BAOTAYNINH.VN trên Google News

Các bệnh viện sẽ có hệ thống xử lý chất thải vào năm 2011

Cập nhật ngày: 13/08/2009 - 01:42

Trong nhiều năm qua, nguồn rác thải và nước thải y tế chưa được xử lý đúng quy định là một trong những vấn đề mà các ngành chức năng và chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh đều thiếu hệ thống xử lý rác thải, nước thải hoặc có hệ thống xử lý nhưng đã bị hư hỏng, không vận hành được. Do đó, một số nơi áp dụng biện pháp đốt thủ công hoặc chôn lấp rác thải y tế, còn nước thải thì… đành chịu.

Lò đốt chất thải y tế ở Bệnh viện Đa khoa TN.

Theo Quyết định số 1129/QĐ-UBND ngày 12.6.2009 về việc ban hành kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường năm 2009, toàn tỉnh có 13 trung tâm y tế, bệnh viện phải lập đề án bảo vệ môi trường, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải và đưa vào hoạt động, đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại đúng quy định.

Trao đổi với phóng viên về thực trạng xử lý chất thải y tế trong thời gian qua, lãnh đạo Sở Y tế cho biết: Qua giám sát 17 cơ sở y tế (gồm bệnh viện và phòng khám đa khoa tư nhân), ngành chức năng ghi nhận các cơ sở này có thực hiện khâu phân loại chất thải y tế nguy hại, không để lẫn chất thải nguy hại với chất thải sinh hoạt. Tại các khoa, phòng của các cơ sở y tế đều có túi đựng chất thải, nhưng có đến 80% các đơn vị không trang bị túi nhựa PE hoặc PP theo quy định mà chỉ sử dụng túi nhựa PVC bán trên thị trường. Đồng thời, các túi chứa chất thải này không được dán nhãn mác ghi nơi phát sinh chất thải theo quy định.

Hiện trong số 17 cơ sở y tế nói trên có 7 cơ sở không có lò đốt, 10 cơ sở còn lại có lò đốt (7 lò thủ công) đang vận hành. Các lò này không được trang bị hệ thống xử lý khí thải độc trước khi thải ra môi trường. Ở một số cơ sở y tế, do diện tích đất hạn hẹp, nơi đặt lò đốt gần khu dân cư nên khí thải đã làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Ở một số lò đốt thủ công, do nhiệt độ đốt không cao nên không tiêu huỷ hết chất thải y tế nguy hại như kim tiêm, chai lọ thuỷ tinh. Sau khi đốt, các cơ sở này phải đào hố chôn những chất thải nguy hại chưa tiêu huỷ hết. Tuy nhiên, về lâu dài, cách làm như thế gây tình trạng ô nhiễm nặng cho đất và mạch nước ngầm.

Hiện chỉ có Bệnh viện ĐK tỉnh và Bệnh viện ĐK huyện Dương Minh Châu có hệ thống xử lý rác thải và nước thải y tế đang vận hành. Kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải và nước thải y tế ở mỗi bệnh viện trên một tỷ đồng. Hằng tháng, Bệnh viện ĐK Tây Ninh phải chi 50 triệu đồng, Bệnh viện ĐK huyện Dương Minh Châu chi 30 triệu đồng cho việc vận hành hệ thống xử lý chất thải. Đây là một nguồn chi quá lớn đối với các bệnh viện trong điều kiện kinh phí hoạt động còn hạn hẹp.

Từ nay đến cuối năm 2009, ngành Y tế sẽ xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý chất thải y tế cho các bệnh viện đa khoa ở các huyện Gò Dầu, Tân Biên, Bệnh viện lao và bệnh phổi. Một số bệnh viện còn lại sẽ được xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế vào năm 2010 và 2011. Trạm y tế ở các xã (phường, thị trấn) và các cơ sở y tế ngoài công lập vẫn tiếp tục thực hiện phương pháp xử lý rác thải bằng cách đốt, chôn hoặc thu gom đưa đi xử lý.

ĐÌNH CHUNG