BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bạn đọc viết: Sao không biến lục bình thành phân vi sinh?

Cập nhật ngày: 22/03/2010 - 05:53

Nạn lục bình (bèo tây) tấn công sông Vàm Cỏ Đông trong nhiều năm qua đã gây không ít khó khăn, phiền toái và thiệt hại không nhỏ về vật chất, mất không ít thời gian, công sức cho người dân sống hai bên bờ sông. Đã có nhiều cách làm, cách chống “giặc” lục bình này nhưng xem ra chưa cách nào có hiệu quả triệt để. Gần đây có sáng kiến của ông Tư Đảnh, lợi dụng nước lớn, nước ròng để “đuổi” lục bình về phía hạ lưu, và ngăn không cho lục bình theo con nước lớn trở lại Tây Ninh. Khi lục bình bị “giữ chân” ở phía hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông, lợi dụng nước thuỷ triều lên đưa nước lợ từ cửa sông theo con nước thuỷ triều để tiêu diệt lục bình. “Sáng kiến” này được xem là có khả thi, thế nhưng phía hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông thuộc địa phận tỉnh Long An, do vậy còn phải chờ ý kiến của địa phương này có đồng ý “tiếp nhận” lục bình bị “đuổi” từ Tây Ninh xuống không?

Vớt lục bình bằng máy, vừa tốn kém vừa không hiệu quả.

Lục bình là một loài thực vật sống trôi nổi trên sông nước, được coi như một loài cỏ, càng sống đông ken, nguồn nước càng ô nhiễm. Càng bẩn, loài cây này càng phát triển nhanh và rất tốt (cọng vươn cao). Tại sông Vàm Cỏ Đông nạn lục bình xâm chiếm như hiện nay có thể ví như đây là nạn “giặc cỏ”. Đã là giặc thì thứ giặc nào cũng gây hại, cần phải diệt tận gốc. Nhưng đối với “giặc cỏ” lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông ta có thể diệt nó để giải phóng dòng sông cho thông thoáng và đem lại lợi ích kinh tế thiết thực. Chứ cứ ra công ra sức “đuổi” nó đi thì chỉ là giải pháp “mở đường” để “bơi qua ao bèo”, khi đã “bơi” qua được rồi thì “ao bèo” lại đâu vào đấy.

Chúng tôi xin đề xuất một cách diệt lục bình, dùng làm nguyên liệu chế biến phân hữu cơ, như nhiều nơi đang làm, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Việc này nghe có công ty nào đó đã tính toán nhưng không thực hiện được, có lẽ vì hiệu quả kinh tế và lợi nhuận không cao, nên họ không thực hiện (vì là Công ty kinh doanh thì mọi thứ đều phải lấy lợi nhuận làm hàng đầu). Giải pháp của tôi là dùng sức mạnh toàn dân. Chính những người dân có diện tích canh tác hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông sẽ là những chiến sĩ sông pha vào chiến dịch diệt “giặc cỏ” lục bình. Cách làm: Lục bình vớt lên thành từng đống (trọng lượng khoảng 1 tấn/đống). Rải kèm vào đống lục bình được vớt lên một lớp phân chuồng (hoặc bùn sình từ đáy sông) khoảng 300 kg, cùng với 2 kg supe lân, hoặc 10 kg vôi bột, và 20 gam men Trichodenma hoặc 0,5 kg men BioVAC. Sau đó dùng bạt ni-lông đậy kín. Sau 3 tuần mở bạt đảo sơ và tưới thêm nước, đậy bạt ủ tiếp cho đủ 45 ngày. Chi phí cho một đống ủ chỉ tốn khoảng 75.000 đồng mua men và vôi, hoặc supe lân (không tính công, bạt đậy, phân chuồng) là ta có 1 tấn phân hữu cơ vi sinh. Với cách làm này, 1 ha ruộng trồng lúa hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông chi phí ủ 4 đống phân hữu cơ từ cỏ lục bình, khi bón cho 1 ha lúa có thể giảm chi phí từ 30 đến 70% lượng phân hoá học. Ngoài ra phân vi sinh ủ từ thân cỏ lục bình loại này còn có tác dụng làm tăng độ phì nhiêu của đất. Loại phân bón này nếu sử dụng cho việc trồng rau sạch, rau an toàn thì rất tốt, bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

 Để mọi người dân thấy được nguy cơ “giặc cỏ” lục bình gây ra và tác dụng khi diệt nó để làm phân bón, trước hết cần tuyên truyền và phát động rộng rãi trong nhân dân đang cư trú và có diện tích canh tác hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông. Làm sao để mọi người, mọi nhà cùng ra tay, chung sức tiêu diệt loại “giặc cỏ” lục bình, biến nó thành nguồn phân bón hữu cơ có lợi cho trồng cấy. Đã gọi là “giặc” thì phải ra tay tiêu diệt, mọi người, mọi nhà cùng có trách nhiệm, nghĩa vụ diệt giặc. Chính quyền các cấp cần hướng dẫn, tổ chức cho người dân chung tay diệt “giặc cỏ” lục bình và có chính sách hỗ trợ kinh phí, khuyến khích người dân tích cực biến thứ “giặc cỏ” lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông thành phân bón đem lại hữu ích cho cuộc sống. Có sự chung sức đồng lòng của người dân, chắc chắn “giặc cỏ” lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông sẽ bị tiêu diệt, đem lại lợi ích thiết thực.

NGUYỄN CÔNG DÂN