Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Loay hoay chuyện đánh giá

Cập nhật ngày: 13/08/2014 - 05:13

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (Hoà Thành) nộp bài tập để cô giáo chấm điểm.

Sau khi bản dự thảo thông tư nói trên được ban hành, nhiều tờ báo lập tức đưa tin, có tờ giật tít: “Không chấm điểm học sinh tiểu học” hoặc “Bỏ chấm điểm học sinh tiểu học”. Thật ra, bản dự thảo thông tư vẫn quy định chấm điểm đối với học sinh tiểu học- không phải bỏ hoàn toàn (sẽ nói rõ ở phần sau). Một số tờ báo đã thiếu thận trọng trong đưa tin nên mới khiến cho người đọc hiểu lầm.

Trở lại vấn đề đang được giáo viên, học sinh và phụ huynh quan tâm, theo tinh thần chính của bản dự thảo thông tư thì cách thức đánh giá có sự thay đổi. Theo đó, các bài kiểm tra và hình thức kiểm tra thường xuyên ở bậc tiểu học như kiểm tra miệng, kiểm tra một tiết sẽ không còn được chấm bằng điểm số mà bằng lời nhận xét của giáo viên. Trong năm học chỉ còn hai bài kiểm tra được đánh giá bằng hình thức chấm điểm là kiểm tra cuối học kỳ một vài bài kiểm tra cuối học kỳ hai.

Mục đích đánh giá bằng hình thức nhận xét, theo giải thích của Bộ là nhằm giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động trải nghiệm ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học; kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ và những khó khăn không thể tự vượt qua của học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ. Giáo viên nhận định đúng những ưu điểm nổi bật và những hạn chế của học sinh để có giải pháp kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học. Việc thay đổi hình thức đánh giá còn giúp học sinh có khả năng tự đánh giá, tham gia đánh giá; tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác; có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ… Nguyên tắc được đưa ra là phải vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy được hết khả năng của mình; bảo đảm kịp thời, công bằng, khách quan. Trong đó lưu ý giáo viên khi đánh giá không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh. Trên cơ sở ý thức học tập cũng như khả năng học của học sinh, giáo viên có thể đánh giá học sinh theo tuần hoặc tháng.

Xung quanh bản dự thảo nói trên, dư luận báo chí có nhiều ý kiến khác nhau. Một cán bộ giàu kinh nghiệm chuyên môn ở bậc tiểu học thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo Tây Ninh cho biết: mỗi hình thức đánh giá đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Năm học 2013 - 2014, việc bỏ hình thức đánh giá bằng chấm điểm đã được thực hiện đối với học sinh lớp 1 ở những trường đại trà và một vài trường học tổ chức theo mô hình mới. Để việc đánh giá bảo đảm tính khoa học, hạn chế những yếu tố cảm tính trong khi nhận xét, các cơ quan chuyên môn đã soạn sẵn các mẫu nhận xét để giáo viên tham khảo và có thể căn cứ vào đó để ghi nội dung nhận xét. Vẫn theo lời vị cán bộ trên, tâm lý chung của cả học sinh lẫn phụ huynh các em là muốn nhìn thấy điểm 10 trong vở. Điểm 10 có thể tạo ra sự phấn khích nhưng đồng thời cũng đem lại áp lực đối với bản thân người học. Với tinh thần thông tư dự thảo, áp lực điểm số sẽ giảm hẳn; mặt khác, việc đánh giá bằng hình thức nhận xét cũng sẽ tạo cơ hội cho học sinh tự đánh giá mình và các bạn học đánh giá lẫn nhau.

Trong khi đó, một cán bộ khác công tác ở Phòng Giáo dục - Đào tạo Hoà Thành lại cho rằng, cách đánh giá mới tuy có đỡ áp lực về điểm số đối với học sinh nhưng các giáo viên sẽ rất vất vả. Sĩ số lớp thường từ 30 - 35 học sinh (có khi còn cao hơn) nên để ghi lời nhận xét thì giáo viên sẽ phải bỏ ra rất nhiều thời gian, chưa kể việc đánh giá bằng hình thức nhận xét dễ chứa đựng yếu tố cảm tính.

Đánh giá, hình thức đánh giá là khâu quan trọng trong quy trình hoạt động giáo dục. Phương pháp đánh giá khoa học, đúng thực chất sẽ giúp cho người học nhận biết được học lực và các khả năng khác của mình. Tuy vậy, có lẽ không nên tuyệt đối hoá vai trò của hình thức đánh giá, vì dẫu sao trong nhà trường, việc đánh giá cũng chỉ được thực hiện dưới hai hình thức là chấm điểm và nhận xét. Bộ Giáo dục - Đào tạo đã nhiều lần thay đổi hình thức đánh giá từ chấm điểm chuyển sang nhận xét, sau đó lại bỏ nhận xét để quay lại chấm điểm.

Việc thay đổi hình thức đánh giá trong thời gian qua ở một số môn học, cấp học đã bộc lộ nhiều bất cập, ví dụ trong sổ gọi tên ghi điểm và học bạ không hề có chỗ nào để ghi lời nhận xét cho đầy đủ như hướng dẫn của Bộ.

Mặt khác, nếu như chấm điểm là định lượng thì ghi nhận xét lại chứa nhiều cảm tính, khó bảo đảm tính khách quan, khoa học. Có điều cần phải nói là nếu tinh thần trách nhiệm của giáo viên không cao, bản lĩnh nghề nghiệp yếu, thiếu cái tâm của người thầy hoặc dễ dàng bị chi phối bởi các yếu tố khác thì việc ghi nhận xét có thể gây ra tác dụng phản giáo dục.

Trên phương diện kỹ thuật, nếu ghi lời nhận xét thật đầy đủ như tinh thần của thông tư thì giáo viên đúng là sẽ mất rất nhiều thời gian. Điều này dẫn đến khả năng giáo viên sẽ đối phó theo kiểu: tốt, khá, được, chăm, ngoan... như thường thấy trong học bạ.

Từ lâu nay, tình trạng chạy theo thành tích, chỉ tiêu đã khiến cho khâu kiểm tra đánh giá lắm khi chỉ còn tính hình thức. Chính thực trạng này đã dẫn đến tình trạng có giáo viên thậm chí không thèm chấm điểm bài kiểm tra của học sinh mà “cấy” điểm vào sổ. Vì thế, điều quan trọng nhất đối với giáo dục hiện nay là chất lượng đào tạo chứ không phải cứ loay hoay nay đánh giá kiểu này, mai đánh giá kiểu nọ...

VIỆT ĐÔNG