BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sáng nay 14-11, Quốc hội thảo luận về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018 

Cập nhật ngày: 14/11/2018 - 14:28

Sáng 14-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội chiều 13-11. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cũng trong sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2018. 

Sau khi nghe các báo cáo, Quốc hội thảo luận về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018.

Trong phiên họp chiều, Quốc hội biểu quyết Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019, sau đó thảo luận tại hội trường về dự án Luật Kiến trúc.

Luật Kiến trúc ra đời nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định liên quan đến kiến trúc, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc; góp phần hình thành đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật Kiến trúc trình xin ý kiến Quốc hội gồm 5 chương, 37 điều, quy định về quản lý kiến trúc, về hành nghề kiến trúc, về trách nhiệm quản lý nhà nước về kiến trúc.

Tại phiên họp tổ sáng 8-11, đa số ý kiến đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về dự án Luật Kiến trúc.

Theo đó, việc ban hành dự án Luật Kiến trúc là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý khắc phục hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực kiến trúc. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật còn quy định chung chung, một số nội dung còn trùng lặp, chưa làm nổi bật bản sắc kiến trúc Việt Nam.

Các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về các nội dung của dự thảo Luật: Phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc hoạt động kiến trúc; quản lý kiến trúc; quy định hành nghề kiến trúc; về Hội đồng Kiến trúc quốc gia; những hành vi bị cấm; phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; về thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc; về thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hành nghề kiến trúc; về yêu cầu quản lý kiến trúc đối với đô thị, nông thôn, phố cổ...

Nguồn TTXVN