BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trồng lúa theo Mô hình liên kết 4 nhà: Còn nhiều việc phải lo

Cập nhật ngày: 18/12/2013 - 06:24

Thông tin về giống lúa và cách chọn giống lúa sản xuất cho phù hợp với thời vụ ở từng vùng đất cụ thể chưa được cung cấp kịp thời để bà con nông dân có sự lựa chọn hợp lý. Đáng chú ý là đầu ra sản phẩm của nông dân chưa ổn định, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thương lái…

Điểm trình diễn cây lúa theo mô hình liên kết 4 nhà ở xã Chà Là. Ảnh: Khắc Luân

Những năm gần đây, việc thực hiện mô hình liên kết 4 nhà trong sản xuất lúa đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân nói riêng và nền kinh tế nông nghiệp nói chung. Qua thực hiện mô hình này, bà con nông dân có điều kiện tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Mô hình liên kết 4 nhà trên cây lúa còn giúp nông dân áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật phòng, chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá có hiệu quả; nâng cao năng suất, chất lượng lúa, góp phần vào việc bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao lợi nhuận cho người trồng lúa. Mô hình còn hình thành thói quen ghi chép nhật ký đồng ruộng cho nông dân, tạo thuận lợi cho việc sản xuất theo hướng VietGAP và cánh đồng mẫu lớn.

Mặc dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thực hiện mô hình liên kết 4 nhà trên cây lúa vẫn còn một số khó khăn tồn tại. Đến nay, phương pháp sạ hàng vẫn chưa được áp dụng nhiều, vì muốn áp dụng nó đòi hỏi nông dân phải xuống giống tập trung trên một cánh đồng và điều này sẽ dẫn tới thiếu hụt công lao động. Mặt khác, phương pháp này cũng còn phụ thuộc vào thuỷ triều. Việc ghi chép nhật ký sản xuất cũng chưa được quan tâm đúng mức và chưa đúng theo hướng dẫn mặc dù đây là yêu cầu quan trọng trong quá trình thực hiện mô hình. Còn có một hạn chế khác là công tác lựa chọn giống lúa mới chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nông dân. Thông tin về giống lúa và cách chọn giống lúa sản xuất cho phù hợp với thời vụ ở từng vùng đất cụ thể chưa được cung cấp kịp thời để bà con nông dân có sự lựa chọn hợp lý. Đáng chú ý là đầu ra sản phẩm của nông dân chưa ổn định, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thương lái, giá cả thấp, không ổn định dễ gây tâm lý hoang mang cho người sản xuất.

Để khắc phục những khó khăn nói trên, lãnh đạo UBND tỉnh vừa có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị và các đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện một số nhiệm vụ có liên quan đến mô hình liên kết 4 nhà trên cây lúa: yêu cầu ban cố vấn, ban chủ nhiệm các cấp tiếp tục hỗ trợ để có thể xây dựng, nâng cao hiệu quả của mô hình trong những năm tới; chuyển giao dần cho địa phương các điểm mô hình đã thực hiện nhiều vụ thông qua việc tổ chức điểm mô hình thành hợp tác xã hoặc tổ hợp tác. UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung trên địa bàn; xây dựng điểm vùng sản xuất lúa giống cho địa phương và có kế hoạch xây dựng hệ thống đê bao cho vùng sản xuất lúa… Ngành nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các chính sách ưu đãi của Nhà nước trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân hiểu; xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác giúp người dân có điều kiện tham gia sản xuất lúa quy mô lớn, chủ động hơn trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng và ký kết hợp đồng với các đối tác; mở rộng diện tích cũng như số hộ dân tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn toàn tỉnh; thực hiện những biện pháp canh tác tiên tiến, nâng cấp mô hình và có quy trình kỹ thuật chuẩn cho từng vùng, thời vụ theo hướng VietGAP; xây dựng thí điểm một số mô hình chuyển giao cho hợp tác xã, tổ sản xuất nhằm từng bước chuyển giao lại cho địa phương.

Giá lúa còn phụ thuộc vào thương lái (ảnh minh hoạ)

 Sở Công Thương được giao làm đầu mối gắn kết giữa nông dân với các doanh nghiệp thu mua nông sản tham gia ngay từ đầu để có kế hoạch và phương thức thu mua lúa cho nông dân trong mô hình, có thoả thuận và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ. UBND huyện, thị xã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn; gắn mô hình cánh đồng mẫu lớn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, khoa học kỹ thuật đến từng hộ nông dân để họ nắm được quy trình sản xuất, canh tác; chuẩn bị tiếp nhận các nhiệm vụ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển giao trong công tác xây dựng mô hình liên kết 4 nhà thâm canh cây lúa theo hướng VietGAP và cánh đồng mẫu lớn. UBND tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp tham gia mô hình tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật, vật tư và kinh phí triển khai mô hình các năm tiếp theo. Để mô hình được thực hiện thành công và nhân rộng, lãnh đạo tỉnh yêu cầu nông dân tuân thủ thực hiện quy trình canh tác triệt để, vì đây là điều kiện quyết định sự thành công của mô hình. Bà con cần tự giác thu gom, tập trung và tiêu huỷ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững. Nông dân cũng cần thành lập các tổ sản xuất giống cộng đồng để có thể chủ động giống trong sản xuất; thành lập các tổ sản xuất, hợp tác xã để hạn chế khâu trung gian nhằm “mua tận gốc, bán tận ngọn”, trực tiếp ký kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

ĐÌNH CHUNG