BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thực trạng chợ xã: Nơi cần thì không có, nơi có lại bỏ không

Cập nhật ngày: 20/11/2009 - 05:40

Theo thống kê của Sở Công thương, hiện trên địa bàn tỉnh có 98 chợ xã, phường, thị trấn các loại từ hạng I đến hạng III. Với số lượng này, mật độ chợ ở Tây Ninh đạt tỷ lệ bình quân khá cao- khoảng 1,03 chợ/xã, phường, thị trấn. Thế nhưng hiện nay vẫn còn một số nơi nhân dân tập trung mua bán khá đông nhưng chợ chưa được đầu tư xây dựng cho tương xứng và cũng có chợ đã được xây dựng khang trang nhưng lại không có người mua bán.

Nơi cần thì không có

Tiểu thương buôn bán lộn xộn dọc đường Nguyễn Trãi.

Xã Phan là một trong những xã nghèo của huyện Dương Minh Châu. Tuy nhiên, với dân số trên dưới 7.000 người thì nhu cầu có được một ngôi chợ đàng hoàng để bà con tiểu thương mua bán là khá bức thiết. Do đó, bà con tiểu thương tập trung ở một khu đất trống cạnh UBND xã làm nơi buôn bán tạm. Hằng ngày có không dưới 50 hộ tiểu thương tập trung ở đây buôn bán. Các hộ tiểu thương ở đây tự cất những gian hàng bằng cây tạm, mái che bằng tôn hoặc vải bạt để làm chỗ buôn bán. Nhiều năm qua, bà con tiểu thương và nhân dân ở đây mong muốn có một ngôi chợ đàng hoàng để họ được buôn bán, nhưng địa phương không có kinh phí xây dựng chợ.

Không chỉ ở nông thôn, tại Thị xã cũng có nơi đang tập trung buôn bán khá đông đúc nhưng vẫn chưa phải là chợ đúng nghĩa- đó là khu bán buôn dọc theo đường Nguyễn Trãi thuộc phường 4, Thị xã. Khu tập trung buôn bán này đã có từ nhiều năm trước đây, di dời từ đường Nguyễn Thái Học (cũ) sang đường Lê Văn Tám (cũ) sang. Do phù hợp nhu cầu mua, bán của nhân dân trong khu vực nên khu bán buôn này phát triển khá mạnh với hàng trăm hộ tiểu thương tham gia. Các hộ tiểu thương ngày càng nhiều, tự mở rộng phạm vi buôn bán, lấn chiếm cả lòng lề dọc theo cả hai bên đường, gây mất an toàn giao thông, đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, môi trường. Bà con tiểu thương nơi đây cũng mong có được ngôi chợ xây dựng đàng hoàng để buôn bán, nhưng chẳng  biết đến bao giờ.

Nơi có thì lại không cần

Ở Thị xã, có chợ đã được quy hoạch, xây dựng đàng hoàng nhưng nhiều năm qua vẫn cứ trống không, đó là chợ xã Ninh Sơn. Năm 2000, khi xã Ninh Sơn chưa sáp nhập về Thị xã, huyện Hoà Thành đã quy hoạch một khu chợ mới nằm cách khu chợ cũ chưa đầy trăm mét. Tại khu chợ mới này, huyện Hoà Thành đã tổ chức bán đấu giá các phần đất chung quanh chợ và xây dựng một nhà lồng mới khá rộng rãi, nền lát gạch sạch sẽ. Tất cả các phần đất chung quanh chợ đã được bán hết và người mua những phần đất này trông chờ ngày chợ mới khai trương để phát triển các cửa hàng buôn bán. Thế nhưng, chờ đã quá 5 năm nhưng chợ vẫn chưa hoạt động. Hiện tấm bảng Chợ Ninh Sơn vẫn còn nhưng chợ thì chẳng có ai buôn bán rất lãng phí. Nếu như trong những năm qua, khu nhà lồng chợ này được xây dựng ở phường 4 thì đỡ  cho bà con tiểu thương nơi đây biết chừng nào.

Chợ Chà Là chỉ có vài tiểu thương buôn bán.

Ở huyện Dương Minh Châu, trong khi xã Phan cần có khu chợ đàng hoàng nhưng không có thì ở xã Chà Là ngược lại- đã có chợ xây dựng khang trang nhưng chẳng có mấy người vào buôn bán. Ngôi chợ xã Chà Là nằm ngay mặt tiền đường 784, lối vào khá rộng rãi và được tráng xi măng. Chợ được cất trên khu đất rộng, nhà lồng chợ có diện tích hàng trăm mét vuông, chung quanh được lắp thêm những mái tôn che nắng. Mặt trước chợ được thiết kế khá hiện đại và đẹp mắt. Chung quanh chợ được láng xi măng sạch sẽ. Đây là một ngôi chợ hết sức “lý tưởng” đối với một xã nông thôn. Thế nhưng, hằng ngày chưa đến 8 giờ sáng thì chợ Chà Là đã vắng hoe. Trong nhà lồng chợ rộng thênh thang chỉ có vài người buôn bán. Cả chợ chỉ có vài cái sạp nho nhỏ đóng bằng cây. Những hộ gần đây cho biết chợ có vài người bán nên cũng không mấy người mua, buổi sáng chỉ hoạt động lèo tèo một chút, đến lúc mặt trời lên là tan. Một cán bộ ở đây cho biết ngôi chợ mới được xã đầu tư hơn 460 triệu đồng xây dựng khang trang, nhưng theo thói quen từ trước, tiểu thương ở đây phần lớn mở hàng tạp hoá kiêm bán luôn một số thực phẩm, rau củ tại nhà nên không muốn vào chợ. Còn người mua thì thường đến chợ Bàu Năng hay Truông Mít có nhiều hàng hoá hơn. Do đó mà từ trước cho đến nay chợ này vẫn vắng người bán mua- cho dù xã đã rất nhiều lần vận động họ vào chợ bán không phải đóng khoản lệ phí nào. Như vậy, chợ Chà Là không phát triển được do nhu cầu mua bán tập trung của dân địa phương chưa thực sự cần thiết.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số chợ đã được xây dựng khang trang nhưng không phát huy hết khả năng buôn bán. Thậm chí còn nhiều ngôi chợ biên giới xây dựng xong đã bỏ không nhiều năm qua và hiện tại vẫn còn tiếp tục bỏ không như chợ Long Phước, chợ Chàng Riệc, chợ Vạc Sa…

SƠN TRẦN