BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đại dịch cúm A/H1N1: Diễn biến và dự báo

Cập nhật ngày: 02/09/2009 - 05:39

Kể từ khi ca bệnh cúm A/H1N1 đầu tiên xảy ra tại Mexico vào ngày 18.3.2009, sau 5 tháng, dịch đã lây lan ra hơn 180 quốc gia/vùng lãnh thổ. Hiện nay bệnh đang có xu thế ngày càng gia tăng cả về số ca mắc và tử vong; đặc biệt là các nước thuộc Nam bán cầu, vì khu vực này đang bước vào mùa lạnh.

Tại Việt Nam các ca mắc cũng không ngừng tăng lên mỗi ngày. Tại Tây Ninh vào tháng 8.2009 diễn biến cúm cũng rất phức tạp, có ngày ghi nhận đến 7 ca dương tính, nguy hiểm hơn là cúm đã lây lan trong cộng đồng. Tính đến ngày 2.9.2009, Tây Ninh ghi nhận có 67 ca dương tính với cúm A/H1N1; chuyển về điều trị tại các bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh 7 ca, quản lý điều trị tại tỉnh 60 ca và đã xuất viện 41 ca, hiện nay còn quản lý điều trị 19 ca dương tính và 69 ca nghi ngờ, không có trường hợp tử vong. Như vậy cúm A/H1N1 đã xuất hiện 9/9 huyện, thị. Đặc biệt, xuất hiện chùm ca bệnh cúm tại các trường THPT Trần Đại Nghĩa (Thị xã), Mạc Đĩnh Chi (Hoà Thành) và THCS Lộc Hưng (Trảng Bàng). Ngoài ra có một vài trường cũng có xuất hiện ca bệnh dương tính với cúm A/H1N1.

Chuẩn bị xử lý ổ dịch.

Trong lịch sử, đại dịch cúm đã xảy ra rất nhiều lần, người ta ghi nhận chu kỳ dịch xảy ra mỗi 32 năm và mỗi khi virus có sự biến đổi gen. Trong thế kỷ trước, trận đại dịch năm 1918 nổ ra đầu tiên tại Tây Ban Nha giết chết hơn 40 triệu người trên toàn thế giới, virus gây ra là H1N1. Trận đại dịch năm 1957 tại châu Á do H2N2, năm 1968 tại Hồng Kông do H3N2, mỗi trận ước tính số tử vong trên dưới 4 triệu người. Virus H1N1 2009 không phải là H1N1 năm 1918, gen của nó là sự tái tổ hợp của bốn kiểu gen: cúm heo Bắc Mỹ, cúm heo Á/Âu, cúm người và cúm gia cầm. Đây là kiểu gen chưa từng xuất hiện trong lịch sử; miễn dịch cộng đồng chưa có; vắc-xin chưa có.

Biểu hiện bệnh cúm A/H1N1 cũng giống như cúm thường. Theo ghi nhận của Bệnh viện Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh, biểu hiện bệnh cúm A/H1N1: sốt (91%), ho (55%), sổ mũi (20%), đau họng (27%), tiêu chảy (2%). Bệnh có thể dẫn tới biến chứng nặng và tử vong. Hiện nay các ca tử vong thường xảy ra trên người có bệnh mãn tính. Vì vậy lời khuyên cho những người trên 65 tuổi, trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh tiểu đường, tim mạch, suyễn, AIDS, béo phì… là cần phát hiện sớm nhiễm cúm A/H1N1 để nhập viện sớm. Phương thức lây bệnh chủ yếu là tiếp xúc gần, bị lây virus qua giọt bắn ra từ người mang mầm bệnh khi họ nói chuyện, ho, nhảy mũi trong vòng cự ly một mét. Ngoài ra, khi người mang mầm bệnh dùng tay che miệng, mũi trong lúc ho, nhảy mũi, tay họ sẽ bị nhiễm rất nhiều virus, khi họ bắt tay người khác hoặc cầm nắm các vật dụng công cộng (gọi chung là bề mặt) như vòi nước, tay vịn cầu thang, quả nắm cửa, tiền… cũng sẽ làm những vật đó bị nhiễm virus. Người khác vô tình cầm nắm các vật dụng đó sẽ dễ bị lây bệnh.

Việc phòng bệnh cúm A/H1N1 cần thực hiện các khuyến cáo của ngành Y tế, tuy nhiên cần biết rằng chúng ta không nên hy vọng tuyệt đối vào việc đeo khẩu trang để phòng bệnh.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn có cồn, đồng thời tổ chức lau chùi bề mặt, vật dụng hằng ngày bằng dung dịch sát khuẩn thông thường là hết sức quan trọng, nhất là những nơi đông người: khu tập thể, trường học, xí nghiệp…. Trong cộng đồng, người có triệu chứng cúm cần hạn chế đi lại, đeo khẩu trang, che miệng mũi khi ho, nhảy mũi bằng khăn giấy dùng một lần (không che bằng tay), sau đó rửa tay với xà phòng. Đối với người khoẻ, tránh tiếp xúc với người có triệu chứng cúm, khi tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bệnh từ một mét trở lên.Trong khu vực đông người như nêu trên, khi xuất hiện một người có triệu chứng cúm cần cách ly riêng và thông báo cho y tế. 

Về thắc mắc: người đã mắc cúm A/H1N1 có miễn dịch hay không, câu trả lời là hiện nay chưa có nghiên cứu nào về sự miễn dịch

Đo thân nhiệt từ xa tại CK Mộc Bài.

sau nhiễm của cúm A/H1N1. Tuy nhiên, người đã nhiễm các loại cúm nói chung đều có miễn dịch và kéo dài không mắc cúm đó ít nhất một năm nhưng điều kiện miễn nhiễm là virus không biến chủng (thay đổi cấu trúc gen).

Hiện nay virus cúm đại dịch cường độ lây rất mạnh, nhưng độc lực vẫn còn thấp, những ca mắc không có tiềm ẩn các yếu tố thúc đẩy sẵn có (bệnh mãn tính) thì đại đa số cũng tự khỏi, không cần can thiệp của y tế. Cúm có thể diễn biến theo hai hướng; thứ nhất, độc lực như hiện nay hoặc giảm nhẹ hơn; thứ hai, virus biến chủng sẽ tăng độc lực, đặc biệt nó có thể tái tổ hợp gen của virus cúm A/H5N1, lúc đó tử vong sẽ tăng lên rất nhiều. Kinh nghiệm từ hai trận đại dịch năm 1918 và 1957, virus biến chủng và tăng độc lực gây tử vong hàng loạt vào mùa đông. Các nhà dịch tễ học đã dự đoán đại dịch cúm khi lên đỉnh điểm sẽ gây ra 30% dân số Việt Nam bị mắc cúm, trong đó nhập viện 3% và tử vong 0,5%. Dự báo đại dịch sẽ kéo dài 1 năm, sau đó chuyển sang lưu hành theo mùa.

Đại dịch cúm sẽ tác động xấu đến kinh tế, xã hội. Tác hại rõ nét đối với đời sống con người là mất thu nhập, lo lắng bảo vệ người thân trước nguy cơ lây nhiễm, bị kỳ thị khi nhiễm bệnh, học hành ngưng trệ, các dịch vụ cho mọi người bị suy giảm và không còn dễ dàng như trước, tăng gánh nặng trong việc chăm sóc sức khoẻ…

Cuối cùng, chúng ta phải dự kiến tình trạng xấu nhất để có kế hoạch duy trì hoạt động cần thiết cho xã hội khi đại dịch hoành hành mạnh nhất. Hiện nay, tại Việt Nam cúm A/H1N1 còn đang tăng từng ngày. Tây Ninh đã xuất hiện chùm ca bệnh trong trường học và có xu hướng lan rộng, vì vậy trách nhiệm của nhà trường, công ty, xí nghiệp… là phải tổ chức phòng chống thật tốt. Mặt khác từng cá nhân, gia đình, cộng đồng phải thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành Y tế, chung tay góp sức ngăn chặn sự lây lan của bệnh. Nếu không, khi mùa lạnh đến, nếu virus có sự biến chủng thì hậu quả khó lường.

NVC