BAOTAYNINH.VN trên Google News

Iraq, không còn là chuyện của Mỹ

Cập nhật ngày: 18/12/2011 - 04:18

Những người lính chiến cuối cùng của quân đội Mỹ tại Iraq đã vượt qua biên giới giáp với Kuwait, hoàn thành trước thời hạn việc rút quân (31.12.2011), chấm dứt 9 năm viễn chinh ở quốc gia vùng Vịnh Ba Tư này.

Hãng tin Reuters và Al Jazeera cho biết, đoàn xe quân sự 110 chiếc chở 500 lính Mỹ đã vượt cửa khẩu Iraq – Kuwait vào lúc 7h38’ ngày 18.12 (giờ địa phương). Hàng chục lính Mỹ đứng bên đất Kuwait vẫy tay chào đồng đội và chụp ảnh đoàn xe để lưu lại thời khắc lịch sử. Hiện tại Iraq, chỉ còn khoảng 200 lính đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.

Việc Mỹ rút quân có thể được xem là kết thúc một cuộc chiến tranh mà cho đến bây giờ dự luận cộng đồng quốc tế vẫn còn tranh cãi đúng – sai. Nhưng điều mà lịch sử ghi nhận rằng, cuộc chiến đã làm cho hàng chục ngàn người Iraq, gần 4.500 lính Mỹ thiệt mạng, hàng trăm ngàn người bị thương và 1,75 triệu người Iraq mất nhà cửa và để lại một đất nước chưa bao giờ có một ngày bình yên. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra quanh việc liệu chính quyền và lực lượng an ninh Iraq có đủ sức điều hành, kiểm soát tình hình đất nước hay không.

Những đoàn xe quân sự cuối cùng của quân đội Mỹ vượt biên giới sang lãnh thổ Kuwait

Rất nhiều người Iraq cảm thấy lo lắng và bất an trước viễn cảnh tương lai. Việc cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein bị treo cổ vào năm 2006 không thể tạo cho họ niềm tin và hy vọng khi đất nước chìm trong cuộc nội chiến nồi da xáo thịt, mà khởi đầu của nó là một cáo buộc vô căn cứ, không bằng chứng về việc chính quyền Saddam Hussein chế tạo vũ khí huỷ diệt.

Ngày 20.3.2003, cũng rất nhiều người dân Iraq hoan hỉ khi Mỹ phát động cuộc chiến, và bây giờ là tháng 12.2011, chắc chắc cũng từng ấy oán hận việc người Mỹ lặng lẽ “cuốn cờ”, để lại cho họ một đất nước bị tàn phá với hàng ngàn mẹ goá, con côi và một dân tộc bị chia rẽ sâu sắc vì xung đột tôn giáo, xung đột sắc tộc… Ngay cả trong nội bộ chính phủ, tình trạng tranh giành quyền lực vẫn chưa được giải quyết rốt ráo khi liên minh cầm quyền giữa người Shi’ite, người Sunni và người Kurd cứ chực chờ tan rã. Mới đây nhất, chính trường Iraq lại bùng phát một cuộc khủng hoảng mới khi Iraqiya - khối chính trị của người Sunni tuyên bố tẩy chay quốc hội nhằm phản đối Thủ tướng Nuri al-Maliki. Khối Iraqiya do cựu Thủ tướng Iyad Allawi đứng đầu, chỉ trích Thủ tướng Maliki trì hoãn trong những cam kết thành lập một chính phủ hợp tác chia sẻ quyền lực.

Tại Washington, khi những người lính cuối cùng rời khỏi Iraq, Tổng thống Mỹ Barack Obama thở phào nhẹ nhõm vì đã thực hiện xong lời hứa rút quân khỏi Iraq trước cử tri. Ông đã có thể an tâm lo chuyện chuẩn bị tranh cử, còn vấn đề hậu chiến hay tái thiết Iraq, bây giờ không còn là chuyện của nước Mỹ…

Đ.H.T

Tổng hợp