Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tấm lòng thầy giáo trẻ

Cập nhật ngày: 18/11/2010 - 11:39

Tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM năm 2004, đến năm học 2007 - 2008, Phùng Thanh Hùng mới chính thức trở thành thầy giáo ở Trường THPT Trần Phú (huyện Tân Biên). Sau đó, thầy Hùng được bầu làm Phó bí thư Đoàn trường kiêm Chủ tịch Hội Thanh niên. Khi vào trường, thầy Hùng thấy có một số học sinh cá biệt hay tụ tập băng nhóm rồi quậy phá. Thầy Hùng nghĩ đến chuyện cảm hoá, giáo dục những em này. Thầy Hùng kể: “Khi mới bắt đầu, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc các em không chịu hợp tác, không tiếp xúc với giáo viên và không chịu bày tỏ tình cảm của mình”.

Thầy Phùng Thanh Hùng (phải) đang trò chuyện với em Nguyễn Duy Hải

Để tiếp cận những học sinh cá biệt, thầy Hùng đã kiên trì gặp gỡ các em, hỏi han chuyện học hành, chuyện bạn bè. Sau đó, thầy mới hỏi đến chuyện gia đình để tìm ra giải pháp cho từng em. Qua nhiều ngày kiên trì, cuối cùng những em học sinh cá biệt này cũng dần dần chuyển biến. Như trường hợp của em Nguyễn Duy H, học sinh lớp 11C4. H là một học sinh con nhà khá giả nên có tiền tiêu xài hoang phí và được xem là “đại ca” của nhóm. H đã lôi kéo, rủ rê nhiều bạn học khác cùng trốn học và chống đối thầy cô. Qua sàng lọc, phát hiện vai trò nòng cốt của H, thầy Hùng đã phối hợp với gia đình, địa phương tăng cường biện pháp quản lý, có giải pháp tách H ra khỏi nhóm và phân công giáo viên bộ môn theo dõi quá trình học tập của em. Song song đó, thầy còn mời H tham gia CLB Tri thức học đường. Sau 3 tháng tham gia CLB, H bắt đầu có chuyển biến. Đến nay thì H đã biết vâng lời thầy cô, cha mẹ và học hành tiến bộ hơn trước. Từ một học sinh có học lực yếu, đến nay H đã phấn đấu vươn lên trung bình. H cho biết: “Năm em lên lớp 10, nghe bạn bè rủ rê nên em đã sa đà vào chơi bời lêu lỏng. Vì vậy năm lớp 11 em bị ở lại. Sau đó, thầy Hùng đã tìm gặp em rồi thầy bảo ban, khuyên nhủ một cách chân tình. Thầy còn tạo điều kiện cho em tham gia vào các hoạt động của trường. Nhờ đó mà em đã nhận ra cái đúng, cái sai và bắt đầu học hành nghiêm túc trở lại”.

Em Nguyễn Văn B, học sinh lớp 10C9 cũng là một học sinh cá biệt với thành tích tụ tập băng nhóm rồi đánh nhau. Do từ nhỏ, B sống với bà ngoại nên thiếu sự quản lý sâu sát của gia đình. Những năm học cấp 2, B đã là một học sinh bướng bỉnh. Khi lên cấp 3, B giao du với những thanh niên bên ngoài trường và lập băng nhóm, thường xuyên la cà quán xá, trốn học và đánh nhau. Nắm rõ hoàn cảnh của B, thầy Hùng đã tiếp cận và phân tích cho em thấy cái đúng, cái sai rồi uốn nắn, hướng dẫn cho em. Sau đó thầy mời em tham gia các hoạt động do Đoàn, Hội tổ chức. Qua một thời gian, hiện nay B đã chấp hành tốt nội quy của nhà trường và học lực cũng tiến bộ lên trông thấy. Ngoài việc học tốt, B còn là thành viên của nhóm tuyên truyền phòng chống bạo lực trong học đường.

Tính đến nay, thầy Hùng đã cảm hoá, giáo dục được 12 học sinh cá biệt trở thành những học sinh ngoan hiền. Trong năm học 2010 - 2011 này, thầy Hùng đã thực hiện đề tài sáng kiến kinh nghiệm: Biện pháp giáo dục đạo đức học sinh cá biệt thông qua hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Đề tài này đã được Hội đồng Giáo dục Trường THPT Trần Phú và Sở Giáo dục - Đào tạo Tây Ninh xếp loại B. Đầu năm học 2010 - 2011, thầy Hùng được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn trường THPT Trần Phú. Ngày 12.11.2010 vừa qua, thầy Hùng còn được Hội LHTN VN huyện Tân Biên khen thưởng trong hội nghị biểu dương Người tình nguyện. Nói về những việc đã làm, thầy Hùng tâm sự: “Cứ mỗi lần đưa được một học trò trở lại với trường, lớp là mình cảm thấy rất vui”. 

Nhất Chi Mai