Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh Võ Hùng Việt tiếp ông Dương Ty Cung- Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hoá Đài Bắc tại TP.HCM đến tìm hiểu thông tin về tình hình hợp tác đầu tư, phát triển với Tây Ninh.
Ngày 24.11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh Võ Hùng Việt cùng lãnh đạo các Sở Ngoại vụ, Kế hoạch và Đầu tư tiếp ông Dương Ty Cung- Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hoá Đài Bắc tại TP.HCM đến chào xã giao và tìm hiểu thông tin về tình hình hợp tác đầu tư, phát triển quan hệ kinh tế thương mại với Việt Nam, trong đó có Tây Ninh.
Làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh, ông Dương Ty Cung cho biết, Văn phòng Kinh tế và Văn hoá Đài Bắc tại TP.HCM tích cực phối hợp kịp thời với cơ quan hữu quan, chính quyền sở tại kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất kinh doanh, thực hiện đúng theo pháp luật Việt Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh Võ Hùng Việt giới thiệu với đoàn Văn phòng KT-VH Đài Bắc tại TP.HCM khái quát về tình hình kinh tế- xã hội của Tây Ninh năm 2010 và tình hình hợp tác, đầu tư giữa Tây Ninh với các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc). Số liệu thống kê của ngành chức năng tỉnh Tây Ninh cho biết, Đài Loan (Trung Quốc) dẫn đầu về số dự án cũng như nguồn vốn trong số các dự án vốn nước ngoài đầu tư vào Tây Ninh. Hiện tại, Tây Ninh đang có 70 dự án đầu tư của doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc). Có 48 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả; 7 dự án đang đầu tư xây dựng; 9 dự án đang được triển khai thực hiện và 6 dự án đã dừng hoạt động. Các dự án của doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đã tạo việc làm cho 17.609 lao động tại Tây Ninh. Trong thời gian qua, tỉnh Tây Ninh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) hoạt động hiệu quả, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn phát sinh, giúp các doanh nghiệp an tâm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Hùng Việt trao quà lưu niệm cho ông Dương Ty Cung. |
Lãnh đạo UBND tỉnh cũng đề nghị Văn phòng KT-VH Đài Bắc tại TP.HCM và Hội Doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) tại Tây Ninh hỗ trợ giải quyết trường hợp nợ thuế của doanh nghiệp Hồng Phúc (đặt tại Gò Dầu). Khoảng năm 2008, chủ doanh nghiệp Hồng Phúc “gặp khó khăn” trong hoạt động sản xuất (săm lốp xe) nên đã bỏ về Đài Loan (Trung Quốc). Ngay sau đó, doanh nghiệp An Cố (cũng sản xuất săm lốp xe) vào “tiếp quản” nhà xưởng, văn phòng của Hồng Phúc và hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh đã “vài lần” mời doanh nghiệp Hồng Phúc đến gặp cơ quan thẩm quyền giải quyết số tiền thuế 23 tỷ đồng mà doanh nghiệp này còn nợ nhưng doanh nghiệp không chấp hành. Đáng chú ý là doanh nghiệp An Cố được UBND tỉnh cấp giấy phép đầu tư ở vị trí gần doanh nghiệp Hồng Phúc nhưng không hiểu sao doanh nghiệp này không thực hiện theo sự cho phép của chính quyền và ngành chức năng địa phương, lại “triển khai thực hiện dự án” trên cơ sở hạ tầng, máy móc, nhà xưởng của doanh nghiệp đã “bỏ đi”. Trong khi đó, doanh nghiệp Hồng Phúc vẫn chưa làm thủ tục sang nhượng cho An Cố theo quy định của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, có thể nói doanh nghiệp An Cố hiện đang hoạt động “bất hợp pháp”. Do đó, để doanh nghiệp An Cố được công nhận hoạt động hợp pháp và có thể trả nợ thuế thay cho Hồng Phúc, doanh nghiệp Hồng Phúc phải sang Việt Nam hoàn tất các thủ tục cần thiết…
Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh nêu rõ trường hợp này, ông Dương Ty Cung hứa sẽ cố gắng hỗ trợ chính quyền Tây Ninh mời chủ doanh nghiệp Hồng Phúc sang Tây Ninh để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp An Cố sản xuất, kinh doanh.
Tại buổi làm việc, đại diện Hội Doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) tại Tây Ninh, cho biết hiện nay nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi thực hiện quy định của ngành Thuế về việc tự in hoá đơn. Trong thực tế, các doanh nghiệp ít có nhu cầu sử dụng hoá đơn (đỏ), có những doanh nghiệp chỉ sử dụng chừng nửa cuốn hoá đơn mỗi tháng (khoảng 6 cuốn/năm). Do sử dụng hoá đơn rất ít nên các doanh nghiệp này gặp khó khăn, bởi không cơ sở in nào chịu in vài cuốn hoá đơn “lẻ tẻ”. Tính ra so với trước đây, giá hoá đơn tăng từ khoảng hơn 20.000 đồng/cuốn lên đến trên 200.000 đồng, thậm chí hơn 400.000 đồng/cuốn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể đặt in được. Điều này đã gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của một bộ phận lớn doanh nghiệp ít có nhu cầu sử dụng hoá đơn.
Đại diện Hội Doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) tại Tây Ninh đề nghị UBND tỉnh, các ngành chức năng tỉnh Tây Ninh xem xét lại vấn đề trên để có hướng giải quyết phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cơ quan Thuế có thể kiến nghị về trên cho phép các doanh nghiệp sử dụng ít hoá đơn được thực hiện theo quy định cũ, hoặc cơ quan Nhà nước cung cấp hoá đơn cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng ít hoá đơn…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh, Võ Hùng Việt cho biết sẽ làm việc với cơ quan Thuế tỉnh để chỉ đạo xem xét, trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp về việc thực hiện quy định tự in hoá đơn; đồng thời có ý kiến báo cáo tình hình về Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính. Đối với trường hợp của doanh nghiệp Hồng Phúc, lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh khẳng định là chỉ yêu cầu chủ doanh nghiệp nợ thuế sang Việt Nam giải quyết các thủ tục hành chính còn tồn đọng nên “không có vấn đề gì hạn chế việc tự do đi lại của chủ doanh nghiệp Hồng Phúc”.
BẢO TÂM