BAOTAYNINH.VN trên Google News

KÝ ỨC THÁNG TƯ 

Cập nhật ngày: 30/04/2019 - 17:08

BTNO - Theo chân những cựu chiến binh TP.Tây Ninh và Hội Cựu chiến binh phường 2, chúng tôi đến thăm Đại tá Nguyễn Lương, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 14 – một trong những đơn vị chủ lực tham gia giải phóng Tây Ninh.

Ông Nguyễn Lương sinh năm 1942, hiện ngụ tại phường 2, TP.Tây Ninh. Ông là một trong những nhân chứng lịch sử, trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 14 anh hùng đánh chủ công vào Tiểu khu Tây Ninh, cùng với các đơn vị khác giải phóng Tây Ninh vào ngày 30.4.1975.

Đại tá Nguyễn Lương.

Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh, ngày 14.4.1975, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị đặt tên chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn – Gia Định là chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong bối cảnh nhiệm vụ chung là tranh thủ giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa năm 1975, Quân uỷ và Bộ Chỉ huy Miền giao nhiệm vụ cụ thể cho Tây Ninh phải tự lực giải phóng địa phương mình; tổ chức đánh địch liên tục để kiềm chân Sư đoàn 25, liên đoàn Biệt kích 81 và cả lực lượng địch ở địa phương, không cho chúng rút chạy về Sài Gòn để góp phần tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực của ta tấn công giải phóng Sài Gòn.

Đại tá Nguyễn Lương cho biết, chấp hành chỉ thị của Trung ương, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã đề ra nhiệm vụ: xã tự giải phóng xã, huyện tự giải phóng huyện, không để địch ở địa bàn này sang cố thủ ở địa bàn khác, vận động quần chúng đưa con em tham gia lực lượng vũ trang.

Đại tá Nguyễn Lương cho biết thêm, hơn 3.000 người tình nguyện đã lên đường tham gia lực lượng vũ trang. Thời gian chuẩn bị cho chiến dịch khoảng 20 ngày, nhưng vẫn chưa biết chính xác là ngày nào sẽ thực hiện chiến dịch.

Trong thời gian này, Tỉnh uỷ triệu tập hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ mở rộng để quán triệt quyết tâm của Ðảng và bàn kế hoạch cụ thể giải phóng tỉnh, giải phóng từng huyện và đặc biệt là giải phóng thị xã - trung tâm đầu não của địch.

Chấp hành chỉ thị của Bộ Chỉ huy Miền, đêm 24.4.1975, Tây Ninh dùng 3 tiểu đoàn 14, 18, 20 tổ chức đánh chiếm cầu Bàu Nâu, cắt đứt quốc lộ 22, không cho Trung đoàn 49, thuộc Sư đoàn 25 nguỵ tháo chạy về Sài Gòn.

Đại tá Nguyễn Lương (trái) trò chuyện với các cựu chiến binh.

17 giờ ngày 26.4.1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Với tinh thần quyết tâm giải phóng quê hương, quân dân trong tỉnh đồng loạt nổi dậy, tiến công.

Theo lời kể của ông Nguyễn Lương, trong chiến dịch, ở các huyện trên địa bàn tỉnh thì huyện Tòa Thánh (Hoà Thành ngày nay) là địa bàn phức tạp, lực lượng quân sự của địch tập trung đông và bố trí từng khu vực để khống chế quần chúng. Trước tình hình trên, Tỉnh uỷ chỉ đạo dùng 2 biện pháp: chính trị và quân sự. Tăng cường cán bộ chính trị để vận động quần chúng đấu tranh, mũi quân sự phải đánh đúng đối tượng.

Ðêm 26.4.1975, thực hiện phương án đánh chiếm khu vực trung tâm huyện Toà Thánh, ta triển khai cho các tiểu đoàn, gồm Tiểu đoàn 20 đánh vào khu vực Long Hải. Tiểu đoàn 22 chia làm 3 mũi đánh chiếm các khu vực Lò Than, Trường Xuân, Trường Lưu. Tiểu đoàn 24 đánh chiếm khu vực Quy Thiện. Các đội biệt động mật, du kích mật và quần chúng được lệnh chuẩn bị nổi dậy phối hợp nhịp nhàng với lực lượng vũ trang để giáng đòn quyết định.

Thế trận đã bày sẵn, nhưng do hợp đồng tác chiến chưa chặt nên đêm 26.4.1975, Ban Chỉ huy chiến dịch phải ra lệnh tạm hoãn kế hoạch tấn công.

Do tiếp nhận lệnh không kịp thời nên Tiểu đoàn 20 vẫn tấn công đánh chiếm khu vực Trường Lưu, tiêu diệt Tiểu đoàn 315, 1 đại đội bảo an của địch và bao vây đồn Trường Ðức.

Cũng trong đêm đó, Tiểu đoàn 26 của Toà Thánh đánh vào khu vực Ninh Thạnh, bắt gọn đội phòng vệ dân sự ở đây và đứng chân ở suối Bà Phụng, chuẩn bị tấn công vào trung tâm Thị xã.

Ðêm 27.4.1975, thực hiện phương án đánh chiếm khu vực trung tâm huyện Toà Thánh, Tiểu đoàn 24 đánh chiếm Quy Thiện. Sáng hôm sau, các đơn vị đồng loạt nổ súng tấn công các mục mục tiêu.

Lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân bao vây, giải phóng hàng loạt đồn bót, dồn địch lui dần về trung tâm đầu não.

Riêng ở các huyện Gò Dầu, Trảng Bàng, Dương Minh Châu và Châu Thành lực lượng tại chỗ của huyện cũng đồng loạt tấn công các đồn, bót của địch và đa số các huyện đều được giải phóng vào ngày 29.4.

Tại Thị xã, vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 30.4.1975, qua máy bộ đàm, đại diện Ban chỉ huy chiến dịch giải phóng Tây Ninh đã gọi điện cho Tỉnh trưởng Bùi Đức Tài buộc ra lệnh cho binh lính buông súng đầu hàng.

Đại tá Nguyễn Lương chăm sóc cây kiểng.

Cùng lúc đó, pháo binh của ta từ núi Bà Ðen liên tục bắn vào Tiểu khu, Toà hành chính nguỵ. Trước tình thế nguy khốn, Trung đoàn 49, Sư đoàn 25, Biệt kích dù 81, Biệt động quân 33 và phần lớn Thiết kỵ binh 3 của địch tan rã và đầu hàng.

Đại tá Nguyễn Lương cho biết thêm, ngày 30.4 được xác định là ngày quyết chiến điểm của ta, tất cả các lực lượng đồng loạt tấn công.

Không chịu nổi những trận pháo như bão lửa của quân ta, 10 giờ ngày 30.4.1975, Ðại tá Bùi Ðức Tài- Tỉnh trưởng tỉnh Tây Ninh buộc phải dùng máy bộ đàm liên lạc với ta và cử người gặp để xin đầu hàng.

Đúng 10 giờ 30 phút cùng ngày, ông nhận được điện thoại của cấp trên là Tỉnh trưởng Bùi Ðức Tài tuyên bố đầu hàng.

11 giờ ngày 30.4.1975 thị xã Tây Ninh được hoàn toàn giải phóng trước khi Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện 30 phút.

Trong lúc lực lượng vũ trang tiến công giải phóng Thị xã, công nhân, nhân viên các nhà máy điện, nhà máy nước, bệnh viện, bưu điện… đã bảo vệ tại chỗ toàn bộ máy móc, tài sản nên khi thị xã được giải phóng các cơ sở phục vụ sinh hoạt công cộng hoạt động bình thường. Đó cũng là thắng lợi lớn của chiến dịch, là kết quả tốt đẹp giữa sự kết hợp tiến công vũ trang và nổi dậy của quần chúng tại chỗ.

"Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những kỷ niệm về một thời oanh liệt vẫn còn hiện rõ trên từng mảnh đất và con người Tây Ninh. Các thế hệ cha anh đi trước luôn tin tưởng vào thế hệ trẻ, nhưng các thế hệ tương lai của đất nước cần phát huy những thành quả cách mạng, lãnh đạo tỉnh nhà ngày càng phát triển", đại tá Nguyễn Lương nhắn nhủ.

Tố Tuấn