BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thợ nữ xóm Lò Rèn

Cập nhật ngày: 26/04/2011 - 08:27

Chị Cầu làm việc không kém đàn ông

Mỗi ngày gần chục tiếng đồng hồ tiếp xúc với lửa. Cánh tay, cẳng chân chi chít thẹo vì phỏng. Bàn tay chai sạm, cánh tay dường như hơi to so với thân người bởi thường xuyên quai búa nặng. Thân mình luôn nhễ nhại mồ hôi vì nóng. Đó là hình ảnh về những người phụ nữ làm nghề ở xóm Lò Rèn, ấp Lộc Trát, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng.

Đập búa đều đều không ngơi tay và phải luôn chú ý từng nhát bổ xuống chiếc liềm vừa nung đỏ. Chiếc áo cũ choàng quanh bàn chân cốt tránh những tia lửa và chiếc găng tay mỏng manh coi như đã đủ “dụng cụ bảo hộ” cho việc hành nghề của chị. Huỳnh Thị  Hậu, năm nay 54 tuổi. Chị tỏ ra vẫn sung sức với cái nghề đã gắn bó với mình hơn hai mươi năm nay. Là con thợ rèn, từ năm 12 tuổi, cô bé Hậu đã ra lò phụ việc dần dần, được truyền nghề để trở thành thợ chính. Khi đã thành thiếu nữ chị cũng thấy… mặc cảm, ngại nói với người về nghề nghiệp của mình bởi cái nghề kể ra nghe… không sang chút nào!”. Có thời gian chị bỏ nghề rèn ra phố học may. Rồi lập gia đình, với một anh làm thợ bạc. Cuộc sống không khá mấy, thế là hai vợ chồng lại khăn gói trở về Lộc Trát để làm thợ rèn cho đến hôm nay. Mỗi ngày, vợ chồng chị Hậu mất chục tiếng đồng hồ để rèn liềm, và kiếm được khoảng hơn năm chục ngàn đồng. 

Với chị Võ Thị Tuyền, nghề rèn cũng là nghề “cha truyền con nối”. Dù hiện tại có khó khăn nhưng chị vẫn bám trụ với nghề- cái nghề thu nhập không cao nhưng cũng giúp chị có đồng ra đồng vào mỗi ngày. Chị Tuyền năm nay 40 tuổi, đã có thâm niên làm nghề rèn dao hơn hai mươi năm. Hiện tại mỗi ngày chị rèn trên trăm cái. Từ 3 giờ sáng đã phải thức dậy làm việc cho đến tận 7 giờ tối mới xong. Gia đình khó khăn, chị Tuyền chính là trụ cột. Chị và hai người chị em ruột cùng làm, mỗi ngày kiếm trên dưới trăm ngàn nuôi một mẹ già và một người em họ bị bệnh. Hơn hai mươi năm gắn bó với nghề, công việc khó nhọc, vất vả và gánh nặng gia đình khiến chị không có cả thời gian riêng tư cho mình. Chị Tuyền có một người chị bị bệnh thần kinh nhưng hằng ngày vẫn quai búa phụ giúp em mình. Người em út của chị Tuyền đã có gia đình riêng cũng ráng phụ chị ở khâu gọt và mài dao. Ở lò rèn của chị Tuyền mọi việc đều do phụ nữ làm, từ cắt thép định hình những chiếc dao đến nung, gọt…

Chị Võ Thị Cầu, 42 tuổi cũng là một tay thợ nữ ở xóm Lò Rèn, mồ hôi nhễ nhại trên mặt trong lúc tạm nghỉ tay, cho biết: “Tôi làm nghề cũng hai mươi năm rồi. Tại mình không biết chữ nên phải làm nghề này thôi”. Hiện chị Cầu đang làm thợ phụ thuê cho một người cậu. Mỗi ngày chị phải quai búa, chiếc búa nặng hơn 4 kí lô đập chan chát liên hồi vào thanh sắt đỏ rực. Hơn hai mươi năm trong nghề rèn, chị phải “trả giá” bằng sự “xuống cấp” của hình dung và sức khoẻ: bắp tay to hơn bình thường, hai bàn tay thì chai cứng vì cầm búa, và thường xuyên đau nhức khớp tay. Nhưng chị vẫn bám nghề vì đó là kế sinh nhai không thể khác.

Chị Tuyền (phải) trụ cột của gia đình

Công việc nặng nhọc, dễ làm “tàn phá” dung nhan- một thứ rất quan trọng với đàn bà con gái nhưng những người phụ nữ ở xóm Lò Rèn vẫn nhẫn nại bám lấy nghề hằng chục năm qua. Vất vả là thế nhưng khi phải rời bỏ công việc vì một lý do nào đó, nhiều người lại quay quắt nhớ, mới lạ! Bà Phạm Thị Cỏn nay đã 73 tuổi, ở gần nhà chị Tuyền là một ví dụ. Vốn có nghề rèn kéo, bà Cỏn và người em gái cùng làm nghề này từ thời còn son trẻ và chỉ mới nghỉ làm từ 3 năm nay do mắt đã mờ, tay đã yếu. Nghỉ rồi nhưng bà vẫn thấy nhớ nhung khi nghe tiếng búa vang chan chát trong xóm. Nhiều phụ nữ xóm Lò Rèn khi có chồng lại mang theo cả nghề rèn theo chồng nếu không thì những ông chồng lại trở thành “thợ mới” của xóm Lò Rèn.

Ở xóm Lò Rèn ấp Lộc Trát này, hiện tại số phụ nữ làm nghề rèn chiếm hơn 1/3 số thợ làm nghề tại đây. Có người là thợ chính, có người là thợ phụ, có người chỉ làm những việc lặt vặt. Trước con số này còn cao hơn rất nhiều, nhưng theo thời gian nhiều chị em theo chồng, một số khác bỏ nghề nên giờ đây “những bóng hồng” trở nên vắng vẻ hơn trong các lò rèn. Họ đang cố góp phần níu giữ một làng nghề trước nguy cơ mai một.

ĐÀO NAM