BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đất kênh thuỷ lợi - nhiều chuyện phải lo...

Cập nhật ngày: 12/04/2011 - 06:59

Kỳ cuối: Cần giải quyết đồng bộ, dứt khoát

Trong thực tế, quan điểm của ngành chức năng và chính quyền địa phương về việc “trả đất lưu không” cũng chưa có sự thống nhất. Có địa phương căn cứ từ thực tế địa phương và theo quan điểm cá nhân mà đưa ra hướng giải quyết. Bởi việc trả đất kênh hoang chưa có quy định chung, thống nhất của Trung ương hoặc văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh. Do đó, nếu để “mỗi nơi làm một kiểu”, trong quá trình “trả đất kênh hoang” hoặc cấp bổ sung đất lưu không sẽ nảy sinh tranh chấp, khiếu nại và có cả sự “so bì” giữa người dân: “Đất kênh tương tự nhau, tại sao ông A ở huyện X được cấp, còn tôi ở huyện T thì không?”. Đây cũng là điều mà một số địa phương băn khoăn, chưa “mạnh dạn” trong việc cấp bổ sung đất lưu không cũng như “trả đất kênh hoang”. Bên cạnh đó, tình trạng “vi phạm tràn lan”, xâm phạm sự an toàn của các công trình thuỷ lợi ở tỉnh ta chưa được xử lý nghiêm là điều mà chính quyền địa phương và ngành chức năng cần quan tâm hơn.

Kênh, đường và nhà dân lẫn lộn, nhếch nhác ở một khu dân cư thuộc Thị xã

Nhiều công trình thuỷ lợi bị xâm hại

Vừa qua, Viện khoa học Thuỷ lợi Việt Nam (thuộc Bộ NN&PTNT) tổ chức điều tra đánh giá tình hình thực hiện pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi đối với một số công trình là cống và kênh dẫn thuộc hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng Tây Ninh. Trong 9 phiếu điều tra ở 9 tuyến kênh, có 3 phiếu ghi nhận các trường hợp lấn chiếm vùng phụ cận của kênh (phần lưu không) để xây dựng công trình trái phép; 5 phiếu ghi nhận các trường hợp vi phạm quy định cấm trồng cây lâu năm trong phạm vi lưu không kênh, chân kênh. Điều này cho thấy, thực trạng vi phạm các quy định về bảo vệ công trình thuỷ lợi ở các tuyến kênh trên địa bàn tỉnh là khá “phổ biến”. Nói như một cán bộ Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng thì “vi phạm tràn lan”.

Những trường hợp thể hiện trong phiếu điều tra chỉ là “bề nổi” ở rất ít trong số nhiều tuyến kênh ở tỉnh ta. Theo Xí nghiệp Thuỷ lợi huyện Gò Dầu, trên tuyến kênh N7 (thị trấn Gò Dầu, dài 1.568m), khoảng từ năm 2001 đến năm 2010, Xí nghiệp đã phát hiện 7 vụ vi phạm như ban xẻ bờ kênh, xây hàng rào lấn chân kênh, trồng trụ điện trên bờ kênh. Còn theo Xí nghiệp Thuỷ lợi Trảng Bàng, cũng khoảng từ năm 2001 đến 2010, trên kênh N13 (thị trấn Trảng Bàng, dài 3.434m), phát hiện 5 vụ trồng cây lâu năm trong phạm vi lưu không và chân kênh…

Nhận định về nguyên nhân tồn tại các vụ vi phạm, cơ quan quản lý kênh cho biết: “Chính quyền địa phương chưa kiên quyết xử lý”. Ngoài ra, tình trạng chăn thả gia súc, gia cầm, thuỷ cầm trong lòng kênh và trên bờ kênh làm xói lở, hư hại kênh cũng diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi chưa được xử lý kịp thời.

Băn khoăn việc “trả đất kênh hoang”

Tại một cuộc họp bàn về việc “trả đất kênh hoang”, thành phần tham dự gồm lãnh đạo UBND huyện Châu Thành, lãnh đạo Chi cục Thuỷ lợi Tây Ninh, Công ty Khai thác thuỷ lợi tỉnh… một vị Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành đề nghị: Đây là đất chuyên dùng, diện tích đất không lớn nhưng lại trải dài, đề nghị trả lại đất cho dân, (mỗi người khoảng chừng vài trăm m2), bổ sung diện tích (mới) vào sổ đỏ cho từng chủ hộ. Chính quyền địa phương và ngành chức năng sẽ thông báo chủ trương này cho nhân dân biết và tự san lấp; huyện phân công cán bộ phòng kinh tế hạ tầng theo dõi, cán bộ địa chính đo vẽ hiện trạng.

Một số ý kiến khác cho rằng nên giao đất cho tổ chức hay cá nhân trước khi san lấp để tránh tranh chấp, vì chắc chắn trong quá trình “trả đất” sẽ có phát sinh tranh chấp. Trước những ý kiến này, lãnh đạo UBND huyện Châu Thành đưa ra quan điểm giải quyết: Nếu chủ cũ trực tiếp sản xuất, đồng thời sở hữu không quá 3 ha thì trả lại phần đất trước đây đã sử dụng của họ để làm kênh. Nếu chủ cũ đã sang nhượng khu đất nơi tuyến kênh đi qua thì ưu tiên giao cho người trực tiếp sử dụng và người có ít đất. Nếu có tranh chấp, Nhà nước sẽ trực tiếp quản lý. Để giải quyết việc giao trả đất kênh cho thuận lợi, hợp lý huyện sẽ cử cán bộ cùng cán bộ xã xuống hiện trường xem xét cụ thể, tham mưu từng trường hợp, tránh dư luận cho rằng “Nhà nước trưng thu đất của dân, nay không sử dụng vào công trình công cộng lại giao cho người khác”. Một số ý kiến khác đề nghị, để thấu tình đạt lý, trước khi trả đất lại cho dân, nên họp tổ, ấp để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân địa phương.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đến nay, việc “trả đất lưu không” vẫn còn chưa ngã ngũ, chưa có sự thống nhất giữa các địa phương, giữa các cơ quan chức năng trong cùng một địa phương. Ông Lê Thành Công, Giám đốc Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Tây Ninh cho biết: Các ngành chức năng cấp tỉnh có nhiệm vụ rà soát và tham mưu UBND tỉnh quyết định “xoá” các tuyến kênh thừa. Còn việc giải quyết cụ thể như thế nào là do UBND cấp huyện quyết định, có trả cho dân hay không là do huyện.

Cấp bổ sung đất lưu không: không đơn giản

Cuối năm 2007, UBND huyện DMC báo cáo đã xác định vị trí, diện tích và trữ lượng đất trên lưu không dọc hai tuyến kênh chính Đông, Tây qua địa bàn huyện quản lý gồm: 329.575m2. Nếu khai thác ở độ sâu bình quân 1 mét, toàn huyện sẽ  “có thêm” 329.575m3 đất phún, sét có chất lượng tốt phục vụ các công trình công cộng ở địa phương, tiết kiệm được tài nguyên đất (thay vì phải quy hoạch, khai thác ở mỏ), tiết kiệm được tiền của (chi phí phát sinh trong quá trình quy hoạch, khảo sát, đo đạc… khi khai thác đất khoáng sản ở mỏ).

Được biết, từ năm 2007, UBND huyện Dương Minh Châu đã có kế hoạch cấp giấy CNQSDĐ bổ sung cho những hộ đã được cấp trước đó nhưng không cấp CNQSDĐ phần lưu không. Tuy nhiên, huyện tỏ ra thận trọng: cần phải nắm chặt lại các trường hợp cụ thể của từng người sử dụng đất, tình trạng biến động đất trong dân để có giải pháp thật cụ thể khi giải quyết, tránh gây xáo trộn và tạo nên “cơn sốt” về tranh chấp đất trong phạm vi lưu không chưa được cấp “sổ đỏ” trước kia. UBND huyện DMC có chủ trương rất “được lòng dân”: Khuyến khích người dân cải tạo đất, mở rộng diện tích sản xuất trồng cây hằng năm trong phạm vi đất lưu không, đồng thời nghiêm cấm người dân không được sử dụng đất trong phạm vi lưu không để xây dựng công trình kiên cố hoặc trồng cây lâu năm hay buôn bán, vận chuyển phần đất vật liệu trong phạm vi đất lưu không. Vì việc cấp bổ sung đất lưu không “không đơn giản” nên cho đến nay, nhiều hộ dân có nhu cầu đăng ký cấp bổ sung phần diện tích đất lưu không bị “chừa ra” trước đây chưa được giải quyết.

Hiện tại, ven các tuyến kênh chính Đông và Tây còn tồn tại nhiều “bãi vật liệu” với trữ lượng lớn. Đây là phần đất, đá thừa được đổ trên đất trong phạm vi lưu không hoặc ngoài lưu không khi làm kênh trước đây. Về lý thuyết, những “bãi vật liệu” này do chính quyền địa phương quản lý. Để được khai thác, cấp huyện phải xin chủ trương của UBND tỉnh và có sự tham mưu đồng thuận của Sở TN&MT. Tuy nhiên, thực tế lại không hẳn như thế. Có không ít đất phún, sỏi, đất sét ở ven các tuyến kênh bị người dân khai thác hoặc bán trái phép, hoặc bị một số người lén lút khai thác thu lợi nhưng chính quyền địa phương “không biết” hoặc không kịp thời ngăn chặn, xử lý. Trước thực trạng này, UBND huyện DMC dự định trước khi cấp cho dân, UBND huyện giao cho UBND các xã quản lý, khai thác tận thu các bãi vật liệu để phục vụ các công trình công cộng.

Tuy nhiên, UBND huyện DMC lại băn khoăn về 2 việc: Thứ nhất là việc cắm mốc phạm vi lưu không ở hầu hết các tuyến kênh chưa được triển khai thực hiện, ngay cả 2 tuyến kênh chính Đông và Tây. Do đó, huyện chưa có đủ cơ sở để xác định phạm vi lưu không theo quy định. Thứ hai, chưa có sự phân cấp quản lý cụ thể, rõ ràng để huyện (cũng như các địa phương khác) có thể tận thu khai thác khoáng sản trong phạm vi lưu không các tuyến kênh chính nhằm phục vụ các công trình công cộng vốn đang rất thiếu đất san lấp, đất phún.

BẢO TÂM