BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hàn Quốc huỷ phóng tên lửa KSLV-1

Cập nhật ngày: 30/11/2012 - 05:53

Chiều 29.11, Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) cho biết, Hàn Quốc đã huỷ phóng tên lửa đẩy KSLV-1 đưa vệ tinh STSAT-2C (hay còn gọi là Naro-1) lên quỹ đạo, do tên lửa bị sự cố ở tầng hai.

Theo kế hoạch, tên lửa này được phóng đi lúc 16 giờ (giờ địa phương), nhưng bộ đếm đã dừng lại khi chưa đầy 17 phút nữa là tên lửa rời bệ phóng.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Cho Yul-rae cho hay: “Dấu hiệu bất bình thường được phát hiện ở hệ thống điều khiển lực đẩy của tầng trên trên lửa”, do đó vụ phóng buộc phải dừng lại. Hiện chưa rõ khi nào vụ phóng được tiến hành trở lại.

Trung tâm vũ trụ Nga Khrunichev chế tạo tầng thứ nhất của tên lửa KSLV-1, sử dụng công nghệ nhiên liệu lỏng, theo một thoả thuận từ năm 2004. Trong khi tầng thứ hai sử dụng nhiên liệu rắn và khoang chở hàng, do Hàn Quốc thiết kế và chế tạo.

KSLV-1 là loại tên lửa đẩy sử dụng để mang vệ tinh vào quỹ đạo, tên lửa có chiều dài 33m, đường kính 3m, trọng lượng 140 tấn, tổng trị giá 403,7 triệu USD. Tên lửa này có khả năng đưa vệ tinh nặng tới 100kg vào quỹ đạo.

Quả tên lửa 140 tấn này dự định được phóng đi từ Trung tâm Vũ trụ Naro của Hàn Quốc, vốn được xây dựng cách thủ đô Seoul 485km về phía Nam,  mang theo vệ tinh STSAT 2C lên quỹ đạo để thu thập các dữ liệu về bức xạ không gian.

Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng, vụ phóng tên lửa KSLV-1 phải hoãn vào phút chót do gặp sự cố. Trước đó, chiều 26.10, KSLV-1 đã được kéo ra bệ phóng và chuẩn bị phóng thì bất ngờ bị rò rỉ khí gas ở tầng đầu của tên lửa đẩy khiến Seoul phải tạm dừng vụ phóng vệ tinh.

Năm 2009, tên lửa đẩy này đã thất bại trong việc đưa vệ tinh khoa học nặng 100kg vào quỹ đạo. Vào thời điểm đó, Bộ Khoa học Hàn Quốc cho rằng, nguyên nhân khiến vệ tinh trên không vào được đúng quỹ đạo dự kiến là do một trong hai lớp bọc vệ tinh ở đầu tên lửa không bong ra khỏi tên lửa sau khi đã mở để chuẩn bị phóng vệ tinh. Do vậy, tên lửa KSLV-1 không đạt được tốc độ cần thiết. Sau đó, vệ tinh này đã rơi xuống Trái đất và bốc cháy. 

Lần thất bại kế tiếp xảy ra năm 2010, khi đó tên lửa đẩy KSLV-1 đã nổ tung chỉ sau 2 phút rời bệ phóng.

THUÝ TRINH

Theo Ria Novosti