ mùa- từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 11. Khoảng thời gian này nằm trọn trong mùa mưa, cây trồng không cần nhiều nước thuỷ lợi. Cho nên việc cung ứng nước tưới trong vụ mùa chủ yếu là để chống hạn mà thôi. Do đó, chọn thời gian cắt nước trong vụ mùa là hợp lý nhất và giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất cho sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, hằng năm trong mùa mưa ở Tây Ninh có xuất hiện một khoảng thời gian bị hạn- thường được gọi là hạn “Bà Chằn” kéo dài có khi đến 2 tuần lễ. Điều đáng lo là đến cơn hạn “Bà Chằn” thì nông dân lấy nước ở đâu để chống hạn cho cây trồng?. Ông Lê Thành Công cho biết, tình huống này Công ty cũng đã tính đến để tìm giải pháp hỗ trợ cho nông dân khi xảy ra hạn hán. Nếu hạn xảy ra trong tháng 7 thì không có gì phải lo vì lúc đó hệ thống kênh thuỷ lợi vẫn còn nước tưới do kênh chính

Nuôi trồng thuỷ sản sẽ gặp khó khăn khi cắt nước

chưa cắt nước. Nếu hạn xảy ra trong tháng 8 thì phải tận dụng tất cả mọi nguồn nước mưa có thể tận dụng được để nông dân bơm tưới cho đồng ruộng. Hiện tại, Công ty đang cho cán bộ thuỷ nông khảo sát thực tế các tuyến kênh tiêu, xác định những điểm có thể đắp đập chặn giữ nước mưa không cho thoát xuống sông rạch khi có hạn để nông dân có thể bơm tưới chống hạn cho cây trồng. Ngoài ra, do phải cung cấp nước sinh hoạt cho Nhà máy nước Kênh Tây nên đoạn từ đầu mối đến K21 sẽ không cắt nước cạn tuyệt đối. Do đó mà vẫn có một số tuyến kênh còn nước vào được. Mặc dù các tuyến kênh này không có thể tưới tự chảy như bình thường do mực nước thấp, nhưng nông dân vẫn còn có thể bơm vào ruộng chống hạn khi cần thiết.

Như vậy, việc cắt nước để thi công nâng cấp các tuyến kênh chính chắc chắn sẽ diễn ra trong vụ mùa năm nay. Giải pháp chống hạn cũng đã được hoạch định. Tuy nhiên, Công ty TNHH 1 TV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh cũng khuyến cáo các hộ nuôi trồng thuỷ sản lấy nước từ các tuyến kênh thuộc hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng cần phải cân nhắc cẩn trọng khi sản xuất trong thời gian các tuyến kênh chính cắt nước để thi công.

SƠN TRẦN


 
Liên kết hữu ích