BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vùng nước ngập Trảng Mây:Tìm lại được mùa xuân

Cập nhật ngày: 21/01/2012 - 06:57

Vùng đất Trảng Mây thuộc ấp Long Thới, xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành. Khu đất này, mới vài năm trước đây là vùng trũng, ngập nước sâu quá đầu người mỗi khi mùa mưa đến. Trảng Mây - vùng ngập nước, bây giờ chỉ còn trong ký ức của hàng trăm hộ dân sống lân cận chợ Long Hoa (nay là Trung tâm thương mại Long Hoa). Hình ảnh những căn nhà tạm bợ, xiêu vẹo, trơ vơ giữa trảng trống đầy nước mỗi khi mùa mưa đến, nay đã không còn nữa. Thay vào đó là những căn nhà khang trang, những con đường sỏi đỏ trải dài ngang dọc. Đến thăm Trảng Mây trong không khí hối hả của những ngày Xuân, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của người dân nơi đây, khi họ có được cuộc sống tốt đẹp, nhờ vào sự quyết tâm làm thay đổi “một vùng đất chết” của Đảng bộ, chính quyền một xã được chọn làm “mô hình mẫu” trong chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

“Đàn chim di thê” xóm Trảng Mây ngày ấy…

Trảng Mây thời khốn khổ vì ngập nước

Theo những người cao niên hiện còn sinh sống tại Trảng Mây, khoảng thập niên 1950, trong quá trình chạy nạn chiến tranh, một nhóm gia đình từ các tỉnh miền Tây Nam bộ đến Tây Ninh tìm nơi sinh sống. Lúc bấy giờ chợ Long Hoa mới hình thành, những người khá giả, đến trước đã có cơ ngơi trên vùng đất cao, bằng phẳng chung quanh chợ. Nhóm gia đình đều là người nghèo, đành phải dựng chòi ở tạm tại một vùng trũng cách chợ Long Hoa chỉ khoảng 500 mét để sinh sống. Họ chỉ cần chỗ trú thân vào ban đêm, dù chỉ “lênh đênh trên mặt nước”, ban ngày họ ra chợ Long Hoa làm đủ mọi việc vặt để kiếm sống. Thậm chí có một dạo những người nghèo khổ, “làm mướn ngày” ở khu vực Long Hoa đều được gọi là “dân Trảng Mây” (!). Theo dòng thời gian, mãi hơn nửa thế kỷ sau, đầu thập niên 2000, xóm Trảng Mây cũng chỉ có hơn 50 hộ với hơn 300 nhân khẩu sống ở khu đất trảng trũng rộng khoảng 10 ha.

Cuộc sống của người dân Trảng Mây gần như là đời sống của đàn chim di thê. Thực sự, mỗi năm người dân nơi đây chỉ có cuộc sống bình thường trong khoảng thời gian hơn 7 tháng. Những tháng còn lại, khi mùa mưa đến họ sống đời di thê giữa chốn thị thành. Mùa mưa nước ngập cả khu vực, việc đi lại vô cùng khó khăn. Vì vậy, phần nhiều các gia đình xin ở nhờ được những nhà trên vùng đất cao thì di chuyển đến, còn gia đình nào không tìm được nơi nương tựa thì phải chấp nhận sống chung với nước. Dứt mưa sang mùa khô, nước rút gần hết, người dân lại quay về sửa nhà, lo ổn định cuộc sống thì cũng là lúc năm hết, Tết sắp đến. Thế mà đã biết bao mùa xuân, phần lớn họ không được hưởng cái Tết vui tươi, đầm ấm như bao gia đình khác, vì việc chống chọi với nước ngập để mưu sinh trong mùa mưa đã vắt kiệt sức lực của họ; chưa kể tình cảnh nợ đọng từ những ngày sống “di thê” phải tranh thủ làm thuê ngay trong những ngày Tết, có thu nhập khá hơn để trả nợ.

Khơi nguồn cuộc sống mới

Năm 2004, khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo chính quyền huyện Hoà Thành, tận mắt chứng kiến, thấu hiểu những khó khăn của người dân Trảng Mây, đặc biệt là vấn đề nước sinh hoạt trong những tháng nước ngập, ông Phan Văn Sử, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoà Thành, nay là Giám đốc Sở Nội vụ Tây Ninh đã chạy lo được một dự án trạm cung cấp nước sạch đưa đến từng hộ dân Trảng Mây, với kinh phí 950 triệu đồng. Cuối năm 2004, trạm cấp nước đi vào hoạt động đã mang lại nguồn nước sạch cho người dân khu vực Trảng Mây mà xưa nay họ nằm mơ cũng không thấy. Lúc này, dù vẫn còn phải sống cùng nước ngập mỗi mùa mưa, nhưng có nguồn nước sạch, cuộc sống của họ phần nào đã bớt vất vả.

Ở ấp Long Chí cũng có một cái trảng nhỏ hơn Trảng Mây, gọi là Trảng Chân Mày. Năm 2005, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đầu tư cho xã Long Thành Trung dự án làng nghề mây tre lá, các nhà thiết kế đã xây dựng được hệ thống mương thoát nước từ Trảng Chân Mày về khu vực Bàu Nổ, theo tuyến mương có sẵn thoát ra sông Vàm Cỏ Đông. Thấy dự án này thành công, lãnh đạo xã Long Thành Trung trăn trở nghĩ suy và quyết tâm tìm cách thoát nước cho Trảng Mây. Một trong những cán bộ xã rất tâm huyết và có công trong việc thoát nước khu vực Trảng Mây là ông Bùi Minh Cận – lúc ấy là Phó Chủ tịch UBND, nay là Bí thư Đảng uỷ xã. Ông Cận sống giáp ranh khu vực Trảng Mây nên hiểu được nỗi cơ cực của người dân ở đó. Khi có sự đồng tình của Đảng uỷ xã, ông Bùi Minh Cận cùng ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Ban quản lý dự án huyện Hoà Thành khảo sát, lập dự án thoát nước Trảng Mây với kinh phí tỉnh cấp là 200 triệu đồng.

Với quyết tâm cao và qua khảo sát thực tế, UBND xã Long Thành Trung đề nghị lãnh đạo huyện Hoà Thành cấp kinh phí cho thi công đào mương thoát nước khẩn cấp khu vực Trảng Mây với chiều dài 872 mét, rộng 2 mét, sâu 1,5 mét, dọc đường Nguyễn Chí Thanh. Ông Nguyễn Văn Hải khi ấy là Bí thư Huyện uỷ, ông Nguyễn Văn Lỹ, Chủ tịch UBND huyện đồng tình cao với phương án của xã ngay khi thị sát khu vực Trảng Mây. 14 giờ ngày 13.10.2007, dòng nước từ vùng trũng ào ào tuôn chảy theo mương thoát nước, đi đúng lộ trình, khởi đầu cho sự đổi thay của “vùng đất chết”.

Mùa xuân tìm lại

Sau khi dự án thoát nước thành công, lãnh đạo huyện Hoà Thành, xã Long Thành Trung lên kế hoạch, quyết tâm làm thay đổi sâu sắc đời sống vùng Trảng Mây. Năm 2009, Huyện uỷ, UBND huyện Hoà Thành chủ trương đầu tư xây dựng bê tông hoá hệ thống cống thoát nước khu vực Trảng Mây, theo lộ trình con mương nước đã thi công trước đó đến khu vực cống ngang Bàu Ếch thoát ra cầu Ông Hổ, với chiều dài toàn tuyến là 3.247m, kinh phí 2 tỷ đồng. Công trình hoàn thành, kể từ đó khu vực Trảng Mây ngập nước ngày nào đã không còn cảnh nước ngập khi mùa mưa đến.

Nhà lầu mới được xây dựng trên vùng Trảng Mây hôm nay

Xong chuyện nước nôi đến việc giao thông. Năm 2008, lãnh đạo xã Long Thành Trung đề nghị huyện Hoà Thành cho làm thí điểm một đoạn đường giao thông nông thôn ngắn ở khu vực Trảng Mây theo cách “Nhà nước và nhân dân cùng làm” với kinh phí gần 200 triệu đồng. Con đường hoàn thành đã thật sự thay đổi diện mạo đất Trảng Mây. Tiếp đến, năm 2009 - 2011, huyện Hoà Thành chủ trương làm tất cả những con đường chính của khu vực Trảng Mây với kinh phí 1,8 tỷ đồng. Đến nay các trục lộ dọc, ngang của vùng Trảng Mây đã làm xong. Trong thời gian này, Đảng, chính quyền, Mặt trận xã và các mạnh thường quân xây tặng cho các hộ dân nghèo Trảng Mây 10 căn nhà đại đoàn kết. Khi chúng tôi đến thăm để viết bài báo xuân này, bên những con đường đất đỏ phẳng phiu ở Trảng Mây, đã có khá nhiều căn nhà tường mọc lên, cùng nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh… Đến Trảng Mây hôm nay, chúng tôi không còn thấy những căn nhà lá lụp sụp, ngoi ngóp trên mặt nước, thay vào đó là những căn nhà khang trang mới xây. Trảng Mây ngày nay có hơn 120 hộ dân với hơn 700 nhân khẩu. Phần lớn người dân nơi đây đã có cuộc sống ổn định, đang tích cực sản xuất kinh doanh, hướng tới tương lai.

Và để thay lời kết bài viết về một “điểm nhấn” ở xã được chọn làm “mô hình mẫu” trong chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Tây Ninh, chúng tôi xin mượn mấy vần thơ mộc mạc của cụ Chín Hiếu, người già ở Trảng Mây viết tặng Đảng bộ, chính quyền xã Long Thành Trung:

“Từ nay hết ngập nhà, vườn

Đắp lộ, khai nước dân thường ở yên

Hoan hô cán bộ trung kiên

Xây dựng trong xã bình yên mọi nhà”

ĐỨC TIẾN - TẤN HƯNG