BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lời cảnh báo từ những “cạm bẫy” chết người!

Cập nhật ngày: 01/09/2009 - 02:11

Một tuần sau vụ tai nạn ngày 20.8.2009 làm một cháu bé tử vong ở ấp Lộc Châu, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng (xem Báo Tây Ninh ngày 22.8.2009), chúng tôi lại đến hiện trường để tìm hiểu thêm vụ việc. Đáng nói là trước đây, tháng 11.2008, Báo Tây Ninh đã có bài viết cảnh báo khả năng xảy ra tai nạn chết người ngay tại ao sâu này nhưng không được chính quyền địa phương, ngành chức năng và người dân quan tâm, rào chắn lại để ngăn ngừa tai nạn.

Xã buộc người vô can phải rào chắn ao (!?)

Trao đổi với phóng viên về vụ tai nạn trên, một cán bộ xã Lộc Hưng cho biết, sau khi Báo Tây Ninh thông tin sự việc, Đảng uỷ, UBND xã đã chỉ đạo một số cán bộ xã đến hiện trường khảo sát và mời chi bộ, BQL ấp Lộc Châu làm việc. Sau đó, Đảng uỷ, UBND xã Lộc Hưng đã giao trách nhiệm cho Trưởng ấp Lộc Châu và ông Nguyễn Văn Quý (chủ đất) phải bỏ tiền ra rào chắn ao sâu lại.

Một góc ở khu khai thác đất khoáng sản thuộc ấp Lộc Trị, xã Hưng Thuận.

Tuy nhiên, khi tiếp xúc với phóng viên, ông Quý tỏ ra hết sức bất ngờ trước thông tin xã buộc ông phải rào chắn lại ao sâu gây chết người. “Tôi có nghe ấp, xã nói gì đâu? Hơn nữa, ao này trước kia là đất của một người dân địa phương, sau đó bán cho một người tên Ảnh, bà Ảnh bán lại cho người khác khai thác đất khoáng sản. Tôi đâu có liên quan gì tới cái ao này mà buộc tôi phải rào chắn. Lẽ ra chính quyền địa phương phải buộc nhà thầu khai thác đất khoáng sản phải rào chắn ao sau khi khai thác xong, chứ đâu phải bỏ mặc như vầy để rồi xảy ra tai nạn chết người”, ông Quý tỏ ra bức xúc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhà thầu khai thác đất ở ao sâu trên là ông B, là người có “tên tuổi” trong nghề khai thác đất khoáng sản ở Trảng Bàng. Khoảng năm 2003, ông B móc đất từ ao này để san lấp mặt bằng chợ Lộc Hưng. Khai thác xong, ông B bỏ đi. Người dân địa phương cho biết ao này chỗ sâu hơn 12m, chỗ cạn cũng phải 7 hoặc 8m. Cách đây khoảng 5 năm, tại một ao sâu ở ấp Lộc Trị, xã Hưng Thuận cũng do ông B khai thác đã xảy ra tai nạn chết người. Sau khi tai nạn xảy ra, ông B đã “khắc phục hậu quả” bằng cách san lấp ao rồi trồng cao su.

“Cạm bẫy” tràn lan

Chúng tôi tiếp tục đến khu vực khai thác đất khoáng sản ở ấp Lộc Trị, xã Hưng Thuận và được một cán bộ địa phương cho biết, toàn khu vực này hiện có khoảng 36 ha đất đang được khai thác để san nền và làm gạch, trong đó có một số đang khai thác mới (khoảng trên 10 ha), số còn lại được “khai thác tận thu”. Lẽ ra, theo quy định, ở những khu vực khai thác đất khoáng sản, doanh nghiệp khai thác phải cho rào chắn để đảm bảo an toàn cho người đi đường, người dân địa phương và súc vật. Thế nhưng, cả một vùng rộng lớn hàng chục ha ở đây chỉ có vài đường kẽm gai (loại kẽm lam, rất mỏng) treo “hờ hững” ở một vài nơi. Dưới các hố sâu bảy tám mét đến cả chục mét, nhiều phương tiện cơ giới vẫn liên tục hoạt động ầm ì. Trên khắp các nẻo đường ở xã Hưng Thuận về Lộc Hưng, xe ben chở đất không ngớt chạy ào ào, bóp còi inh ỏi, tung bụi mù trời. Cạnh khu mỏ rộng lớn này là hai lò gạch “công nghệ mới” có quy mô khá “hoành tráng”, xe chở đất dập dìu tới lui. Theo quy định thì nhà thầu khai thác đất phải thực hiện khai thác “trên rộng, dưới hẹp” theo hình bạt mái taluy để tránh sạt lở, tuy nhiên tại những hố sâu hoắm này, chúng tôi không khỏi rợn người trước những vách hố thẳng đứng, cheo leo như bờ vực thẳm. “Bây giờ còn như vậy, mai mốt họ khai thác “tận thu” xong sẽ còn sâu hơn nữa!”, một người dân địa phương cho biết với vẻ lo lắng. Cạnh một hố sâu là con đường đi vào rẫy, ruộng của người dân địa phương có từ nhiều năm qua. Hiện nay đã có một số chỗ bị sạt lở cạnh đường, còn dây kẽm lam được văng để đối phó thì cũng đã đứt nhiều nơi.

Một cán bộ ngành chức năng ở huyện Trảng Bàng cho biết: Khoảng 3 năm trở lại đây, tình trạng khai thác đất khoáng sản tại khu vực hai ấp Lộc An và Lộc Bình của xã Lộc Hưng diễn ra một cách ồ ạt, tràn lan đã gây bức xúc trong nhân dân địa phương. Đáng nói là bên cạnh một số doanh nghiệp khai thác đất khoáng sản “có giấy phép”, ở Lộc Hưng đang tồn tại tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển đất khoáng sản không đúng pháp luật.

Tại “công trường” khai thác đất khoáng sản ở ấp Lộc An và ấp Lộc Bình, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước quy mô của “khu mỏ” ở đây. Theo ước tính của một cán bộ địa phương, “mỏ” đất này rộng phải đến hơn 50 ha đang được khai thác đến độ sâu từ 10

Vách hố thẳng đứng, cheo leo như bờ vực thẳm.

đến 17m hoặc hơn. Tại đây, tràn lan những hầm hố mênh mông nước, sâu hun hút. Đất được khai thác gồm đất phún dùng để phục vụ các công trình xây dựng và đất sét bán cho các lò gạch (chủ yếu là cụm 7 lò gạch tại địa phương). Do đợt “sốt” giá gạch vào cuối năm 2007 vừa qua, giá đất nguyên liệu làm gạch cũng “sốt” theo đã khiến nhiều người dân “hè nhau” bán đất nông nghiệp cho các nhà thầu khai thác khoáng sản (mỗi mẫu đất ở khu vực này tại thời điểm đầu năm 2008 có giá từ 800 triệu đến cả tỷ đồng). Sau khi khai thác xong, những đám ruộng trước kia đã trở thành “vực thẳm”. Theo người dân địa phương, hiện còn hàng chục ha đất quanh khu vực này đã bị nông dân bán cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. “Nếu vài năm nữa, Nhà nước cho họ khai thác hết số đất trên thì quả là nguy hại khôn lường”, một cụ già ở ấp Lộc An lo lắng. Nhiều người dân địa phương cũng hoang mang cho biết, việc khai thác đất khoáng sản ở ấp Lộc An và Lộc Bình đã và sẽ gây tác động tiêu cực đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.

Người dân cũng tỏ ra bất bình trước việc hiện trạng khu dân cư và môi trường tự nhiên ở đây đang bị biến đổi một cách nhanh chóng, đáng lo ngại. “Những hố sâu loang lổ ở nhiều nơi trong khu dân cư như thế này quả là quá nguy hiểm. Người dân địa phương luôn cảm thấy bất an bởi trẻ em lẫn người lớn đều có thể gặp tai nạn bất cứ lúc nào nếu sơ suất. Mà chuyện sơ suất thì làm sao tránh khỏi!”, một bà cụ có cháu nhỏ than phiền. Một cán bộ ở huyện Trảng Bàng cho biết, cách đây khoảng hơn 3 năm, tại một hố sâu ở ấp Lộc An đã xảy ra hai vụ tai nạn, làm chết một em bé và một thanh niên. Hiện trạng khu mỏ ở Lộc An và Lộc Bình cho thấy, chỉ có rất ít hố sâu được rào chắn một cách “đối phó”, còn lại đều “trống trơn”.

Đừng để thêm nhiều người phải chết oan

Theo tìm hiểu của chúng tôi từ một cán bộ ngành chức năng ở huyện Trảng Bàng thì công tác quản lý, kiểm tra và xử lý tình trạng khai thác khoáng sản không đúng quy định pháp luật tại các “mỏ” ở huyện này do Sở TN&MT thực hiện. Mỗi năm, Sở TN&MT phối hợp cùng Phòng TN&MT tổ chức vài đợt kiểm tra. Thỉnh thoảng, nhận được tin báo của người dân về tình trạng khai thác khoáng sản trái quy định, Phòng TN&MT có cử cán bộ đến hiện trường kiểm tra nhưng thường thì “về tay không” vì các đối tượng và phương tiện đã kịp “lặn mất tăm” trước khi ngành chức năng đến nơi (?!).

Cách đây không lâu, một cán bộ xã Lộc Hưng cho biết, địa phương hầu như “bó tay” trước tình trạng khai thác đất bởi sự giới hạn về khả năng, điều kiện và thẩm quyền: “Chúng tôi xuống hiện trường, lập biên bản tạm đình chỉ khai thác thì những đối tượng khai thác đất trái phép “vui vẻ” chấp hành ngay. Nhưng khi chúng tôi ra về thì… đâu lại vào đấy. Theo vị cán bộ này, các mỏ đất ở khu đất Lộc An và xã Lộc Bình hầu hết đều vi phạm quy định về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường, diện tích và độ sâu đều lớn hơn rất nhiều so với quy định cho phép.

Một cán bộ Sở TN&MT cho biết: Hiện tỉnh chỉ cho phép khai thác khoáng sản (đất nguyên liệu gạch, đất phún) đến độ sâu tối đa là 6m, trường hợp nào khai thác sâu hơn là trái quy định, sẽ bị xử lý hành chính và buộc phải khắc phục hậu quả (khôi phục lại hiện trạng). Ngoài việc khai thác đến độ sâu không được phép, nhiều doanh nghiệp khai thác đất phún còn nhiều vi phạm khác như không rào quanh khu vực hố khai thác để đảm bảo an toàn cho mọi người, chở quá tải, khai thác không giấy phép… Trước đây, Sở TN&MT kết hợp với ngành chức năng khác tiến hành kiểm tra đột xuất, bất ngờ mới bắt được quả tang các phương tiện và đối tượng vi phạm. Còn nếu tổ chức kiểm tra theo đoàn, theo lịch định sẵn thì hiện trường luôn vắng tanh (!?).

Liên quan đến vụ cháu bé tử vong dưới ao sâu ở ấp Lộc Châu, xã Lộc Hưng, luật sư Lý Thanh An – Đoàn Luật sư Tây Ninh có ý kiến như sau: Dựa vào thông tin bài báo nêu, theo tôi, gia đình nạn nhân có quyền khởi kiện ra toà (dân sự), yêu cầu chủ doanh nghiệp khai thác khoáng sản tạo thành cái ao đó và chủ sử dụng đất ao đó phải bồi thường.

Xét về lỗi phải bồi thường, căn cứ vào Luật Khoáng sản, chủ doanh nghiệp khai thác phải khôi phục lại hiện trạng, có biện pháp rào chắn, bảo vệ… Theo nội dung bài báo nêu, chủ doanh nghiệp đã “bỏ ra đi” một cách không trách nhiệm, vì vậy phải bồi thường. Còn chủ sử dụng đất (đã thành ao sâu) với tư cách là “chủ sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ” phải bồi thường thiệt hại theo Điều 623 Luật Dân sự hiện hành. Phân tích sâu hơn, chúng ta cần xem xét:

Nếu trường hợp trước khi ra đi, giữa chủ doanh nghiệp và chủ sử dụng đất có “bàn giao” trách nhiệm (bằng văn bản), nếu có xảy ra “sự cố” thuộc về chủ sử dụng đất phải bồi thường thì chủ doanh nghiệp này “thoát nạn”. Thường thì trong hợp đồng giữa hai bên có ghi rõ và thoả thuận trước khi khai thác. Còn nếu không có phân định trách nhiệm thì cả hai phải cùng liên đới chịu trách nhiệm bồi thường. Bồi thường ở đây là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, do gián tiếp làm xâm hại đến tính mạng người khác.

Qua cái chết thương tâm của cháu bé, thiết nghĩ cơ quan quản lý chức năng và chính quyền địa phương cũng nên nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc kiểm tra, nhắc nhở, xử lý các chủ doanh nghiệp khai thác và chủ sử dụng đất thực hiện đúng các quy định của pháp luật, nhằm ngăn ngừa những tai nạn tương tự.

BẢO TÂM